Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bạn bè ở tuổi vị thành niên


Đối với trẻ vị thành niên: nhu cầu được giao tiếp, kết nối và khẳng định bản thân thông qua các nhóm bạn đồng trang lứa là đặc điểm tâm lý chủ đạo ở lứa tuổi này. Đặc biệt, nhu cầu được thuộc về một tập thể đồng trang lứa lại càng phát triển mạnh ở cuối tuổi thiếu niên. Hơn nữa, có thể thấy rằng quan hệ bạn bè là một trong những yếu tố gắn bó mật thiết, không thể tách rời khỏi trẻ.

Đồng thời, vị thành niên là giai đoạn định hình hình ảnh bản thân, hoàn thiện sự phát triển của tính chủ định trong nhận thức. Do đó, việc tự chủ cảm xúc cũng như giải quyết mâu thuẫn đối với trẻ vẫn còn là một “nan đề” khá nhập nhằn và nhứt nhối. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong tình bạn ở tuổi vị thành niên.

Thế nên, điều quan trọng là chúng ta cần hỗ trợ trẻ tìm được phương pháp ứng phó phù hợp. Từ đó mang lại những cách thức quản lý cảm xúc, cũng như giải pháp hiệu quả cho các vấn đề mâu thuẫn.

5 bước cần thực hiện để quản lý cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả

Bước 1: Gọi tên cảm xúc

Khi đối mặt với cảm xúc âm tính, điều đầu tiên chúng ta cầ hướng đến là nhận diện chúng. Tiếp đến, cần hỗ trợ trẻ hiểu được rằng bất kì cảm xúc nào đều xứng đáng được tôn trọng, không có cảm xúc nào được gọi là xấu xa, gợi mở tính chấp nhận ở trẻ. Cuối cùng là cần cùng với trẻ gọi được đúng tên cảm xúc đang diễn ra bên trong tâm trí của bản thân.

Bước 2: Xác định nguyên nhân dẫn đến cảm xúc

Cảm xúc xuất phát từ nhu cầu, đồng thời cảm xúc âm tính thường xuất phát từ những nhu cầu chưa được đáp ứng. Trẻ cần xác định được rằng “Điều gì đang diễn ra? Điều gì khiến em cảm thấy sợ hãi/buồn bã như thế?”. Ở vai trò là người đồng hành, người lớn/nhà giáo dục/chuyên viên tâm lý cần lắng nghe được các “nhu cầu đang ẩn nắp” đằng sau lời than phiền/câu chuyện mà trẻ chia sẻ. Từ đó, đồng hành cùng trẻ hóa giải cảm xúc dựa trên nguyên nhân trực tiếp của vấn đề.

Bước 3: Áp dụng một số phương pháp quản lý cảm xúc (Chọn 1 trong những phương pháp phù hợp bên dưới):

Thứ nhất, áp dụng phương pháp HOPE

H = Khoái lạc và hạnh phúc (Hedonic well-being and happiness)

Có thể gợi lại những điều khiến trẻ có cảm xúc tích cực, những trải nghiệm vui vẻ và hạnh phúc mà trẻ đã trải qua. Từ đó, giúp trẻ cảm nhận được sự yêu thương và giảm bớt cảm xúc âm tính.

O = Quan sát và tham dự (Observe and attend)

Đồng hành cùng trẻ trong việc dành thời gian quan sát phản ứng của bản thân trước các tình huống có vấn đề: không phớt lờ, kìm nén hoặc phóng đại quá mức. Tham dự vào những phản ứng này một cách không phán xét. Trẻ cần nhận biết được trẻ đang cảm thấy như thế nào và cảm nhận nó. Không cần phán xét cảm xúc ấy là xấu hay tốt mà chỉ cần biết rằng: Việc cảm xúc ấy hiện diện là một thông điệp tự nhiên mà cơ thể muốn gửi đến trẻ.

P = Thay đổi sinh lý và hành vi (Physiology and behavioral changes)

Hướng dẫn trẻ cách thức tập trung vào hơi thở, nhịp tim và nhận biết những thay đổi sinh lý bên trong do cảm xúc của trẻ tạo ra. Một lần nữa, hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những thay đổi này mà không phán xét.

E = Eudaimonia

Khuyến khích trẻ tìm kiếm những sở thích, công việc hay trò giải trí để tìm niềm vui, sự say mê và tình yêu trong cuộc sống của trẻ. Từ đó, giúp bạn cảm nhận được giá trị đích thực của bản thân, tìm thấy được nhiều niềm vui giữa đời thường để trở nên hạnh phúc hơn.

Thứ hai, phương pháp TEARS

T = Dạy và Học (Teach and Learn)

Giúp trẻ làm quen, tìm hiểu cách thức lắng nghe cơ thể thông qua việc diễn giải cảm xúc với chính mình và hiểu được ý nghĩa của chúng. Từ đó học được cách thức ứng phó phù hợp mỗi khi đối diện với cảm xúc âm tính.

E = Thể hiện và cho phép (Express and enable)

Khuyến khích trẻ khám phá cảm xúc với sự cởi mở, cho phép bản thân được bộc lộ cảm xúc một cách an toàn. Từ đó giúp trẻ tăng cường khả năng chấp nhận những cảm xúc không như ý như là một bản năng bình thường của cơ thể.

A = Chấp nhận và làm bạn (Accept and befriend)

Đó là về việc kết bạn với chính bản thân. Định hướng trẻ tập trung vào việc tăng khả năng chấp nhận của bản thân bằng những lời khẳng định tích cực để có thể thu hẹp phạm vi của cảm xúc âm tính và đưa điều đó vào vùng an toàn có thể chấp nhận được. Chấp nhận những cảm xúc gây khó chịu ấy như là những tín hiệu cảnh báo đến cơ thể rằng cần có sự thay đổi và cải thiện. Những cảm xúc âm tính có thể không biến mất đi nhưng thông qua sự chấp nhận trẻ có thể dần trở nên tốt hơn.

R = Đánh giá lại và điều chỉnh lại (reappreciate and reframe)

Khi trẻ đã bắt đầu chấp nhận rằng đây là một phần tự nhiên của con người, trẻ có thể bắt đầu tập trung vào việc sắp xếp lại tình huống và cách phản ứng. Chỉ vì một cảm xúc tiêu cực đã xuất hiện, không có nghĩa là phải phản ứng theo những cách gây bất lợi cho bản thân và những người xung quanh. Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực không phải là chấp nhận hoặc bào chữa cho những hành vi kém cỏi, mà là tạo ra nhận thức cho bản thân và những người khác để tạo ra những phản ứng tích cực.

S = Hỗ trợ xã hội (Social support)

Giúp trẻ nhận biết được rằng những cảm xúc tiêu cực luôn hiện hữu trong tất cả chúng ta. Và theo cách tương tự, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm đối với những người xung quanh cũng là nguồn lực hỗ trợ tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cũng cần nhận ra rằng thông qua những trải nghiệm không như ý, trẻ có thể dễ dàng đồng cảm hơn với mọi người hơn. Giúp trẻ nhận ra rằng ở đâu đó vẫn có nhiều người giống trẻ: gặp phải đau khổ, tuyệt vọng, uất ức hay một điều kinh khủng nào đó nhưng họ vẫn có thể vượt qua.

Thứ ba, thực hành Mindfulness

Quan sát hơi thở

Sự thay thế tốt hơn của việc “kiểm soát hơi thở” đó là “chứng kiến/quan sát nó”. Để “chứng kiến/quan sát hơi thở”, cần hỗ trợ và dẫn dắt giúp trẻ tự ý thức để dừng lại trong thời khắc hiện tại và quan sát cách hơi thở của bản thân đang chuyển động.

Cảm nhận cơ thể bên trong

Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ Eckhart Tolle trong cuốn sách “Một Trái đất mới" ("A New Earth”). Để cảm nhận cơ thể bên trong, chỉ cần thu hút sự chú ý/tập trung đến một vùng trên cơ thể, chẳng hạn như bàn tay, bàn chân, ngực hoặc đầu. Cho phép bản thân cảm thấy năng lượng cuộc sống trong một khu vực cụ thể. Với sự thực hành, trẻ có thể nhận thức được cơ thể bên trong ngay cả khi bạn nói chuyện với người khác.

Thực hành “Đi bộ tỉnh thức”

Một trong những thực hành Mindfulness hiệu quả đó là “Đi bộ tỉnh thức”. Điều thú vị về phương thức này đó là người đồng hành có thể kết hợp nó vào chế độ tập luyện hàng ngày của trẻ. “Đi bộ tỉnh thức” là tất cả những gì được bao hàm trong phương pháp đó chính là sự nhận thức ra thứ cảm giác về mặt đất ở dưới chân bản thân mình.

Để thực hành “Đi bộ tỉnh thức”, dẫn dắt và hỗ trợ để trẻ cho phép sự tập trung của mình được nghỉ ngơi trong những cử động của bàn chân, nghĩa là “đặt mình vào đôi giày” trên chân trẻ và cảm nhận một cách nguyên sơ những gì chúng đang trải qua.

Lời cầu nguyện với sự biết ơn

Nói lời cảm ơn vì những gì bạn có mỗi ngày là một trong những thực hành chuyển hóa Mindfulness. Lòng biết ơn chỉ có thể tồn tại trong khoảnh khắc hiện tại, do đó nó là một công cụ Mindfulness hoàn hảo. Khi chúng ta lạc lối trong suy nghĩ của mình, chúng ta dễ dàng nhận lấy những gì chúng ta được cho và luôn muốn nhiều hơn nữa. Trên thực tế, hành động biết ơn yêu cầu chúng ta phải nhận thức được tất cả những gì chúng ta đang có ngay bây giờ, lúc này, ngay tại đây.

Bước 4: Xác định tình huống có vấn đề/ nguyên nhân gây mâu thuẫn trong mối quan hệ

Có câu “You can’t pour form an empty cup”, vì thế khi nguồn lực nội tại đã được lắp đầy sau giai đoạn xử lý hiệu quả cảm xúc tiêu cực, trẻ có thể xác định tình huống gây căng thẳng một cách chính xác và hiệu quả hơn. Tương tự như việc trẻ học cách lắng nghe “nhu cầu ẩn nấp” đằng sau cảm xúc của bản thân, trẻ cũng cần nhận diện được điều đó khi tương tác với người khác. Cần hỗ trợ trẻ định hình được vấn đề cốt lõi dẫn đến mâu thuẫn và đồng hành cùng trẻ trong việc lên kế hoạch hóa giải phù hợp.

Bước 5: Giải quyết vấn đề

Các bạn hành động theo kế hoạch và những ý tưởng đã đề ra. Nếu không lam gì cả và tất cả kế hoạch chỉ nằm trên giấy tờ hoặc suy nghĩ thì vấn đề không bao giờ được giải quyết.


Tham khảo

Tiếng Việt
  • Đoàn Văn Điều (2014). Khảo sát trí tuệ cảm xúc của sinh viên trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM.
  • Phan Trọng Ngọ (chủ biên) (2001). Tâm lý học trí tuệ. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Trương Thị Khánh Hà, Nguyễn Thị Thủy Vân (2015). Trí tuệ cảm xúc và các mối quan hệ. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 1 (2015) 20-28.
Tiếng Anh
  • Peter Reilly (2010). Mindfulness, Emotion and Mental models: Theory that lead to more effective dispute resolution. 10 Nev. L.J. 433 (2009-2010).
  • What are the Negative Emotions and How to control them?
  • https://positivepsychology.com/negative-emotions/
  • https://kynangandlifeskills.com/2020/11/16/giai-quyet-mau-thuan-voi-ban-be/

Biên tập: Phạm Ngọc Thanh Ngân

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________