"Lỗi đánh máy" - lý do vạn năng để giải thích sai sót trong văn bản?

Mới đây, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa gây xôn xao dư luận khi đưa ra mục tiêu doanh thu khổng lồ hơn 6,58 triệu tỉ đồng, gần bằng tổng tiền gửi tiết kiệm của người dân cả nước (6,67 triệu tỉ đồng) và tương đương 60% GDP Việt Nam năm 2023. Đại diện công ty sau đó giải thích rằng đây là do sai sót trong việc đánh máy khi soạn thảo biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Cụ thể, ban lãnh đạo Điện lực Khánh Hòa cho biết kế hoạch kinh doanh “cao ngất ngưởng” kể trên chỉ là lỗi đánh máy dẫn đến sai sót trong việc đánh số thứ tự và dấu phân cách hàng thập phân trong các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Trong đó, chỉ tiêu tổng doanh thu bị đánh máy nhầm từ 6.580,094 tỷ đồng thành 6.580.094 tỷ đồng và chỉ tiêu chi phí đánh máy nhầm từ 6.529,994 tỷ đồng thành 6.529.994 tỷ đồng [nguồn].

Tamlyhoc.org: Trong thời đại công nghệ số, “lỗi đánh máy” đã trở thành một cụm từ quen thuộc, thường được xem như lỗi nhẹ nhất trong các sai sót về chính tả, câu chữ hay nội dung của một văn bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc sử dụng lý do này để giải thích cho mọi sai sót trong văn bản hành chính đang trở nên phổ biến một cách đáng lo ngại, và trong nhiều trường hợp, không thể thuyết phục được dư luận. Nhìn lại cụm từ “lỗi đánh máy” trong thời gian mấy năm vừa qua xuất hiện nhan nhãn trên các mặt báo. 

Hình minh hoạ: Đã đến lúc giải oan cho 'lỗi đánh máy' - nguồn: Tuổi Trẻ Online

Những sự việc dở khóc dở cười nhưng cũng đáng suy ngẩm

Đơn cử vào năm 2019, một bệnh viện đa khoa ở tỉnh Quảng Nam để xảy ra một sự việc dở khóc dở cười khi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc cho một nam thanh niên 25 tuổi với kết quả chẩn đoán và phương pháp điều trị là: “kinh nguyệt nhiều, hay xuất hiện và không đều; các viêm khác của âm đạo và âm hộ”. Giám đốc bệnh viện sau đó thừa nhận sai sót và giải thích rằng đây là do lỗi đánh máy của y tá. 

Một trường hợp khác, tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội, một nam bệnh nhân 34 tuổi đến khám vì bị thương và chảy máu ở ngón tay áp út bàn tay phải. Tuy nhiên, phiếu chỉ định dịch vụ lại ghi “khâu vết thương âm hộ, âm đạo” và yêu cầu thực hiện thủ thuật tại khoa sản. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội sau đó giải thích rằng đây là do lỗi đánh máy của nhân viên kế toán khi tính viện phí, cắt dán nhầm thông tin bệnh nhân này vào bệnh nhân khác [nguồn].

Cuối năm 2018, bốn cán bộ, giảng viên đang công tác tại Học viện Âm nhạc Huế bất ngờ nhận được thông báo sẽ phải nghỉ việc do tinh giản biên chế. Sự việc gây hoang mang trong đội ngũ nhân viên. Sau khi nhận đơn phản ánh, Học viện Âm nhạc Huế thừa nhận sai sót và giải thích rằng đây là do lỗi đánh máy. Phó giám đốc học viện cho biết trong danh sách thiếu đi hai chữ “dự thảo”, dẫn đến sự hiểu lầm về việc buộc thôi việc [nguồn].

Vào năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam gặp phải sự cố khi ban hành thông tư không đưa thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe vào danh sách các loại giấy tờ làm thủ tục đi máy bay nội địa. Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo Cục Hàng không giải thích rằng đây là do sơ suất trong quá trình soạn thảo văn bản dự thảo lần cuối của thông tư, dẫn đến việc bỏ sót các loại giấy tờ này [nguồn].

Năm 2015, tại CLB bóng đá XSKT Cần Thơ, thủ môn Trần Bửu Ngọc bất ngờ nhận được thông báo thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó phó chủ tịch CLB Trần Minh Tâm giải thích rằng đây chỉ là do sai sót của bộ phận văn thư. Theo ông Tâm, lẽ ra CLB định gửi thư mời Bửu Ngọc đến bàn bạc một số vấn đề, nhưng bộ phận văn thư lại đánh nhầm thành thông báo thanh lý hợp đồng. Giải thích này gây nhiều tranh cãi vì khó có thể hiểu được làm sao có thể nhầm lẫn giữa hai nội dung hoàn toàn khác biệt như vậy [nguồn].

Năm 2014, trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận), đề thi môn toán xuất hiện lỗi ở bài 3, phần 2. Thay vì ghi dấu ≤, nhân viên đánh máy đã đánh dấu ≥. Sự cố này khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng vì mất nhiều thời gian để làm câu hỏi này mà không ra kết quả. Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận giải thích rằng đây là do lỗi đánh máy và quyết định cho tất cả thí sinh điểm tối đa cho câu hỏi này [nguồn].

Ảnh chụp đoạn bài viết trên báo Tuổi Trẻ

Tại Mỹ, một chủ xe BMW X5 đã mất trắng khoản bảo hiểm GAP trị giá 19.000 USD do một sai sót nhỏ trong hợp đồng mua xe. Cụ thể, khi ngân hàng gửi séc thanh toán cho đại lý, số tiền ghi là 60.517,26 USD thay vì 60.517,86 USD như thỏa thuận ban đầu. Sự chênh lệch 60 cent này đã không được phát hiện trong 7 tháng, cho đến khi xe gặp tai nạn và công ty bảo hiểm từ chối chi trả khoản bảo hiểm GAP do phát hiện sự khác biệt trong khoản thanh toán ban đầu [nguồn]. Năm 2020, doanh nhân Bobby Read mua một tòa nhà gần tháp nước của thành phố Brooksville, Florida với giá 55.000 USD, với mục đích cải tạo thành phòng tập thể dục. Tuy nhiên, khi ông đến làm thủ tục xây dựng vào năm 2021, ông bất ngờ được thông báo rằng lô đất ông mua bao gồm cả toàn bộ khu vực tháp nước của thành phố. Tháp nước này có tầm quan trọng đặc biệt, cung cấp nước cho khoảng 8.500 cư dân trên diện tích hơn 80 km2. Nếu đúng về mặt pháp lý, ông Read có thể nắm quyền kiểm soát nguồn nước của cả thành phố, bao gồm quyền thu phí và thậm chí cắt nước của 8.500 hộ dân. May mắn là ông Read đã xử lý tình huống một cách có đạo đức. Ông cho rằng đây chỉ là một “sai sót đánh máy” và sẵn sàng làm lại hồ sơ giấy tờ để trả lại tháp nước cho thành phố [nguồn].

Những vụ việc này một lần nữa cho thấy "lỗi đánh máy" có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cẩn trọng trong mọi giao dịch, đặc biệt là những giao dịch liên quan đến tài sản công và lợi ích cộng đồng.


Có phải đây là sự ngộ nhận có chủ đích?

Theo bài viết của thạc sĩ Trần Xuân Tiến trên báo Tuổi Trẻ Online: Trước hết, cần phân biệt rõ giữa lỗi đánh máy thực sự và các loại sai sót khác. Lỗi đánh máy đơn thuần chỉ là những sai sót nhỏ trong quá trình thao tác trên máy tính, như gõ nhầm phím, thiếu dấu câu hay lỗi định dạng. Ngược lại, lỗi chính tả phản ánh trình độ ngôn ngữ của người viết, trong khi lỗi nội dung có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc cẩu thả trong quá trình soạn thảo [nguồn].

Chụp màn hình bài viết trên báo Tuổi Trẻ online

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp “lỗi đánh máy” được viện dẫn để giải thích cho những sai sót nghiêm trọng, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của văn bản.  Việc sử dụng lý do “lỗi đánh máy” một cách tràn lan không chỉ làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức mà còn phản ánh sự thiếu trách nhiệm trong quá trình soạn thảo và kiểm duyệt văn bản. Nó đặt ra câu hỏi về quy trình làm việc: Người đánh máy có kiểm tra lại văn bản sau khi hoàn thành không? Người có trách nhiệm duyệt văn bản có thực sự đọc kỹ nội dung trước khi ký không?

Hơn nữa, việc đổ lỗi cho “lỗi đánh máy” trong nhiều trường hợp có thể được xem như một cách thoái thác trách nhiệm. Thay vì thừa nhận sai sót và tìm cách khắc phục, nhiều cơ quan, tổ chức lựa chọn cách giải thích dễ dàng này, gây ra sự hoài nghi và mất niềm tin từ phía công chúng.


Là một hành vi đổ lỗi điển hình

Ở khía cạnh tâm lý, khi nói về nguồn cơn của hành vi đổ lỗi cho việc đánh máy trong đa số trường hợp, anh Trần Văn Toản - thạc sĩ tâm lý học giải thích rằng: "Lỗi đánh máy thường được sử dụng như một cơ chế phòng vệ tâm lý, khi con người đối mặt với sai lầm hoặc thất bại, họ có xu hướng tìm cách bảo vệ lòng tự trọng và hình ảnh bản thân. Việc đổ lỗi cho việc đánh máy là cách để chuyển trách nhiệm từ năng lực cá nhân sang yếu tố kỹ thuật bên ngoài, giúp giảm cảm giác tội lỗi và bảo vệ tự tôn. Con người có xu hướng quy kết thành công cho bản thân và thất bại cho các yếu tố bên ngoài, từ đó lỗi này trở thành một yếu tố bên ngoài thuận tiện để đổ lỗi."

Và hiện nay, lý do đơn giản nhất để hành vi đổ lỗi này dễ xuất hiện là do “thấy nhiều người sử dụng lý do này mà không bị chế tài nghiêm khắc, người khác có xu hướng bắt chước” – Anh Toản nói thêm.


Cần một giải pháp tự thân mỗi người

Để giải quyết vấn đề này, tamlyhoc.org thiết nghĩ cần có những biện pháp cụ thể:
- Mỗi cá nhân tham gia vào quá trình soạn thảo, kiểm tra và phê duyệt văn bản cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công việc mình đang làm.
- Cải thiện quy trình kiểm tra chặt chẽ, với nhiều bước xác minh để đảm bảo tính chính xác của văn bản trước khi ban hành.
- Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng soạn thảo văn bản, sử dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu sai sót.
- Sử dụng các phần mềm kiểm tra chính tả, ngữ pháp để hỗ trợ quá trình soạn thảo và kiểm tra văn bản.
- Minh bạch và trách nhiệm giải trình khi xảy ra sai sót, cần có sự giải trình rõ ràng, cụ thể về nguyên nhân và biện pháp khắc phục, thay vì đơn giản đổ lỗi cho "lỗi đánh máy".

Tạm kết

"Lỗi đánh máy" không nên được xem như một lý do vạn năng để giải thích mọi sai sót trong văn bản. Thay vào đó, cần có một cách tiếp cận nghiêm túc và có trách nhiệm hơn trong việc soạn thảo, kiểm tra và ban hành văn bản, nhằm đảm bảo tính chính xác và uy tín của các cơ quan, tổ chức trong mắt công chúng.

Theo Tấn Phát
tamlyhoc.org


Tham khảo
  • https://tuoitre.vn/da-den-luc-giai-oan-cho-loi-danh-may-20240706143457251.htm
  • https://tuoitre.vn/loi-danh-may-di-ngay-hang-tram-trieu-dong-tien-bao-hiem-o-to-20240609094347008.htm
  • https://tuoitre.vn/loi-danh-may-khien-benh-nhan-nam-bi-chi-dinh-khau-am-dao-20171030181624642.htm
  • https://znews.vn/loi-danh-may-cong-ty-dien-luc-dat-muc-tieu-doanh-thu-gan-6-6-trieu-ty-post1484326.html
  • https://tuoitre.vn/buu-ngoc-bi-sa-thai-vi-loi-danh-may-nham-1000048.htm
  • https://cuoi.tuoitre.vn/loi-danh-may-chang-ban-dat-ban-nham-ca-thap-nuoc-thanh-pho-2021061950710215.htm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________