Nhiều người thường có những băn khoăn khi lần đầu tiên tìm đến dịch vụ tham vấn, trị liệu với nhà tâm lý. Họ không biết chi phí sẽ như thế nào, thời gian điều trị kéo dài bao lâu và nhà tâm lý sẽ làm những gì trong suốt quá trình hỗ trợ. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến này, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về việc tham vấn, trị liệu với các chuyên gia tâm lý.
*Bài viết được sang chép 100% từ facebook của Tiến sĩ Tâm lý học Đặng Hoàng Ngân bạn đọc có thể đọc bài gốc qua liên kết dưới cùng bài viết.
1. Chi phí tham vấn, trị liệu
Những nhà tâm lý mà mình biết đề xuất mức phí từ 300.000đ đến 3.000.000đ/buổi. Khoảng phổ biến là 500.000đ đến 1.000.000đ. Mức phí dưới 300.000đ thường đến từ các chương trình hỗ trợ cộng đồng, hoặc đến từ những “người hỗ trợ”, “người lắng nghe” như sinh viên năm cuối, học viên cao học ngành Tâm lý học.
2. Chi phí càng cao, chất lượng càng tốt?
Không hẳn. Việc tham vấn, trị liệu hiện không có cơ quan quản lý chất lượng và phí dịch vụ, nên cách tính phí dựa trên nhiều yếu tố như: học vấn, kinh nghiệm của nhà tâm lý; địa điểm; bài trí không gian; phí truyền thông; nhóm khách hàng đích được xác định (VD: người trẻ mới đi làm; cha mẹ của trẻ có tự kỷ; khách hàng có tài chính tốt,…)
Ngoài ra, các nhà tâm lý hành nghề độc lập thường đặt ra 4 căn cứ chủ quan để xác định phí dịch vụ: (1) Tôi muốn được trả bao nhiêu? (2) Tôi nên được trả bao nhiêu với giá trị mình mang lại? (3) Khách hàng có tiềm năng chi trả bao nhiêu? (4) Những người tôi biết đang thu phí bao nhiêu? Phí dịch vụ không phải lúc nào cũng là trung bình cộng của bốn căn cứ này.
3. Thời gian tham vấn, trị liệu là bao lâu?
Tùy vào vấn đề, nền sức khỏe tinh thần và nhu cầu được trợ giúp của khách hàng. Một buổi tham vấn, trị liệu có thời lượng 50 đến 90 phút với người lớn, 20 đến 60 phút với trẻ em, thanh thiếu niên. Tần suất thường là 1-2 buổi/tuần.
Số buổi được khách hàng và nhà tâm lý thảo luận và cần đảm bảo nguyên tắc quyền tự quyết: khách hàng luôn có thể ngừng lại.
- Các rối nhiễu phát triển ở trẻ em (tăng động giảm chú ý nặng, tự kỉ,…) thường có thời gian hỗ trợ nhiều năm.
- Khách hàng chọn trị liệu theo tiếp cận phân tâm học có thể theo đuổi lộ trình nhiều tháng, nhiều năm.
- Thông thường, số buổi của một liệu trình tham vấn/trị liệu được đề xuất trong khoảng 3 đến 12 buổi. Sau đó có thời gian ngắt quãng để khách hàng tự trải nghiệm và quyết định có cần liệu trình mới, hay cần một vài buổi đánh giá lại, hoặc ngừng hẳn.
- Có hình thức tham vấn 1 buổi với các trường hợp không có dấu hiệu nặng và khách hàng hẹn tiếp khi cần, giúp tiết kiệm chi phí.
4. Nhà tâm lý sẽ làm gì khi tham vấn, trị liệu?
Đầu tiên, họ sẽ hỏi chuyện và lắng nghe.
Họ có thể mời khách hàng thực hiện một vài trắc nghiệm, thang đánh giá tâm lý (nếu cần) và luôn giải thích mục đích của việc thực hiện đánh giá đó.
Họ sẽ phản hồi cách họ cảm nhận, suy ngẫm về điều khách hàng biểu đạt. Họ khích lệ khách hàng phản hồi, tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ chân thực, bao gồm cả những cảm nhận bị đè nén.
Họ đưa ra giả thuyết và phân tích về những điều làm khách hàng bị mắc kẹt và đồng thời tôn trọng những niềm tin, phân tích của chính khách hàng. Họ không cố áp đặt suy nghĩ lên khách hàng và khích lệ khách hàng làm chủ các lựa chọn. Tuy nhiên, khi khách hàng lặp đi lặp lại các ý nghĩ, hành động làm bào mòn sức khỏe tinh thần, họ sẽ cảnh báo để khách hàng ý thức về sự tự hại đó để dần thay đổi.
Họ khích lệ khách hàng thử những cách ứng phó mới, khỏe mạnh hơn với tình huống và cùng thảo luận về những trải nghiệm mới của khách hàng.
Nhìn chung, họ nỗ lực để khách hàng được trải nghiệm sự chân thực cảm xúc, nhìn sâu vào chính mình, được nâng đỡ cảm xúc và nhận trách nhiệm thay đổi những gì trong tiềm năng của khách hàng.
5. Gặp nhà tâm lý được đào tạo chính quy thì tốt hơn gặp người khác?
Không chắc. Nghề nào, chính quy hay không chính quy, đều có người giỏi và người còn hạn chế về tri thức, có người đặt nhiều tâm sức và người ưu tiên lợi nhuận. Hơn nữa, nghề hỗ trợ tinh thần cần những yếu tố mà sự rèn luyện thân tâm còn vượt ra khỏi quá trình được đào tạo chính quy, như: năng lực phục hồi sau nghịch cảnh; sự ấm áp; thiện ý mong muốn điều tốt một cách trung lập; khả năng dung chứa; góc nhìn thực tế; tính chính trực;…
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết mình để ở phần bình luận để biết thêm về các nhóm ngành chính quy, không chính quy cùng thực hiện công việc hỗ trợ tinh thần.
6. Làm thế nào để tìm nhà tâm lý phù hợp?
Hãy tìm hiểu không chỉ về quá trình nhà tâm lý được đào tạo, mà xem thêm các sản phẩm của họ, chẳng hạn: bài trả lời phỏng vấn; chương trình truyền hình; sách đã xuất bản; livestream bàn luận về sức khỏe tinh thần; fanpage, apps chuyên môn, kênh nội dung YouTube, TikTok, Facebook, Spotify,… Mục tiêu là đánh giá về:
- Sự phù hợp giữa những điều nhà tâm lý trình bày và điều mình đang tìm kiếm.
- Con người của nhà tâm lý có phù hợp để mình bày tỏ câu chuyện và trao đổi không.
Nếu có cơ hội tiếp xúc trực tiếp bên ngoài (chẳng hạn tại một buổi workshop về sức khỏe tinh thần) sự đánh giá sẽ thêm phần chân thực.
- Hãy chú ý những tín hiệu tốt về một nhà tâm lý như: thái độ tôn trọng, nâng đỡ, tận tâm, cẩn trọng với tri thức,...
- Hãy hoài nghi lành mạnh với những tín hiệu không có lợi cho việc hỗ trợ tâm lý như: tin rằng mình biết tất cả, không lắng nghe, trịch thượng, cố gắng quyến rũ người khác (khác với sự duyên dáng tự nhiên),…
Có thể cần làm việc với một vài nhà tâm lý thì khách hàng mới nhận định được nhà tâm lý nào phù hợp để hỗ trợ mình.
Tạm kết
Qua bài viết, tamlyhoc.org nhận thấy việc tìm một nhà tâm lý phù hợp để tham vấn, trị liệu là một quá trình cần kiên nhẫn và mở rộng tìm hiểu. Bạn không nên đánh giá chỉ bằng học vị hay mức phí, mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng về phong cách, phương pháp và cả con người của nhà tâm lý đó. Một mối quan hệ đầy tin cậy, tôn trọng và cam kết lẫn nhau sẽ giúp quá trình tham vấn, trị liệu hiệu quả hơn. Cuối cùng, hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần là một hành trình dài và việc chăm sóc nó là điều rất quan trọng đối với mỗi cá nhân. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
Đặng Hoàng Ngân, Tiến sĩ Tâm lý học
tamlyhoc.org
Tham khảo
- https://www.facebook.com/danghoangngan/posts/pfbid0xTvMsmMnZabaVWAbiouBYbkbNJebJ8ar6StEMWuvr6zcJW44D6V72G83zswL4ScSl