Collective behavior - giải thích sự hình thành đám đông

Hành vi tập thể (collective behavior) là những hành động, suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến một số người khá đông và thường không tuân thủ theo những chuẩn mực xã hội đã được thiết lập. Hành vi tập thể có thể mang nhiều hình thức và có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực. Những hành vi bắt chước thời trang (fashion), mode, sự hoảng loạn (hysteria), đám đông (crowd), bạo động, đồn đãi (rumour), công luận (public opinion) và các phong trào xã hội (social movements) đều có thể liệt kê vào loại hình các hành vi tập thể.



Từ lâu hành vi tập thể là một hiện tượng quan trọng của xã hội con người, nhưng các nhà xã hội học nhận thấy khó nghiên cứu chúng so với các hiện tượng xã hội khác, ví như sự phân tầng xã hội, các định chế xã hội… Người ta thường xem đó là những hành vi bất bình thường, lệch lạc của đời sống xã hội. Chỉ từ thập niên 1960, với những bất ổn càng ngày càng gia tăng, với các phong trào xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, các nhà xã hội học mới chú trọng nghiên cứu các loại hình đa dạng của hành vi xã hội. Một đặc điểm khác làm cho việc nghiên cứu các hành vi tập thể trở thành khó khăn là chúng có quá nhiều đặc tính khác nhau và cũng đem lại những hậu quả cũng rất khác nhau. Rất khó xác định nguồn gốc rõ rệt của các hành vi tập thể vì chúng thường liên quan đến một lượng người khá lớn và thông thường họ cũng không quen biết nhau. Cuối cùng, hành vi tập thể khó nghiên cứu bởi chúng thường được biểu hiện qua những cảm xúc đột xuất, bộc phát và thường chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây các nhà xã hội học đã có những nỗ lực hệ thống hóa những hiểu biết về những hiện tượng xã hội này.

Hành vi tập thể và các tập hợp (collectivities): Các hành vi tập thể thường xảy ra trong các tập hợp người. Chúng ta sử dụng khái niệm tập hợp để chỉ một lượng người khá lớn, giữa họ có những hành vi tương tác rất hạn chế và họ không cùng nhau chia sẻ những chuẩn mực quy ước hay được xác định một cách rõ rệt. Turner và Killian còn đưa ra sự phân biệt các tập hợp tập trung và những tập hợp phân tán theo không gian. Nhưng nói chung, khi so sánh với các nhóm xã hội, các tập hợp xã hội có ba đặc điểm sau đây: Sự tương tác xã hội hạn chế, ranh giới xã hội không rõ (trong các tập hợp người ta thường không có ý thức mình là thành viên của tập hợp đó), các chuẩn mực thường có tính bó buộc yếu hoặc không có tính quy ước.

Một trong các khái niệm quan trọng nhất khi nghiên cứu hành vi tập thể là khái niệm đám đông. Khái niệm này để chỉ một tập hợp tạm thời những người đang cùng chia sẻ một số quan tâm nào đó. Herbert Blumer đã đưa ra sự phân loại như sau về đám đông:

- Đám đông tình cờ (casual crowds), là một tập hợp người có tính cách tình cờ, giữa họ không có hay có rất ít sự tương tác qua lại. Như trường hợp một đám đông hóng mát bên bờ sông hay một đám đông hiếu kỳ đang dừng lại xem tai nạn giao thông trên đường phố.

– Đám dông quy ước, như trường hợp những người tập hợp lại tham dự một đám tang, nghe một buổi diễn thuyết. Khác với đám đông tình cờ, đám đông quy ước có một chủ đích rõ rệt, và một số hành vi của họ tuân theo những khuôn mẫu đã định.

- Đám đông biểu cảm hình thành từ những tập hợp người quy tụ lại để thể hiện những cảm xúc như vui sướng, ủng hộ tinh thần, hoan hỉ…Như trong trường hợp các đám đông đổ xô ra đường mừng Năm mới, mừng lễ Quốc khánh, Giáng sinh…

– Đám đông hành động là những đám đông có những hành động quậy phá, phá phách, gây bạo lực. Như những đám đông hôligan trong những cuộc đấu bóng đá.

Ta có thể quan sát những trường hợp một loại hình đám đông này chuyển sang một loại hình khác: từ một đám đông quy ước biến thành một đám đông biểu cảm rồi trở thành một đám đông hành động.

J. Macionis đã thêm vào bảng liệt kê của Blumer một loại hình đám đông thứ năm: đám đông phản kháng (protest crowds). Qua đó ta có thể kể đến những hình thức đình công, tuyệt thực, tẩy chay, các cuộc diễu hành phản kháng… Các đám đông phản kháng kết hợp một số nét của đám đông quy ước nhưng chúng cũng có thể đi đến những hành vi bạo động.

Các nhà xã hội học Mỹ còn đưa thêm những khái niệm Mob (đám đông cực kỳ hung dữ, có mục tiêu rõ ràng là phá phách, chém giết): như trường hợp những cuộc bạo loạn ở Mỹ vào khoảng thời gian 1880–1930, hơn năm ngàn người ta đen đã bị những người da trắng treo cổ (lynch). Còn khái niệm bạo động (riot) để chỉ một đám đông có những hành vi bộc phát mang tính bạo động, phá phách. Những cuộc bạo động thường là những phương thức thể hiện cảm nhận về sự bất công của tập thể. Một loại hình khác của đám đông hành động là đám đông hoảng sợ (panic). Đám đông hoảng sợ – do một mối đe dọa lớn – thường có những hành vi phi lý, không kiểm soát được và có tính cách tự hủy diệt. Như trường hợp một đám cháy xảy ra trong rạp hát, đám đông hoảng sợ xô đẩy dẫm nát lên nhau tìm đường thoát thân.

Các tập hợp xã hội phân tán:

Các hành vi tập thể không chỉ giới hạn ở một số người tập trung, các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ hành vi quần chúng (mass behavior) để chỉ những hành vi tập thể của một tập hợp người phân tán về mặt địa dư. Hành vi quần chúng bao gồm sự đồn đại (rumour), dư luận, sự cuồng loạn quần chúng, các mode…

Trước hết, khái niệm quần chúng (mass) ám chỉ một tập hợp người khá lớn, đang hướng về một đối tượng xã hội hay đang cùng chia sẻ một số biểu tượng chung nào đó. Ta có thể ứng dụng khái niệm quần chúng cho tập hợp những khán giả đang theo dõi một chương trình trên ti vi, hay các thính giả đang nghe một chương trình cải lương trên đài.

Sự đồn đại là việc truyền đi những thông tin không chính thức. Nội dung của đồn đại có thể đúng có thể sai hoặc cả hai, nhưng tính xác đáng của nó khó được xác định. Sự đồn đại thường phát triển khi đại bộ phận quần chúng không có những thông tin chính thức và khi có những tình huống mập mờ. Trong trường hợp đó sự đồn đại nhằm giải thích một cách không chính thức tình huống đang xảy ra. Sự đồn đại có đặc tính là dễ gây ra, dễ thay đổi, dễ biến dạng và một khi đã xuất hiện thì khó kiểm soát, khó dừng lại. Chỉ có thể ngăn chặn sự đồn đại bằng cách đưa ra những thông tin chính thức, có chất lượng và rõ ràng. Cuối cùng, sự đồn đại cũng có thể gây nên, tạo ra những hành vi tập thể, những đám đông.

Dư luận quần chúng là ý kiến, thái độ của một số người trong xã hội trước một hay nhiều vấn đề đang gây tranh cãi. Quần chúng không phải là một tập hợp thống nhất, mà có rất nhiều phân lớp với những dị biệt, do đó dư luận quần chúng thường bị chi phối bởi những người mà ta gọi là thủ lĩnh dư luận và dư luận quần chúng cũng thay đổi qua thời gian. Trong các chế độ dân chủ, trong nền kinh tế thị trường việc thăm dò dư luận quần chúng rất quan trọng, trong việc quản lý nhà nước cũng như quản lý kinh tế. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận này không chỉ nhằm tìm hiểu thực trạng mà chúng còn có thể, ngược lại, tác động trên thái độ quần chúng.

Sự cuồng loạn của quần chúng (mass hystetia) bao gồm trạng thái lo âu lan rộng và hành vi hoảng sợ của quần chúng trước một đe dọa – có thực hay tưởng tượng – đang tới. Thông thường sự hoảng sợ rất dễ lây lan, khi thấy có một người khác sợ ta cũng rất dễ sợ theo. Sự hoảng sợ thường tiến triển theo chiều xoắn ốc, càng lúc càng gia tăng, để dẫn đến những hành vi không hiệu quả, đến lượt chúng lại làm gia tăng sự cuồng loạn.

Các mốt (mode) là các khuôn mẫu tư duy hay cư xử được một số người bắt chước theo trong một khoảng thời gian nhất định. Mốt còn là đặc tính của các xã hội công nghiệp, nó liên quan đến nỗ lực của con người nhằm tạo uy tín trong xã hội. Theo nhà xã hội học người Đức G. Simmel, con người có xu hướng bắt chước mốt của tầng lớp trên, giàu có hơn. Và tầng lớp giàu có một khi thấy những mode của tầng lớp mình trở nên phổ biến thì lại đi tìm những mode mới để khẳng định vị trí xã hội đặc thù của mình. Chính vì vậy mà Thorstein Veblen gắn liền mốt với sự tiêu thụ phô trương – là hành vi tiêu thụ để tỏ ra sự giàu có với người khác.

Các lý thuyết giải thích sự hình thành đám đông:

Nhiều nhà xã hội học đã cố gắng mô tả hành vi trong đám đông cũng như cố gắng giải thích tại sao các hành vi đó đã xảy ra.

Lý thuyết tiêm nhiễm: Chính nhà xã hội học Pháp Gustave Le Bon (1841–1931) là người đầu tiên đưa ra một giải thích ít nhiều có tính hệ thống về hành vi của đám đông. Ông cho rằng đám đông có thể gây nên ảnh hướng mê hoặc đối với các thành viên của đám đông. Trong một đám đông khuyết danh, cá nhân con người có thể đánh mất cá tính của mình, đánh mất tinh thần trách nhiệm cá nhân vào cái tinh thần tập thể của đám đông. Đám đông có cuộc sống riêng của chính nó, thoát khỏi các ràng buộc của chuẩn mực xã hội. Cá nhân trong các đám đông không còn tự suy nghĩ mà để bị cuốn hút bởi các cảm xúc dễ lây nhiễm của đám đông như sự sợ hãi, lòng hận thù. Có một năng lực liên kết các thành viên trong đám đông lại với nhau, nó đè bẹp các ràng buộc quy ước của xã hội và hệ luận phải đến là tạo ra bạo lực có khả năng hủy diệt.

Những đặc trưng của đám đông mà G. Le Bon nêu lên như tính khuyết danh, khả năng gợi ý (suggestibility), sự tiêm nhiễm cảm xúc…ngày nay vẫn còn được các nhà xã hội học thừa nhận. Nhưng ý kiến của ông cho rằng đám đông có một ý thức riêng, một tinh thần tách biệt hẳn suy nghĩ và ý đồ của các thành viên trong đám đông thì khó được chấp nhận. Đám đông có thể làm dễ dàng hơn sự bộc lộ cảm xúc đang bị đè nén, nhưng đám đông không tạo ra chính những cảm xúc đó.

Lý thuyết đồng quy (convergence theory): Các tác giả của lý thuyết đồng quy quan niệm có thể có sự thống nhất hành động trong các đám đông, nhưng họ không chấp nhận ý kiến của G. Le Bon cho rằng một khi con người tụ tập thành đám đông thì từ chính bản thân của đám đông hình thành nên một ý thức, một tinh thần riêng biệt. Lý thuyết này chủ trương sự thống nhất của đám đông là hậu quả của một thành tố có trước sự hình thành đám đông: những cá nhân có suy nghĩ tương tự nhau thường quy tụ lại với nhau, thường cùng bị lôi kéo vào những ứng xử tương đồng nhau. Việc tham gia vào đám đông có thể khuyến khích những hành vi mà trong các bối cảnh bình thường con người không thể có do sự kềm chế của các chuẩn mực xã hội. Nhưng việc các cá nhân thành viên của đám đông ứng xử như nhau chủ yếu là do những đặc tính cá nhân của họ hơn là do đám đông tạo ra. Điều này khẳng định, trong nhiều trường hợp hành vi của đám đông có tính cách phi lý như G. Le Bon ghi nhận, nhưng thật ra nó là hệ quả hợp lý của sự chọn lựa của quyết định cá nhân tham gia đám đông. Lấy thí dụ, những thành viên tham gia các đoàn biểu tình phản kháng, họ không chỉ dễ bị lôi cuốn bởi những cảm xúc trong đám đông, mà chính họ muốn có một hành vi phản kháng nào đó.

Lý thuyết “chuẩn mực bộc phát”: Lý thuyết này bác bỏ ý kiến cho rằng hành vi trong đám đông có tính cách phi lý và không có tổ chức. Theo R. Turner và L. Killian, các đám đông có cơ cấu, có tổ chức vì có mục tiêu và có những chuẩn mực xã hội vì các thành viên đều mong đợi các thành viên khác tuân thủ theo. Khác với lý thuyết đồng quy, lý thuyết “chuẩn mực bộc phát” cho rằng đám đông thường bao gồm những người ít ra cũng có nhiều dị biệt về động cơ, nhưng những người này hợp nhau lại để cùng theo đuổi một số hành vi nào đó theo những chuẩn mực xã hội. Nói cách khác, các thành viên trong một đám đông đều hiểu rằng một thành viên khác trong đám đông phải ứng xử như thế nào. Trong các đám đông tình cờ, hay trong các đám đông quy ước, mọi người ta đều hiểu, đều biết được các thành viên phải tuân theo những chuẩn mực nào. Tuy nhiên, các đám đông biểu cảm, đám đông hành động, đám đông phản kháng thường phát triển những chuẩn mực riêng chi phối ứng xử của các thành viên. Các chuẩn mực mới bộc phát này thường đưa đến những hành vi “lệch lạc” so với những hành vi quy ước.

Tương tự những tập hợp xã hội khác, đám đông có thể gây áp lực buộc các thành viên ứng xử theo các chuẩn mực của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người trong đám đông đều đồng ý với những chuẩn mực đang phát sinh và hành động theo chúng. Trong đám đông sẽ có những thủ lĩnh tiên phong, nhưng cũng có những người theo đuôi, hay có những người không làm gì hết. Việc tồn tại những chuẩn mực, một thứ bậc các vị trí trong đám đông đã buộc Turner và Killian kết luận rằng hành vi trong đám đông không hoàn toàn có tính cách hỗn độn, phi lý như lý thuyết tiêm nhiễm chủ trương mà ngược lại hai tác giả này đồng ý với lý thuyết đồng quy rằng hành vi của đám đông là những hành vi có suy nghĩ, bởi lẽ đám đông có mục đích nhất định. Nhưng khác với lý thuyết đồng quy, hai tác giả này cho rằng không phải các mục đích đều có sẵn trước nhưng chúng phát sinh ra tùy diễn biến của tình hình. Theo hai tác giả này, ngay trong đám đông mà sự xúc động đang lên cao cũng có thể có những quyết định ý thức. Đối với các khán giả trong một rạp hát đang bị cháy, việc dẫm lên nhau để chạy thoát không phải là một hành vi phi lý, điên rồ, nhưng đối với họ đó là lối thoát hợp lý. Những hành vi tập thể xa lạ với các khuôn mẫu văn hóa chủ đạo đều thường bị gán cho tính cách phi lý. 


Theo TS. Nguyễn Xuân Nghĩa
tamlyhoc.org


Tham khảo

  • Anthony Giddens, Sociology, 3rd ed., Polity Press, 1997.
  • David Hulme, ark Turner, Sociology and development – Theories, policies and practices, Harwester Wheatsheaf, 1990.
  • Nguyễn Xuân Nghĩa (2006). Xã hội học. Giáo trình Nội bộ. Đại học Mở TP.HCM - Khoa Xã hội học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________