Vài vấn đề về nhận thức - hoạt động tâm lý cơ bản của con người

Nhận thức là một trong ba hiện tượng cơ bản trong đời sống tâm lí của con người. Triết học macxít cho rằng, nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người và cho rằng, thế giới khách quan là hoàn toàn có thể nhận thức được. Nhận thức phát triển theo từng giai đoạn, những giai đoạn này liên hệ với nhau và giai đoạn này nhất thiết phải là tiền đề của giai đoạn kia.

Hoạt động nhận thức gồm có:

- Hoạt động nhận thức cảm tính: cảm giác, tri giác.

- Hoạt động nhận thức lí tính: tư duy, tưởng tượng.


1. Những vấn đề chung về cảm giác

"Cảm giác là viên gạch đầu tiên xây dựng nên toàn bộ lâu đài của nhận thức", V.l.Lênin.

Trong sự tiến hoá của thế giới động vật và trong sự hình thành ý thức của đứa trẻ, cảm giác là những hình ảnh tâm lí đầu tiên, trên cơ sở đó những hình thức phản ánh tâm lí cao hơn được hình thành và phát triển.

Sự chuyển biến của năng lượng bên ngoài thành dự kiến trong ý thức được thực hiện trước hết thông qua các cảm giác. Bộ óc như cơ quan của hoạt động phản ánh chỉ có thể hoạt động bình thường khi có những tác nhân kích thích tác động vào các cơ quan cảm giác.

Theo những tài liệu hiện nay trong những diều kiện của sự cô lập (con người mất khả năng nhận các tín hiệu từ các hệ thống bên ngoài của cảm giác), những rối loạn của chức năng tâm lí sẽ xuất hiện ở con người. Ở con người, cảm giác mang tính chủ thể rõ rệt. Tính chủ thể của cảm giác một mặt do tính nhạy cảm của cảm giác ở mỗi người khác nhau là khác nhau. Mặt khác nó phụ thuộc vào vốn sống, tính tích cực của cá nhân...

Vấn đề tương quan giữa cái ý thức và cái tiềm thức trong tâm lí có một ý nghĩa lớn, liên quan đến vấn đề về mối quan hệ giữa cái sinh lí và cái tâm lí. Trong những công trình của các nhà tâm lí học Xô Viết được thực hiện gần đây đã chỉ ra sự tồn tại của những kích thích tiền thụ cảm nằm ngoài những giới hạn của ngưỡng tuyệt đối phía dưới của cảm giác và có ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động của hệ thần kinh mà còn ảnh hưởng đến động cơ hành vi của cá nhân. Ở đây, phải nhấn mạnh rằng, toàn bộ hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách chứ không phải chỉ là những kích thích và những điều kiện thuận lợi nhất đã được tạo ra cho việc nhận thức chúng.

Những nghiên cứu về tính nhạy cảm ánh sáng của lớp da "thị giác ở đầu ngón tay" nói lên khả năng tiềm tàng to lớn về tính nhạy cảm cảm giác của con người.

2. Tri giác và quan sát

Tri giác là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan nói lên năng lực phản ánh sự vật và hiện tượng khách quan của mỗi cá nhân. Tự giác là hình ảnh trọn vẹn về những thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng, nhưng không phải hình ảnh của tự giác là phép cộng của các hình ảnh của cảm giác. 

Cơ sở của tri giác là sự đối chiếu những đối tượng hiện có với những giá trị đã được chuẩn hóa của các tính chất mà chủ thể đã biết.

Kinh nghiệm - biểu tượng của trí nhớ ảnh hưởng rất lớn: đến quá trình tri giác của cá nhân. Bất cứ đối tượng mới nào cũng đều được lí giải và xác định trong hệ thống hành vi trí tuệ và tình cảm của cá nhân. Không phải chỉ có tình cảm mà cả hoạt động của tư duy cũng đều gắn với con mắt chúng ta (Mác và Ăngghen toàn tập, tập 14 tr. 493). Nhờ có sự tham gia của tư duy vào quá trình tri giác nên ngay ở trình độ nhận thức cảm tính đã có suy lí và khái quát hoá ban đầu. Trong nhận thức cảm tính, tri giác mang tính mục đích, có hệ thống, thu hút cá nhân - trở thành sự quan sát.



Năng lực quan sát được hình thành và phát triển trong quá trình giáo dục và hoạt động thực tiễn. Năng lực quan sát giúp cho học sinh độc lập nhận thức được hiện thực xung quanh, hiểu các hành vi của con người, góp phần giáo dục tính hiếu kì, tính ham hiểu biết và tính tích cực trí tuệ.

- Tri giác là thành phần chính của nhận thức cảm tính. Tri giác là điều kiện quan trọng cho sự định hướng của hành vi hoạt động con người trong môi trường xung quanh. Quan sát là loại tri giác có chủ định, làm cho tri giác của con người khác xa với tri giác con vật. Trong lịch sử loài người, quan sát như là một bộ phận cấu thành của thao tác lao động, giữ vai trò xác lập sự phù hợp của các sản phẩm lao động đối với hình ảnh lí tưởng của nó. Quan sát được xem là một phương pháp nghiên cứu chính ở những giai đoạn đầu của sự phát triển bất cứ một khoa học nào.


Trích Sách "Những điều kỳ diệu về tâm lí con người"
tamlyhoc.org


Tham khảo

  • https://www.thuvientamlyhoc.com

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________