Đạo đức nghiên cứu khoa học quan trọng đến mức nào?

Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng: Đạo đức nghiên cứu là tập hợp các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức nhằm hướng dẫn các nhà nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nó đảm bảo rằng nghiên cứu được thực hiện một cách có trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của người tham gia và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hiệp hội Y tế thế giới – WMA (1964) lần đầu tiên thông qua một tuyên bố chung về đạo đức nghiên cứu còn được gọi là tuyên bố Helsinki nhấn mạnh “hạnh phúc của đối tượng nghiên cứu cần phải đặt lên hàng đầu hơn tất cả các quyền lợi khác”. Quy tắc ứng xử đạo đức (Code of Ethics) của Hiệp hội Xã hội học Quốc tế - ISA (1972) hướng dẫn về việc đối xử công bằng, tôn trọng đa dạng và quyền riêng tư, đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong công bố nghiên cứu, cũng như trách nhiệm xã hội của nhà xã hội học đối với cộng đồng và xã hội (Hayes A., 2023). Quy tắc ứng xử đạo đức và thực hành của Tổ chức Tâm lý Xã hội Anh – BPS (1985) cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các thành viên của tổ chức trong việc đảm bảo rằng họ hoạt động một cách chuyên nghiệp, trách nhiệm và đạo đức trước các vấn đề như: (1) tôn trọng và đồng nhất, (2) tính minh bạch và trung thực, (3) bảo mật và sự riêng tư, (4) trách nhiệm xã hội, (5) phát triển chuyên môn.


Kể từ khi được đề cao, tầm quan trọng của đạo đức nghiên cứu ngày càng được nhận thức rõ rệt trong mọi lĩnh vực khoa học. Nhu cầu thiết lập các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức cụ thể cho từng lĩnh vực chuyên môn cũng gia tăng. Các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu đã tích cực tham gia vào việc xây dựng hệ thống đạo đức chặt chẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học một cách có trách nhiệm và nhân văn.

Sự phát triển của đạo đức nghiên cứu mang lại nhiều lợi ích thiết thực:

- Bảo vệ quyền lợi của người tham gia nghiên cứu: Đảm bảo sự an toàn, tự nguyện và tôn trọng quyền riêng tư của họ.

- Nâng cao uy tín của khoa học: Tạo dựng niềm tin của cộng đồng vào hoạt động khoa học và các kết quả nghiên cứu.

- Thúc đẩy sự phát triển khoa học bền vững: Định hướng khoa học theo hướng có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho xã hội.


Có 3 nguyên tắc cơ bản trong đạo đức nghiên cứu theo Code of Ethics and Conduct (2021):

1. Tôn trọng: Tôn trọng quyền tự chủ của người tham gia, bao gồm quyền được thông tin đầy đủ về nghiên cứu, quyền tự nguyện tham gia hoặc rút lui bất cứ lúc nào, và quyền bảo mật thông tin cá nhân. Tôn trọng các giá trị văn hóa và đạo đức của cộng đồng nơi nghiên cứu được thực hiện.

2. Công bằng: Đảm bảo rằng lợi ích và rủi ro của nghiên cứu được phân bố công bằng cho tất cả người tham gia. Tránh phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, địa vị kinh tế xã hội, hoặc tình trạng sức khỏe.

3. Đảm bảo tính lợi ích: Đảm bảo rằng nghiên cứu mang lại lợi ích cho cộng đồng và không gây hại cho người tham gia. Cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích tiềm năng của nghiên cứu so với các rủi ro tiềm ẩn.

Ngoài 3 nguyên tắc cơ bản trên, đạo đức nghiên cứu còn bao gồm các nguyên tắc khác theo Novack G. D. (2006) như:

1. Trung thực: Báo cáo kết quả nghiên cứu một cách trung thực và chính xác, không gian dối hoặc xuyên tạc dữ liệu.

2. Minh bạch: Cung cấp đầy đủ thông tin về nghiên cứu cho người tham gia, bao gồm mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, và các rủi ro tiềm ẩn.

3. Chịu trách nhiệm: Các nhà nghiên cứu phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và đảm bảo rằng nghiên cứu được thực hiện một cách có đạo đức.

Theo Hiền Lê Văn
tamlyhoc.org


Tham khảo

  • European Commission. (2013). Ethics for researchers. Publications Office of the European Union, Luxembourg.
  • Hayes, A. (2023). Code of Ethics: Understanding Its Types, Uses Through Examples. Investopedia. Retrieved from https://www.investopedia.com/terms/c/code-of-ethics.asp
  • Code of Ethics and Conduct. (2021). British Psychological Society. Retrieved from https://doi.org/10.53841/bpsrep.2021.inf94
  • Novack G. D. (2006). Research ethics. The ocular surface, 4(2), 103–104. https://doi.org/10.1016/s1542-0124(12)70032-0
  • Quy định về đạo đức trong nghiên cứu khoa học - Luật ACC: https://accgroup.vn/quy-dinh-ve-dao-duc-trong-nghien-cuu-khoa-hoc
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU TRONG THỰC TIỄN QUỐC TẾ - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=21035%3Adaoduc&catid=5407%3Ancgd&Itemid=9267&lang=fr&site=34
  • ĐẠO DỨC Nghiên CỨU KHOA HỌC - Khái niệm Đạo đức trong nghiên cứu khoa học là một bộ phận của đạo đức - Studocu: https://www.studocu.com/vn/document/hoc-vien-ngoai-giao-viet-nam/phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc-kinh-te/dao-duc-nghien-cuu-khoa-hoc/54005408
  • [Đạo đức trong nghiên cứu khoa học: kinh nghiệm thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam – là đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________