Năng lực ứng phó với căng thẳng - tầm quan trọng với học sinh THPT

Thời gian gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh (HS) và thanh thiếu niên Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng. Tỷ lệ HS gặp phải tình trạng căng thẳng, trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm lý khác đang gia tăng một cách báo động. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm khả năng học tập và phát triển tối đa tiềm năng của các em. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do HS thiếu các năng lực cần thiết để ứng phó hiệu quả với tình trạng căng thẳng.



Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc trang bị cho HS, đặc biệt là HS trung học phổ thông (THPT), các năng lực ứng phó với căng thẳng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực này cho HS THPT vẫn còn khá hạn chế, nhất là tại các khu vực đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Xuất phát từ tình trạng thực tế trên, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu nhằm khảo sát thực trạng năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Khái niệm năng lực ứng phó với căng thẳng của học sinh THPT

Trước tiên, chúng ta cần làm rõ khái niệm về năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT. Dựa trên lý thuyết căng thẳng, ứng phó và các nghiên cứu có liên quan, chúng tôi đưa ra định nghĩa như sau:

"Năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT là khả năng nhận diện tác nhân gây căng thẳng, lập kế hoạch ứng phó và thực hiện các giải pháp ứng phó với căng thẳng thể hiện thông qua các khía cạnh nhận thức, thái độ và hành vi ứng phó trong một số tình huống nhất định".

Từ định nghĩa này, ta có thể thấy năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT có những đặc điểm sau:

Năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT thể hiện qua hai phương diện: (1) ứng phó với vấn đề gây ra căng thẳng và (2) ứng phó với cảm xúc tiêu cực khi căng thẳng.

Ở mỗi phương diện, năng lực ứng phó của HS bao gồm khả năng: (1) nhận diện tác nhân gây căng thẳng, (2) lập kế hoạch ứng phó và (3) thực hiện các giải pháp ứng phó với căng thẳng. Trong đó:

  • Lập kế hoạch ứng phó với căng thẳng là quá trình xác định các phương án giải tỏa căng thẳng phù hợp với tác nhân gây căng thẳng đã xác định và cách thức để thực hiện những phương án đó, hướng đến việc lựa chọn một hoặc nhiều phương án ứng phó tích cực để tiến hành thực hiện.
  • Nhận diện tác nhân căng thẳng bao gồm việc xác định nguyên nhân, dấu hiệu tâm lý - thể lý và đánh giá mức độ ảnh hưởng của căng thẳng cũng như những yếu tố có tác động ngược lại căng thẳng.

Tác nhân căng thẳng của HS THPT thường xuất phát từ các hoạt động chính như học tập - hướng nghiệp (quá tải học tập, áp lực kỳ thi, khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp,...) và giao tiếp, thiết lập mối quan hệ (khó khăn trong giao tiếp, bị cô lập, mâu thuẫn với bạn bè/thầy cô/gia đình,...).

Năng lực ứng phó của HS THPT được biểu hiện qua ba khía cạnh: (1) nhận thức, (2) thái độ và (3) hành vi ứng phó.

  • Khía cạnh nhận thức thể hiện mức độ hiểu biết, đánh giá và phân tích các nội dung cần có của thao tác ứng phó tương ứng.
  • Khía cạnh thái độ phản ánh sự chủ động, tích cực và ý chí của HS trong quá trình ứng phó với căng thẳng.
  • Khía cạnh hành vi bộc lộ khả năng thực hiện các phương pháp, kỹ thuật và vận dụng các nguồn lực để ứng phó hiệu quả với căng thẳng.

Năng lực ứng phó với căng thẳng của HS THPT được rèn luyện và biểu hiện thông qua các tình huống căng thẳng gây cụ thể của lứa tuổi như hoạt động học tập - hướng nghiệp, giao tiếp và thiết lập mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình.

Khách thể và phương pháp nghiên cứu

Chúng tôi sử dụng thang đo PSS-10 trên mẫu khác thể 586 HS tại 06 trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, sàng lọc ra những HS có biểu hiện căng thẳng từ vừa đến nặng. Sau đó, nghiên cứu thực trạng NLUP với căng thẳng được thực hiện trên nhóm khách thể sau sàng lọc gồm 410 HS THPT.

Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu thực trạng NLUP với căng thẳng của HS THPT bao gồm:

- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Sử dụng thang đo NLUP với căng thẳng của HS THPT chúng tôi gọi tắt là thang đo SCSH-45([1]) được xây dựng theo các tiêu chí biểu hiện cụ thể của các khía cạnh nhận thức – thái độ và hành vi của NLUP với căng thẳng của HS THPT.

- Phương pháp phỏng vấn sâu: Thu thập thông tin chi tiết từ HS tham gia nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quan điểm, trải nghiệm và suy nghĩ của HS THPT về NLUP với căng thẳng ở từng khía cạnh biểu hiện nhận thức, thái độ và hành vi bổ sung và minh chứng kết quả khảo sát thực trạng năng lực.

- Phương pháp bài tập tình huống: Được nghiên cứu song song và làm minh chứng cho kết quả nghiên cứu của phương pháp điều tra bằng bảng hỏi. Hệ thống các bài tập tình huống được thiết kế dưới dạng bảng hỏi trắc nghiệm với các phương án xử lý tình huống, gợi ý theo các mức độ từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện biểu hiện của NLUP với căng thẳng.

Việc đánh giá mức độ NLUP với căng thẳng của HS THPT được xếp loại dựa trên điểm trung bình của thang đo SCSH-45:

- Mức độ thấp (đạt từ 1 đến 1.66 điểm): HS THPT có thể chưa có hoặc đã có NLUP với căng thẳng. Song nhưng chưa biểu hiện hoặc biểu hiện chỉ ở một vài tình huống nhất định trong khoảng thời gian dài, thậm chí trong tình trạng phải nhiều vấn đề căng thẳng. Xét về tính hiệu quả, về cơ bản HS đã biết cách ứng phó, nhưng không hiệu quả hoặc không thể ứng phó. Cần có sự hỗ trợ từ người khác để có thể thực hiện ứng phó hiệu quả.

- Mức độ trung bình (đạt từ 1.67 đến 2.33 điểm): HS THPT đã có thể thực hiện thành thạo các thao tác để ứng phó với căng thẳng trong những tình huống quen thuộc. Tuy nhiên, còn lúng túng hoặc thực hiện ứng phó chưa hiệu quả với những tình huống gây căng thẳng có tính mới hoặc nghiêm trọng hơn. Ở mức độ này, HS vẫn cần có sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, giáo viên để khuyến khích và hướng dẫn trong quá trình ứng phó với một số tình huống căng thẳng nhất định.

- Mức độ cao (từ 2.34 đến 3 điểm): HS THPT hoàn toàn có NLUP với những căng thẳng trong các tình huống quen thuộc và một số tình huống mới với các mức độ khác nhau. HS có thể đề ra những phương pháp và thực hiện ứng phó căng thẳng trong học tập và trong các mối quan hệ tương đối hiệu quả ở đa số tình huống. Đồng thời, không cần hoặc cần ít sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, giáo viên trong quá trình ứng phó với căng thẳng.

Đánh giá chung

Chúng tôi áp dụng thang đo SCSH-45 được xây dựng dựa trên các tiêu chí biểu hiện cụ thể của khía cạnh nhận thức, thái độ, và hành vi liên quan đến NLUP với căng thẳng của HS THPT. Đồng thời, sử dụng hệ thống bài tập tình huống được xây dựng dưới dạng bảng hỏi trắc nghiệm, cung cấp các phương án xử lý tình huống với các mức độ biểu hiện của NLUP với căng thẳng, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện để xác định mức độ các biểu hiện cụ thể của NLUP với căng thẳng của HS THPT.

Bảng 1. Thực trạng chung NLUP với căng thẳng của HS THPT

Khía cạnh biểu hiện

N

Thang đo SCSH-45

Bài tập tình huống

ĐTB

ĐLC

ĐTB

ĐLC

Nhận thức

410

2.13

0.339

2.13

0.621

Thái độ

410

2.09

0.292

2.08

0.572

Hành vi

410

1.99

0.205

2.04

0.562

ĐTB chung

410

2.07

2.09

Xét trên thang đo SCSH-45, điểm trung bình chung của cả 3 khía cạnh nhận thức, thái độ và hành vi là 2.07. Theo thang điểm từ 1-3, điều này cho thấy mức độ biểu hiện chung của NLUP với căng thẳng của HS THPT đang ở mức trung bình.

Xét từng khía cạnh, khía cạnh nhận thức có điểm trung bình cao nhất (ĐTB=2.12), tiếp đến là khía cạnh thái độ (ĐTB=2.09) và thấp nhất là khía cạnh hành vi (ĐTB=1.99). Điều này cho thấy HS THPT đang có mức độ nhận thức tương đối tốt về căng thẳng và cách ứng phó; thái độ ứng phó với căng thẳng của HS cũng tương đối tích cực; tuy nhiên về khía cạnh hành vi, HS THPT vẫn còn hạn chế trong việc vận dụng các năng lực cụ thể để ứng phó với căng thẳng trong thực tiễn.

Xét trên hệ thống bài tập tình huống, điểm trung bình chung của cả 3 khía cạnh là 2,09, tương đương với kết quả trên thang đo SCSH-45. Điều này cho thấy kết quả đánh giá thực trạng NLUP với căng thẳng của HS THPT trên cả hai công cụ đều nhất quán.

Như vậy, có thể thấy thực trạng chung về NLUP với căng thẳng của HS THPT đang ở mức trung bình. Cần có các giải pháp để nâng cao, nhất là ở khía cạnh hành vi thực tiễn hay các thao tác thực hành năng lực này ở HS.

Đánh giá từng khía cạnh biểu hiện của năng lực

1. Đánh giá thực trạng năng lực trên khía cạnh nhận thức

Bảng 2. Thực trạng NLUP với căng thẳng trên khía cạnh nhận thức

Các nội dung nhận thức

N

ĐTB

ĐLC

Những tình huống gây căng thẳng

410

2.13

0.557

Các tác nhân gây căng thẳng phổ biến

410

2.13

0.532

Những biểu hiện và phản ứng của cơ thể

410

2.14

0.544

Vai trò của ứng phó với căng thẳng

410

2.12

0.531

Các phương pháp và kỹ thuật ứng phó với căng thẳng

410

2.10

0.528

ĐTB chung

410

2.13

Nhìn chung trong 5 nội dung nhận thức thuộc về NLUP với căng thẳng, điểm trung bình chung là 2.13/3.00 điểm. Điều này cho thấy các biểu hiện ở khía cạnh nhận thức của HS về NLUP với căng thẳng chưa cao.

Các nội dung nhận thức có điểm trung bình thấp là “Vai trò của ứng phó với căng thẳng” (ĐTB=2.12 điểm) và “Các phương pháp và kỹ thuật ứng phó với căng thẳng” (ĐTB=2.10 điểm) và. Điều này cho thấy bên cạnh việc xem nhẹ vai trò của việc ứng phó với căng thẳng (xem nhẹ sự tự giác chủ động, ứng phó có kế hoạch thay vì ứng phó theo bản năng) thì HS còn thiếu hiểu biết về các kỹ thuật cụ thể để ứng phó với căng thẳng. Trong bài tập tình huống (tương ứng tình huống 2) nhằm đánh giá về tính hiệu quả của phương pháp thiền, bên cạnh số lượng HS đánh giá cao về hiệu quả của phương pháp này thì số lượng lớn 30.0% HS lựa chọn phương án “Thiền định không dễ dàng. Khó mà loại bỏ những suy nghĩ về kì thi và nhiều việc khác, nhưng sau một thời gian, có thể tập trung vào hơi thở và cảm thấy thư giãn hơn một chút” hoặc thậm chí đánh giá thấp vai trò của thiền rằng “Cách này hoàn toàn vô ích. Chỉ ngồi đó và thở, thì vẫn cảm thấy căng thẳng và lo lắng” với 29.3%. Điều này có thể được giải thích rằng HS có thể chưa có đủ thông tin chi tiết hoặc hiểu biết về các phương pháp và kỹ thuật ứng phó với căng thẳng. Điều này có thể là các em không được học, truyền dạy đầy đủ về các kỹ thuật này hoặc không có cơ hội để thực hành chúng trong thực tế. Trong khi đó, hiểu biết về lý thuyết và các kỹ thuật ứng phó hiệu quả như kỹ thuật thư giãn, tư duy tích cực, và giao tiếp là điều cơ bản, làm nền tảng cho việc áp dụng chúng vào thực tế để ứng phó với căng thẳng (Đỗ Văn Đoạt, 2013). HS có khả năng ứng phó với căng thẳng chủ yếu thông qua bốn phương pháp. Cụ thể, hành vi giải toả căng thẳng, như xem phim, nghe nhạc, chia sẻ với người khác, khẳng định bản thân, và sử dụng chất kích thích khi cảm thấy căng thẳng gia tăng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng để ứng phó với căng thẳng, hầu hết HS thường sử dụng các hoạt động tích cực và lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, và gặp gỡ những người có thể chia sẻ suy nghĩ của mình (Lê Thị Thanh Thuỷ, 2009). Nếu HS chưa có kinh nghiệm thực tế trong việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật ứng phó có thể gặp khó khăn trong việc hiểu rõ và đánh giá về chúng. Song, ngay cả khi HS biết về các phương pháp, thì khả năng áp dụng chúng vào tình huống thực tế là một thách thức khi chưa tích lũy đủ NLUP.

Kết quả phỏng vấn cho thấy đa số HS được hỏi chưa có ý thức rõ ràng về việc phải thực hiện các hoạt động ứng phó bài bản hoặc đơn giản là có sự chuẩn bị. Những hành động ứng phó đều mang tính bản năng và xuất phát từ kinh nghiệm “thử và sai” của các em. Đơn cử như câu trả lời của HS N.T.C lớp 11: “Khi em cảm thấy căng thẳng, em sẽ xem một bộ phim yêu thích, nghe nhạc nhẹ là hết áp lực.” HS T.T.L cùng lớp chia sẻ thêm: “Em thì tìm người để tâm sự nổi buồn hay lo của mình, nó giúp em cảm thấy nhẹ nhàng hơn” HS N.V.T thì khẳng định: “Em sẽ suy nghĩ tích cực, tự nói với bản thân rằng em sẽ vượt qua mọi khó khăn, chuyện gì cũng có cách giải quyết” và một số HS khác bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sử dụng các chất kích thích như trà sữa, cà phê, kẹo ngọt, socola,… giúp tập trung và giảm căng thẳng.

Các nội dung như “Những tình huống gây căng thẳng”, “Các tác nhân gây căng thẳng phổ biến” và “Những biểu hiện và phản ứng của cơ thể” có điểm trung bình cao hơn tương đối ổn định (ĐTB=2.13 – 2.14 điểm). Điều này cho thấy HS có một nhận thức cơ bản về căng thẳng. Theo thống kê kết quả xử lý tình huống (tương ứng tình huống 1) về nhận diện nguy cơ căng thẳng, đa số HS với tỷ lệ 41.70% lựa chọn đúng phương án biểu hiện trọn vẹn của nhận thức về các vấn đề gây căng thẳng và 30.97% HS lựa chọn đúng ít nhất một vấn đề có nguy cơ gây căng thẳng trong tình huống. Điều này cho thấy HS THPT đã cơ bản xác định được những tình huống có nguy cơ gây căng thẳng cho bản thân, những tác nhân cơ bản và biết được những biểu hiện của cơ thể khi căng thẳng. Xét về những nội dung cụ thể của hoạt động nhận thức này, HS cần nhận biết những tình huống tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng trong học tập và mối quan hệ xã hội, như thi cử, bài kiểm tra, bài tập lớn, thuyết trình, cãi vã với bạn bè, mâu thuẫn với người yêu, và vấn đề với giáo viên (Nguyễn Thị Hạnh, 2016). Khi HS nhận biết trước các tình huống này, họ có thể chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, HS cần xác định cụ thể các tác nhân gây căng thẳng như quá tải học tập, áp lực từ kỳ thi, mâu thuẫn trong mối quan hệ, khó khăn trong giao tiếp (Đỗ Thị Lệ Hằng, 2013). Việc này giúp HS đề xuất cách giải quyết phù hợp, chẳng hạn như quản lý áp lực thi cụ thể, xử lý mối quan hệ xã hội, hoặc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề giao tiếp với giáo viên.

Nhìn chung, kết quả cho thấy HS THPT có nhận thức cơ bản về căng thẳng (vấn đề, tác nhân, biểu hiện cơ thể) nhưng còn hạn chế trong hiểu biết về các kỹ thuật cụ thể để ứng phó cũng như còn xem nhẹ vai trò của việc ứng phó có kế hoạch. Do đó, cần tập trung nâng cao nhận thức cho HS về vai trò của việc thực hiện các chiến lược ứng phó và các phương pháp, kỹ thuật ứng phó với căng thẳng cụ thể.

2. Đánh giá thực trạng năng lực trên khía cạnh thái độ

Bảng 3. Thực trạng NLUP với căng thẳng trên khía cạnh thái độ

Các nội dung của thái độ

N

ĐTB

ĐLC

Đón nhận/chấp nhận sự xuất hiện của căng thẳng

410

2.14

0.541

Chủ động học tập và xây dựng mối quan hệ tích cực

410

2.11

0.463

Tự giác tìm hiểu về căng thẳng

410

2.07

0.506

Bình tĩnh và cởi mở trong khi tìm kiếm giải pháp ứng phó

410

2.05

0.496

Kiên trì trước những khó khăn khi ứng phó với căng thẳng

410

2.10

0.488

ĐTB chung

410

2.09

Nhìn chung trong 5 nội dung về thái độ liên quan đến NLUP với căng thẳng, điểm trung bình chung là 2.09/3 điểm tương ứng với mức năng lực trung bình. Điều này cho thấy thái độ của HS đối với việc ứng phó với căng thẳng còn hạn chế.

Các nội dung về thái độ có điểm trung bình thấp nhất là “Bình tĩnh và cởi mở trong khi tìm kiếm giải pháp ứng phó” (ĐTB=2.05 điểm) và “Tự giác tìm hiểu về căng thẳng” (ĐTB=2.07 điểm). Điều này cho thấy HS thiếu thái độ tích cực trong việc tìm hiểu và ứng phó với căng thẳng. Trong khi đó, thái độ bình tĩnh, cởi mở và kiên trì là cần thiết để giúp HS tìm ra giải pháp phù hợp khi đối mặt với căng thẳng (Đỗ Thị Lệ Hằng, 2013). Sự tự giác tìm hiểu về căng thẳng cũng là một thái độ quan trọng giúp HS chủ động hơn trong việc đối phó với căng thẳng (Lê Thị Thanh Thuỷ, 2009).

Thực tế khi phỏng vấn HS cũng thể hiện thái độ tương tự, đa số HS bày tỏ thái độ thiếu chủ động hay thiếu “tâm thế phòng bị” trước các vấn đề căng thẳng trong học tập và giao tiếp. HS N.T.H.G lớp 12: “Khi cảm thấy căng thẳng khi học bài hoặc cãi nhau với ai đó em thường tránh xa chỗ đó (hoàn cảnh) mọi thứ sẽ tự giải quyết”. HS N.V.T lớp 12 thì thể hiện được sự chấp nhận rằng căng thẳng là hiển nhiên nhưng thể hiện thái độ dửng dưng: “Làm gì có gì đó quan trọng đến mức phải mất thời gian để tìm hiểu. Quan trọng nhất là giữ tinh thần lạc quan và không để bản thân bị ảnh hưởng quá nhiều, [căng thẳng] tự nhiên biến mất”. HS L.T.N lớp 12 cho rằng: “Nếu thấy mình không thể kiểm soát được tình hình áp lực bản thân, em chỉ làm những điều như chơi game hoặc lướt tiktok sẽ làm em vui mà quên đi áp lực” Những HS khác được phỏng vấn đều thể hiện rằng bản thân chưa từng hoặc không tự giác đặt câu hỏi về tại sao mình cảm thấy căng thẳng? hoặc làm thế nào để cải thiện tình hình? Và chỉ dừng ở mức độ: “Có lẽ em cần tìm hiểu thêm về nguyên nhân và hậu quả của căng thẳng để có những giải pháp tích cực hơn” HS vẫn chưa thể hiện được thái độ tích cực và chủ động trong giải quyết căng thẳng.

Bài tập tình huống (tương ứng tình huống 3) bên cạnh những HS lựa chọn phương án thể hiện thái độ chủ động giải quyết vấn đề gây ra căng thẳng, thì số lượng lớn HS chưa xác định được cần phải chủ động giải quyết vấn đề. Có đến 35.65% HS lựa chọn cách ứng xử thể hiện thái độ cho rằng tình huống xảy ra do lỗi tất cả của một phía và phía còn lại không có trách nhiệm phải xử lý vấn đề gây ra căng thẳng giữa đôi bên, thậm chí đi đến kết thúc cho mối quan hệ “nếu đã là bạn thân mà giận nhau vì những việc đơn giản như thế thì không nên tiếp tục làm bạn” – đây là một thái độ không nên và không phù hợp khi xử lý các vấn đề gây ra căng thẳng trong mối quan hệ. Cũng có đến 29.92% HS lựa chọn phương án thể hiện được thái độ chủ động giải quyết vấn đề căng thẳng, nhưng lại theo hướng “đề huề”, “dĩ hoà di quý” mà “nếu đã là bạn thân thì sẽ bỏ qua cho nhau” – cách né tránh vấn đề gây ra căng thẳng là một thái độ ứng phó không phù hợp trong đại đa số hoàn cảnh.

Các nội dung còn lại về thái độ đều có điểm trung bình khá thấp, trong khoảng 2.05 – 2.14 điểm thuộc khoảng tiệm cận dưới của mức trung bình. Điều này cho thấy thái độ của HS đối với việc ứng phó với căng thẳng nói chung là chưa tích cực. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng thái độ chủ động trong học tập và xây dựng mối quan hệ tích cực có liên quan tới việc giảm căng thẳng và nâng cao hiệu quả học tập (Lê Thị Thanh Thuỷ, 2009; Nguyễn Thị Hạnh, 2016). Khi phỏng vấn, các HS cũng đánh giá cao vai trò của bạn bè trong việc hỗ trợ giảm thiểu căng thẳng và áp lực trong học tập.

Nhìn chung, kết quả cho thấy HS THPT có những hạn chế về thái độ tích cực đối với việc ứng phó với căng thẳng. Cần tập trung nâng cao thái độ tự giác, sự chủ động và tính kiên trì của HS trong việc đối mặt và giải quyết căng thẳng.

3. Đánh giá thực trạng năng lực trên khía cạnh hành vi

Bảng 4. Thực trạng NLUP với căng thẳng trên khía cạnh hành vi

Các nội dung của hành vi

N

ĐTB

ĐLC

Sử dụng các kỹ thuật tự giải tỏa căng thẳng như thở đều, thực hành chánh niệm hoặc tư duy tích cực

410

1.99

0.441

Thay đổi sở thích, thói quen và các hoạt động học tập nhằm cải thiện kiến thức và năng lực

410

2.03

0.451

Sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt hợp lý

410

2.03

0.489

Rèn luyện năng lực giao tiếp ứng xử hiệu quả

410

2.03

0.458

Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ gia đình, bạn bè, giáo viên để ứng phó với căng thẳng.

410

1.88

0.496

ĐTB chung

410

1.99

Trong số các biểu hiện cụ thể về hành vi liên quan đến NLUP với căng thẳng, điểm trung bình chung là 1.99/3.00 điểm cho thấy khả năng thực hiện các hành vi ứng phó với căng thẳng của HS còn hạn chế, ở mức trung bình.

Biểu hiện có điểm trung bình thấp nhất là “Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ gia đình, bạn bè, giáo viên để ứng phó với căng thẳng” (ĐTB=1.88 điểm). Điều này cho thấy HS còn thiếu hoặc không thực sự nhờ được sự hỗ trợ cần thiết từ môi trường xung quanh để có thể ứng phó hiệu quả với căng thẳng. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc rèn luyện các năng lực học tập, quản lý thời gian, giao tiếp, và nhờ sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh có thể giúp HS ứng phó tốt hơn với căng thẳng trong học tập và các mối quan hệ (Lê Thị Thanh Thuỷ, 2009) (Nguyễn Diệu Thảo Nguyên, 2009)  (Đỗ Thị Lệ Hằng, 2013).

Kết quả phỏng vấn một mặt thể hiện được nguồn lực có sẵn trong việc hỗ trợ HS ứng phó với căng thẳng, một mặt lại cho thấy HS sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực này. HS lớp 12 cho biết: “Em thấy mìn may mắn vì có gia đình yên ấm, mỗi lúc cảm thấy căng thẳng em thường chia sẻ với bố mẹ và họ luôn lắng nghe em”. HS lớp 10 chia sẻ: “Em thích Cô T.V dạy Toán, em nhớ có một lần khi em bị quê mặt khi tự tin lên giải đề cho lớp mà làm bị sai, sửa hoài không ra, cô đã không làm em mất mặt mà còn giải thích chỗ hóc búa của đề và động viên em”. HS lớp 11 chia sẻ: “Lớp trưởng là thằng bạn duy nhất trong lớp đối với em, vì chỉ có nó là không body-shaming em thôi”… Các HS khác thể hiện sự khó khăn trong việc nhờ hỗ trợ khi căng thẳng. HS lớp 12 cho biết: “Ba mẹ em rất bận rộn, em học hành gì ba mẹ em đâu có biết, em xin tiền thì mới hỏi đến là để làm gì thôi. Nên em có áp lực gì hay chuyện gì khó cũng không hỏi được, đành thôi vậy”. HS lớp 10 cho biết: “Mấy thầy cô lạ em không dám hỏi, có nhiều thầy cô nghiêm khắc lắm làm em sợ”. HS lớp 11 cho biết: “Chỉ có mình mới thực sự hiểu được bản thân mình muốn gì, cần gì và đang như thế nào. Chứ người khác làm sao mà hiểu được, bạn bè thân đến mấy cũng vậy thôi ạ”.

Các biểu hiện về hành vi còn lại đều có điểm trung bình khá thấp, dao động trong khoảng ĐTB từ 1.88 – 2.03 điểm. Điều này cho thấy khả năng thực hiện các hành vi cụ thể để ứng phó với căng thẳng của HS nói chung là còn hạn chế, đây là những nội dung quan trọng cần rèn luyện cho các em khi thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực này. Vì thực tế cho thấy:

- Về sử dụng các kỹ thuật tự giải tỏa căng thẳng (ĐTB=1.99 điểm): HS còn hạn chế trong việc vận dụng các kỹ thuật như thở đều, thiền, tập trung vào cảm giác cơ thể hay tư duy tích cực để giải tỏa căng thẳng khi cần thiết.

- Về thay đổi sở thích, thói quen và hoạt động học tập (ĐTB=2.03 điểm): HS còn hạn chế trong việc chủ động thay đổi thói quen học tập để cải thiện kiến thức, năng lực cần thiết để đối mặt với các thử thách trong học tập.

- Về sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt (ĐTB=2.03 điểm): HS còn hạn chế trong năng lực sắp xếp thời gian biểu hợp lý để cân bằng các hoạt động học tập và giải trí.

- Về năng lực giao tiếp ứng xử (ĐTB=2.03 điểm): HS còn hạn chế trong khả năng ứng xử tôn trọng, động viên và giao tiếp hiệu quả để tránh xung đột trong các mối quan hệ.

Nhìn chung, kết quả cho thấy HS THPT còn hạn chế trong khả năng vận dụng các hành vi cụ thể để ứng phó hiệu quả với căng thẳng. Cần tập trung giúp HS thực hành và vận dụng tốt hơn các năng lực và hành vi ứng phó với căng thẳng.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng NLUP với căng thẳng của HS THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt mức trung bình. Cụ thể, kết quả khảo sát 410 HS căng thẳng đã cho thấy điểm số NLUP với căng thẳng trên cả 03 khía cạnh nhận thức, thái độ và hành vi đều nằm trong khoảng từ 1.67 đến 2.33 điểm.

Trong đó, khía cạnh nhận thức có mức độ cao nhất, cho thấy HS đã có hiểu biết nhất định về căng thẳng. Tuy nhiên, các em vẫn còn hạn chế trong việc hiểu rõ các phương pháp và kỹ thuật ứng phó cụ thể. Ở khía cạnh thái độ, HS cũng chưa thể hiện được sự chủ động và tích cực trong ứng phó với căng thẳng. Khía cạnh hành vi là thấp nhất, cho thấy các em gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các năng lực và hành vi ứng phó vào thực tiễn.

Như vậy, cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao NLUP với căng thẳng cho HS, đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kiến thức về các phương pháp ứng phó và rèn luyện khả năng áp dụng chúng vào thực tế để giúp các em ứng phó tốt hơn với căng thẳng trong cuộc sống. Kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa thực tiễn cao, có thể làm cơ sở cho công tác xây dựng chương trình và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực quan trọng này cho HS trong thời gian tới.



[1]Viết tắt từ Tiếng Anh: Stress Coping Scale for High school students

TRẦN VĂN TOẢN (2023)
tamlyhoc.org


Tham khảo

  • Đỗ Thị Lệ Hằng. (2013). Căng thẳng của học sinh trung học phổ thông. Học viện KHXH - Viện hàn lâm KHXH Việt Nam.
  • Đỗ Văn Đoạt. (2013). Năng lực ứng phó với stress trong hoạt động học tập theo tính chỉ của sinh viên Đại học Sư phạm. Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học. Học viện KHXH - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
  • Lê Thị Thanh Thuỷ. (2009). Stress trong học tập và cách ứng phó của học sinh cuối cấp trung học phổ thông. Tạp chí Tâm lý học, số 4 (121), 22.
  • Nguyễn Diệu Thảo Nguyên. (2009). Năng lực ứng phó với những khó khăn trong gia đình của học sinh THPT Thành phố Huế. Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học. ĐHSP Huế.
  • Nguyễn Thị Hạnh. (2016). Mối quan hệ giữa áp lực học tập và khả năng ứng phó với căng thẳng của sinh viên đại học. Tạp chí Tâm lý học, 43(1), 11-26.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________