Lòng tự trắc ẩn (Seft-Compassion) là gì?

Lòng tự trắc ẩn là gì?

Theo tác giả Hoàng Phê trong từ điển Tiếng Việt do chính mình biên soạn, thì “trắc ẩn” nghĩa là “thương xót trong lòng” (Hoàng Phê, 2018). 

Từ điển Soha thì định nghĩa “trắc ẩn” là thương xót một cách kín đáo trong lòng”.

Còn từ điển Cồ Việt thì lại định nghĩa rằng “thương xót trong lòng với những nổi khổ của người khác”.

Còn định nghĩa theo tiếng Hán thì trong tiếng Hán, 惻隱 (Trắc ẩn) có cấu tạo: trắc - ẩn.

+ Trong từ 惻 là sự kết hợp giữa bộ Tâm - 心 và bộ Tắc - 則 (trong từ điển Hán – Việt của tác giả Thiều Chửu: tâm (tim, lòng dạ), tắc (quy tắc, quy định));

+ Trong từ 隱 có sự kết hợp giữa bộ Phụ - 阜 (trong từ điển Hán – Việt của tác giả Trần Văn Kiệm: phụ (bộ thủ: u đất, cái gò)).

Từ cấu tạo từ tiếng Hán cho thấy:Trắc ẩn chính là “những cảm nhận bên trong con người về những điều đau buồn thầm kín được che dấu, theo chuẩn mực làm người”. Như vậy, có thể thấy điểm chung của các từ điển trên đều cho rằng “lòng trắc ẩn là sự thương xót với những nỗi khổ của người khác”.



Một số từ điển tiếng Anh lại có cách định nghĩa khác về lòng trắc ẩn. Theo từ điển Oxford thì “lòng trắc ẩn” (compassion) nghĩa là “sự thương xót và quan tâm một cách thấu cảm những nỗi đau và sự không may của người khác”. (compassion, n.d.). Tra cứu từ điển Cambridge, thì “lòng trắc ẩn” có nghĩa là “đau buồn và thương xót trước nỗi đau của một người khác”. (compassion, n.d.). Còn theo từ điển American Heritage ® thì “lòng trắc ẩn” nghĩa là “nhận thức sâu (deep awareness) về nỗi đau của một người khác kèm với mong muốn gải tỏa nỗi đau đó”. (compassion, n.d.).

Từ điển Collins lại định nghĩa “lòng tự trắc ẩn” là “cảm giác phiền muộn hoặc thương hại dành cho nỗi đau hay sự không may của người khác, thường đi kèm với mong muốn giảm bớt nỗi đau đó”. Có thể thấy, theo cách định nghĩa của các từ điển tiếng Anh thì lòng trắc ẩn rộng hơn và cũng cụ thể hơn ở chỗ cảm nhận nỗi đau nơi người khác là chưa đủ, mà cần phải có mong muốn giải tỏa những nỗi đau đó. Nói cách khác, lòng trắc ẩn là “sự thấu hiểu và thương xót những nỗi đau của người khác đồng thời mong muốn giảm bớt nỗi đau cho họ”.

Nhà tâm lý học Kristin Neff (2003) thì dẫn từ quan niệm Tâm lý học Phật giáo rằng “lòng trắc ẩn” nghĩa là “thương xót người khác như chính bản thân mình”, mở lòng và động lòng trước những đau khổ của người khác, để rồi mong muốn giải tỏa những nỗi đau đó. [Neff, K. D. (2003). Self-compassion: An alternative conceptualization of a healthy attitude toward oneself. Self and Identity, 2, 85-102.]

Trên thực tế, trong ngôn ngữ đời thường cũng như ngôn ngữ khoa học, “lòng trắc ẩn” là một thuật ngữ khá quen thuộc với rất nhiều người. Lòng trắc ẩn liên quan tới việc chúng ta trở nên nhạy cảm với nỗi đau của người khác, nhận thức được sự đau khổ của họ, mong muốn làm lắng dịu nỗi đau khổ của họ và khi họ mắc lỗi, chúng ta hiểu họ mà không phán xét [Deniz M.E., Kesici S. & Sumer A.S. (2008). The validity and reliability of the Turkish version of the Self-compassion Scale. Social Behavior and Personality. 36(9). Society for Personaity Research (Inc)]. Do đó, có thể thấy biểu hiện của lòng trắc ẩn rất dễ gặp trong đời sống và hiện hữu hầu hết ở mỗi người.

“Lòng trắc ẩn là sự nhảy cảm với nỗi đau của người khác, nhận thức được sự đau khổ của họ, mong muốn làm lắng dịu nỗi đau khổ của họ và khi họ mắc lỗi, chúng ta hiểu họ mà không phán xét”. 
[Nguyễn Hồng Huân, Trần Văn Toản, Trần Thu Hạnh, Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (2018). Lòng tự trắc ẩn của sinh viên sư phạm. ĐHSP Tp. HCM] 

Theo giáo sư Kristin Neff, người tiến hành nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này vào năm 2000, lòng tự trắc ẩn bao gồm 3 yếu tố chính:

1. Tự nhân từ: Chấp nhận bản thân với cả những mặt tốt và chưa tốt, từ đó tự hoàn thiện mình.

2. Tin rằng bạn không cô đơn: Mọi người đều có những "trận chiến" cá nhân và không ai là cô đơn trong những khó khăn của cuộc sống.

3. Chánh niệm (mindfulness): Sống trong hiện tại và nhận thức đầy đủ về cảm xúc và trạng thái của bản thân mà không phán xét.

Lòng tự trắc ẩn giúp chúng ta đối mặt với thất bại và đau khổ một cách nhân ái và thấu hiểu, thay vì tự phê bình hay tự dằn vặt. Đây là một phần quan trọng của quá trình tự hoàn thiện và phát triển cá nhân. Nó không chỉ giúp chúng ta vượt qua khó khăn mà còn tạo ra một xã hội hạnh phúc và tiến bộ hơn.

Lịch sử nghiên cứu về Seft-Compassion trên thế giới


Kristin Neff (2000) là người đầu tiên đưa ra khái niệm Seft-Compassion trên cơ sở chỉ ra sự khác biệt với các khái niệm lòng tự thương hại (self-pity), lòng tự ái (self-center) và lòng tự trọng (self-esteem). [Neff, K. D. (2003). Development and validation of a scale to measure self-compassion. Self and Identity, 2, 223-250.] Nghiên cứu sâu hơn về lòng tự trắc ẩn, cũng trong năm 2003, Neff đã đưa ra thang đo đánh giá lòng tự trắc ẩn của các cá nhân dưới hình thức phiếu tự đánh giá (self-report). Thang đo gồm 26 mệnh đề và gồm 6 tiểu thang đo, chia thành 3 cặp: lòng nhân ái với bản thân (self-kindness) – sự tự chỉ trích (self-criticism); tính đồng nhân loại (common humanity) – sự cô lập (isolation); chánh niệm (mindfulness) – đồng nhất quá mức (over-identification) [Neff, K. D. (2003). Self-compassion: An alternative conceptualization of a healthy attitude toward oneself. Self and Identity, 2, 85-102].

Tiếp theo đó, nghiên cứu phân tích đường dẫn giữa lòng tự trắc ẩn, chánh niệm và các khía cạnh của hạnh phúc trên 67 trẻ vị thành niên, sử dụng bảng khảo sát online, của Bluth và Blanton năm 2012 chỉ ra rằng việc thực hành chánh niệm và lòng tự trắc ẩn đóng vai trò điều hòa cảm xúc. Từ đó nhóm tác giả cho rằng việc can thiệp giúp cho thanh thiếu niên trở nên chánh niệm và trắc ẩn với bản thân hơn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của các thanh thiếu niên đó. Bên cạnh đó còn có thể giúp giảm bớt các hành vi xấu như lạm dụng chất, bạo lực tuổi trẻ, các hành vi bắt nạt và trốn học [Bluth, K., & Blanton, P. W. (2012). Mindfulness and Self-Compassion: Exploring Pathways to Adolescent Emotional Well-Being. Journal of Child and Family Studies, 1-12, doi 10.1007/s10826-013-9830-2].

Nghiên cứu của Xavier, Pinto-Gouveia và Cunha trên 782 trẻ vị thành niên ở độ tuổi từ mười hai đến mười tám trong năm 2016 cho thấy lòng tự trắc ẩn có thể là một quá trình bảo vệ chủ thể khỏi các ảnh hưởng đến từ các hành vi tự hủy hoại. Từ đó đưa ra kiến nghị nhà trường nên có các chương trình nâng cao lòng tự trắc ẩn cho tất cả học sinh [Xavier, A., Pinto-Gouveia, J., & Cunha, M. (2016). The Protective Role of Self-Compassion on Risk Factors for Non-suicidal Self-Injury in Adolescence. SchoolMental Health, 8(4), 476-485].

Trong năm 2016, nghiên cứu “Sự khác biệt về tuổi và giới tính trong tương quan giữa lòng tự trắc ẩn và niềm hạnh phúc ở độ tuổi vị thành niên nghiên cứu trên một mẫu lớn” của Bluth, Campo, Futch và Gaylord trên độ tuổi vị thành niên cho thấy nữ giới ở cuối tuổi vị thành niên có lòng tự trắc ẩn thấp nhất so với nam giới ở mọi độ tuổi [Bluth, K., Campo, R. A., Futch, W. S., & Gaylord, S. A. (2016). Age and gender differences in the associations of self-compassion and emotional well-being in a large adolescent sample. Journal of youth and adolescence, 1-14].

Quan tâm đến hình ảnh cơ thể của các cá nhân, nghiên cứu của Albertson, Neff và Dill-Shackleford năm 2014 cho thấy những phụ nữ ở độ tuổi trung bình từ ba mươi sáu đến ba mươi chín tuổi luyện tập nâng cao lòng tự trắc ẩn cảm thấy hài lòng với cơ thể của mình hơn [Albertson, E. R., Neff, K. D., & Dill-Shackleford, K. E. (2014). Self-Compassion and Body Dissatisfaction in Women: A Randomized Controlled Trial of a Brief Meditation Intervention. Mindfulness, 1-11, doi 10.1007/s12671-014-0277-3].

Về hành vi ăn uống, nghiên cứu của Adams và Leary trên các SV nữ về chứng ăn hạn chế (restrictive eating) – mong muốn và cố gắng tránh ăn các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, và mặc cảm tội lỗi khi ăn (guilty eating) – cảm thấy tội lỗi sau khi ăn uống không lành mạnh, cho thấy lòng tự trắc ẩn giúp giảm sự phiền muộn ở những người mắc chứng ăn hạn chế [Adams, C. E., & Leary, M. R. (2007). Promoting self-compassionate attitudes toward eating among restrictive and guilty eaters. Journal of Social and Clinical Psychology, 26, 1120-1144].

Tiến hành nghiên cứu định lượng sơ bộ mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn, sự cạn kiệt lòng trắc ẩn (compassion fatigue), sự hạnh phúc và sự kiệt sức trên nhóm 54 SV tham vấn và SV trị liệu nhận thức – hành vi đang học năm cuối vào năm 2016, Beaumont, Durkin, Hollins Martin và Carson đã rút ra kết luận rằng những SV có lòng tự trắc ẩn cao và đạt điểm cao trên thang điểm hạnh phúc ít bị kiệt sức và cạn kiệt lòng trắc ẩn hơn [Beaumont, E., Durkin, M., Hollins Martin, C. J., & Carson, J. (2016). Measuring relationships between self‐compassion, compassion fatigue, burnout and well‐being in student counsellors and student cognitive behavioural psychotherapists: a quantitative survey. Counselling and Psychotherapy Research, 16(1), 15-23].

Sau đó, thử nghiệm áp dụng các chương trình rèn luyện tâm trí trắc ẩn (Compassionate Mind Training – CMT) trên các SV hộ sinh của Beaumont và Hollins Martin vào năm 2016 cho kết quả rằng chương trình giúp các SV trở nên nhạy cảm hơn với những khó khăn của chính mình và các tác giả đã kiến nghị đưa khóa học vào trong chương trình giảng dạy hộ sinh cho các sinh viên [Beaumont, E. A., & Hollins Martin, C. J. (2016). Heightening levels of compassion towards self and others through use of compassionate mind training. British Journal of Midwifery].

Nghiên cứu quan sát của Babenko, Mosewich, Abraham và Lai năm 2018 trên hai trăm SV Canada ngành y ở độ tuổi từ 20 đến 29 để kiểm chứng sự đóng góp của các nhu cầu tâm lý (quyền tự do, thẩm quyền và sự liên quan) và các chiến lược đối phó (lòng tự trắc ẩn, luyện tập thể thao vào thời gian rãnh và thành tích mong muốn) đối với việc đối phó với sự kiệt sức cho kết quả: các SV có lòng tự trắc ẩn cao và đạt được các thành tích mong muốn cho thấy có sự đối phó tốt với các khó khăn học tập; những SV có lòng tự trắc ẩn thấp, luyện tập ít và né tránh thực hiện các thành tích được báo cáo kiệt sức nhiều hơn trong học tập [Babenko, O., Mosewich, A., Abraham, J., & Lai, H. (2018). Contributions of psychological needs, self-compassion, leisure-time exercise, and achievement goals to academic engagement and exhaustion of Canadian medical students. Journal of educational evaluation for health professions, 15, 2].

Quan tâm đến những vấn đề sức khỏe tinh thần ở nam giới, Reilly, Rochlen và Awad đã tiến hành nghiên cứu vào năm 2013 và chỉ ra lòng tự trắc ẩn và lòng tự trọng có tương quan thuận, khá chặt với nhau. Nghiên cứu trên 145 đàn ông dị tính cho thấy lòng tự trắc ẩn càng cao thì sự tuân theo định kiến xã hội về sự nam tính và sự tự ti xấu hổ càng thấp và lòng tự trọng cũng cao theo [Reilly, E. D., Rochlen, A. B., & Awad, G. H. (2013). Men’s Self-Compassion and Self- Esteem: The Moderating Roles of Shame and Masculine Norm Adherence. Psychology Of Men; Masculinity, doi:10.1037/a0031028]

Đến năm 2017 nghiên cứu của Beard, Eames và Withers trên 139 người đồng tính nam sử dụng bảng hỏi online cho thấy lòng tự trắc ẩn giúp phát triển một niềm cảm giác tự hào (sense of pride) chân thật về xu hướng tính dục của mình với những người đồng tính nam, nó còn giúp nâng cao niềm hạnh phúc của họ [Beard, K., Eames, C., & Withers, P. (2017). The role of self-compassion in the well-being of self-identifying gay men. Journal of Gay & Lesbian Mental Health, 21(1), 77-96].

Tiếp nối về các vấn đề tâm lý ở nam giới, nghiên cứu “Sự nam tính và rào cản tìm kiếm sự tham vấn: vai trò làm đệm của lòng tự trắc ẩn” của Heath, Brenner, Vogel, Lannin và Strass (2017) chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn giúp giảm sự tự kỳ thị và nỗi lo sợ bộc lộ mình ở nam giới ở độ tuổi đại học trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tinh thần [Heath, P. J., Brenner, R. E., Vogel, D. L., Lannin, D. G., & Strass, H. A. (2017). Masculinity and barriers to seeking counseling: The buffering role of self-compassion. Journal of Counseling Psychology, 64(1), 94].

Nghiên cứu “Lòng tự trắc ẩn, khả năng điều chỉnh bản thân và sức khỏe thể lý” vào năm 2011 của Terry và Leary cho thấy nhờ giảm tính bảo thủ và sự tự trách, lòng tự trắc ẩn giúp nâng cao khả năng tự điều chỉnh bản thân, nhờ đó nâng cao sức khỏe và đối phó với các vấn đề về sức khỏe [Terry, M. L., & Leary, M. R. (2011). Self-compassion, self-regulation, and health. Self and Identity, 10, 352-362].

Sau đó, nghiên cứu năm 2015 của Sirois, Kitner và Hirsch năm 2015 cho thấy mối tương quan thuận giữa lòng tự trắc ẩn và các hành vi nâng cao sức khỏe (thói quen ăn uống, tập thể dục, ngủ và quản lý stress) và đưa ra kết luận lòng tự trắc ẩn có thể là một phẩm chất tốt để nâng cao các hành vi có lợi cho sức khỏe, một phần do sự tương quan giữa lòng tự trắc ẩn với các cảm xúc thích ứng [Sirois, F. M., Kitner, R., & Hirsch, J. K. (2015). Self-compassion, affect, and health-promoting behaviors. Health Psychology, 34(6), 661]

Tiến hành nghiên cứu trên 104 cặp đôi dị tính vào năm 2013, Neff và Beretvas kết luận rằng những người có lòng tự trắc ẩn cao nhiều hành vi tích cực trong mối quan hệ hơn những người có lòng tự trắc ẩn thấp. Các tác giả còn kết luận rằng lòng tự trắc ẩn là một đặc điểm có thể quan sát được, nghiên cứu tiến hành dựa trên bảng khảo sát của người này về người yêu của mình, và lòng tự trắc ẩn là một yếu tố dự đoán các hành vi tích cực trong mối quan hệ rõ hơn đặc điểm cái tôi (trait self-esteem) và phong cách gắn bó (attachment style). [Neff, K. D., & Beretvas, S. N. (2013). The role of self-compassion in romantic relationships. Self and Identity, 12(1), 78-98].

Nghiên cứu của Arslan năm 2016 trên 570 khách thể nhằm nghiên cứu việc giải quyết vấn đề liên cá nhân về mặt lòng tự trắc ẩn và đặc điểm nhân cách cho ra kết quả rằng có một mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa việc tiếp cận vấn đề một cách tiêu cực với lòng tự trắc ẩn, tính hướng ngoại, sự cởi mở đối với các kinh nghiệm, tính dễ bằng lòng và trách nhiệm. Bên cạnh đó còn có một mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa việc thiếu tự tin với lòng tự trắc ẩn, cởi mở với các kinh nghiệm, tính hướng ngoại, tính dễ bằng lòng và trách nhiệm. Lòng tự trắc ẩn, cởi mở với các kinh nghiệm, tính hướng ngoại, tính dễ bằng lòng và trách nhiệm còn có tương quan nghịch có ý nghĩa đối với việc không sẵn sàng nhận trách nhiệm và có tương quan thuận có ý nghĩa với việc giải quyết vấn đề mang tính xây dựng. Cuối cùng, nghiên cứu tìm ra được một số cách tiếp cận lòng tự trắc ẩn và một số cách tiếp cận đặc điểm nhân cách có thể giải thích cho việc giải quyết vấn đề liên cá nhân [Arslan, C. (2016). Interpersonal problem solving, self-compassion and personality traits in university students. Educational Research and Reviews, 11(7), 474-481].

Đến năm 2018 nghiên cứu của Ferrari, Yap, Scott, Einstein và Ciarrochi với tiêu đề “Lòng tự trắc ẩn điều chỉnh mối liên kết giữa chủ nghĩa hoàn hảo và trầm cảm ở cả vị thành niên và người lớn” chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn giúp làm giảm sức mạnh của mối quan hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo không phù hợp (maladaptive perfectionism) và trầm cảm ở trẻ vị thành niên và người lớn [Ferrari, M., Yap, K., Scott, N., Einstein, D. A., & Ciarrochi, J. (2018). Self-compassion moderates the perfectionism and depression link in both adolescence and adulthood. PloS one, 13(2), e0192022].

Khramtsova và Chuykova (2016) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn và chánh niệm có thể đóng vai trò dự đoán phong cách hài hước ở một người. Nghiên cứu trên 90 SV Mỹ và 106 SV Nga, các tác giả đã đưa ra kết luận cụ thể rằng những người có lòng tự trắc ẩn và chánh niệm cao sẽ lựa chọn các phong cách hài hước phù hợp hơn là các phong cách không phù hợp, mặc dù sự tham gia của lòng tự trắc ẩn và chánh niệm vào việc lựa chọn phong cách hài hước còn phù thuộc vào nền văn hóa của cá nhân đó [Khramtsova, I. I., & Chuykova, T. S. (2016). Mindfulness and self-compassion as predictors of humor styles in US and Russia. Social Psychology & Society, 7(2)].

Nghiên cứu sâu về mặt chánh niệm của lòng tự trắc ẩn, Neff và Germer (2017) đã chỉ ra rằng khi thực hành chánh niệm với các khó khăn trong cuộc sống giúp con người đối phó với những khó khăn đó tốt hơn [Neff, K. D., & Germer, C. (2017). Self-Compassion and Psychological Wellbeing. In J. Doty (Ed.) Oxford Handbook of Compassion Science, Chap. 27. Oxford University Press].

Nghiên cứu năm 2005 của Neff, Hseih và Dejitthirat cho thấy rằng các cá nhân có lòng tự trắc ẩn cao thích thú hơn với việc tiếp thu kiến thức hơn là đạt được kết quả tốt, họ cho rằng những thất bại trong học tập là điều kiện để học hỏi và phát triển. Hơn nữa, các cá nhân này vẫn có thể giữ được nhiệt huyết đối với việc tiếp thu kiến thức sau khi thất bại [Neff, K. D., Hseih, Y., & Dejitthirat, K. (2005). Self-compassion, achievement goals, and coping with academic failure. Self and Identity, 4, 263-287].

Tiếp đó, năm 2018 nghiên cứu của Long và Neff kết luận rằng lòng tự trắc ẩn giúp học sinh cảm thấy được an toàn để tham gia vào việc xây dựng lớp học, đặt câu hỏi vì các em tin rằng giá trị của các em không nằm ở sự đánh giá của người khác [Long, P., & Neff, K. D. (2018). Self-compassion is associated with reduced self- presentation concerns and increased student communication behavior. Learningand Individual Differences, 67, 223-231].

Nghiên cứu của Purdie và Morley vào năm 2015 trên 60 bệnh nhân đau mãn tính nhằm tìm ra mối tương quan giữa lòng tự trắc ẩn với các phản ứng cảm xúc được kỳ vọng và khả năng phản ứng với việc giải quyết vấn đề, tìm kiếm sự trợ giúp, sự xao lãng, sự tránh né, sự trầm tư mặc tưởng, hay việc thảm kịch hóa đối với các sự kiện gây cảm xúc tiêu cực trong ba bối cảnh xã hội khác nhau. Các bệnh nhân được xem sáu bức vẽ minh họa các hành vi vi phạm giao ước xã hội với những hậu quả gây ảnh hưởng đến người khác. Các bức vẽ đại diện cho hai khía cạnh: một (1) là liệu các yếu tố liên quan hay không liên quan đến cơn đau (pain or non-pain factor) có làm gián đoạn việc thực hiện các giao ước xã hội và hai (2) là sự đa dạng trong các hoàn cảnh xã hội (gia đình, bạn bè, công việc). Kết quả cho thấy mức độ lòng tự trắc ẩn cao có tương quan rõ rệt với mức độ ảnh hưởng thấp của việc tránh né, thảm kịch hóa hay tự trầm tư mặc tưởng (rumination). Lòng tự trắc ẩn được cho thấy không có tương quan với các yếu tố của cơn đau hay không phải cơn đau. Các bức vẽ liên quan đến công việc được đánh giá là gây cảm động nhất và có tương quan cao với việc tránh né, thảm kịch hóa hay trầm tư mặc tưởng nhưng với khả năng giải quyết vấn đề thấp hơn [Purdie, F., & Morley, S. (2015). Self-compassion, pain, and breaking a social contract. Pain, 156(11), 2354-2363].

Liên quan đến tâm lý học tích cực, nghiên cứu của Hollis-Walker và Colosimo năm 2011 cho thấy chánh niệm không chỉ có tương quan với hạnh phúc (well-being) mà còn là một tố chất có thể đo lường được có ở tất cả mọi người (nghiên cứu nhằm chứng minh lòng tự trắc ẩn ở những người không ngồi thiền chánh niệm). Các tác giả đã kết luận rằng chánh niệm là một tiềm năng nhận thức tích cực bao gồm các nhân tố ý thức và thái độ có sẵn trong mỗi người. Các tác giả còn kết luận rằng lòng tự trắc ẩn còn là một nhân tố về mặt thái độ trong mối quan hệ giữa chánh niệm và sự hạnh phúc [Hollis-Walker, L., & Colosimo, K. (2011). Mindfulness, self-compassion, and happiness in non-meditators: A theoretical and empirical examination. Personality andIndividual Differences, 50, 222-227].

Tiếp theo,nghiên cứu của Yue, Anna và Hiranandani tại Hồng Kông vào năm 2017 tập trung nghiên cứu về 4 loại hài hước và tương quan của chúng với lòng tự trắc ẩn và sự hài lòng trong cuộc sống. Kết quả cho thấy lòng tự trắc ẩn và sự hài lòng với cuộc sống có thể được tiên đoán tích cực bởi sự hài hước mà có lợi cho bản thân (self-enhancing humor) và được tiên đoán tiêu cực bởi sự hài hước có hại cho bản thân (self-defeating humor). Sự hài hước có lợi đóng vai trò phần nào vị trí trung hòa giữa lòng tự trắc ẩn và sự hài lòng với cuộc sống. Nghiên cứu cũng cho thấy sự hài hước chung với mọi người (affiliative humor) và sự hài hước thù địch (aggressive humor) không có tác động có ý nghĩa nào lên cả lòng tự trắc ẩn hay sự hài lòng với cuộc sống [Yue, X., Anna, M. L. H., & Hiranandani, N. A. (2017). How Humor Styles Affect Self-compassion and Life Satisfaction: A Study in Hong Kong. Acta Psychopathol, 3(4), 41].

Tiếp theo tâm lý học tích cực, khi nghiên cứu về hạnh phúc tâm lý, Neff đã công bố năm 2004 rằng lòng tự trắc ẩn có tương quan thuận với các chiến lược đối phó tập trung vào vấn đề. Mối tương quan này được giải thích dựa trên sự minh bạch về cảm xúc mà có tương quan với lòng tự trắc ẩn; và có tương quan nghịch với một vài cơ chế đối phó không thích hợp như phủ nhận chẳng hạn. Vậy lòng tự trắc ẩn đóng vai trò như chiến lược điều hòa cảm xúc. Người học có lòng tự trắc ẩn cao quan tâm nhiều hơn đến hứng thú trong học tập hơn là kết quả [Neff, K. D. (2004). Self-compassion and psychological well-being. Constructivism in the Human Sciences, 9, 27-37].

Nghiên cứu của Neff và McGeeHee năm 2010 trên các trẻ vị thành niên có độ tuổi trung bình là 15.2 để so sánh với những người trưởng thành có độ tuổi trung bình là 21.1 cho thấy lòng tự trắc ẩn có mối tương quan mật thiết với hạnh phúc ở cả trẻ vị thành niên và người trường lớn. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn có thể là một mục tiêu can thiệp hiệu quả dành cho các trẻ vị thành niên đang có cái nhìn tiêu cực về bản thân [Neff, K. D., & McGeehee, P. (2010). Self-compassion and psychological resilience among adolescents and young adults. Self and Identity, 9, 225-240].

“Nghiên cứu ban đầu về can thiệp chánh niệm dành cho trẻ vị thành niên và tiềm năng của lòng tự trắc ẩn trong việc giảm căng thẳng” năm 2015 của Bluth, Roberson và Gaylord cho thấy lòng tự trắc ẩn, căng thẳng và sự hài lòng về cuộc sống cải thiện từtrước đến sau sự can thiệp. Bên cạnh đó nghiên cứu còn chỉ ra rằng chánh niệm có thể là một sự can thiệp hiệu quả để cải thiện cải chỉ số đo lường hạnh phúc và chánh niệm có thể trở thành một công cụ giúp giảm stress ở giới trẻ [Bluth, K., Roberson, P. N., & Gaylord, S. A. (2015). A Pilot Study of a Mindfulness Intervention for Adolescents and the Potential Role of Self-Compassion in Reducing Stress. Explore (New York, NY)].

Nghiên cứu “Mối quan hệ giữa tính linh hoạt tâm lý, lòng tự trắc ẩn và hạnh phúc” của Marshall và Brockman năm 2016 trên 144 SV tâm lý học ở độ tuổi từ 17 đến 60 cho thấy lòng tự trắc ẩn có tương thuận và chặt đến lòng tự trọng, tương quan nghịch với mức độ trầm cảm và sự lo âu [Marshall, E. J., & Brockman, R. N. (2016). The Relationships Between Psychological Flexibility, Self-Compassion, and Emotional Well-Being. Journal of CognitivePsychotherapy, 30(1), 60-72]

Thêm vào đó, nghiên cứu “Kiểm tra mối quan hệ giữa lòng tự trắc ẩn, lo âu xã hội và ý nghĩ sau sự kiện” của Blackie và Kocovski năm 2017 về mối tương quan giữa lòng tự trắc ẩn và các ý nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại sau một sự kiện xã hội (post-event processing) cho thấy lòng tự trắc ẩn đóng vai trò giảm đi các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại đó [Blackie, R. A., & Kocovski, N. L. (2017). Examining the relationships among self-compassion, social anxiety, and post-event processing. Psychological reports, 0033294117740138].

Cuộc thử nghiệm khóa học online rèn luyện lòng tự trắc ẩn và tái thẩm định nhận thức của Cȃndea và Szentágotai-Tătar thu được kết quả cho thấy tính dễ cảm thấy xấu hổ (shame-proneness) và các niềm tin vô lý đã giảm rõ rệt từ trước đến sau khóa rèn luyện, đặc biệt lòng tự trắc ẩn giúp giảm rõ rệt các triệu chứng lo âu xã hội [Cȃndea, D. M., & Szentágotai-Tătar, A. (2018). The Impact of Self-Compassion on Shame-Proneness in Social Anxiety. Mindfulness, 1-9].

Tóm lại, có thể thấy, sau sự ra đời của khái niệm lòng tự trắc ẩn và một số bàn luận về lợi ích của nó, sự ra đời và được chuẩn hóa của thang đo lòng tự trắc ẩn khiến cho lòng tự trắc ẩn có thể được đo dễ dàng để phục vụ mục nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau. Nhìn chung, trên thế giới, lòng tự trắc ẩn được quan tâm khá nhiều. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của lòng tự trắc ẩn và mối tương quan thuận của lòng tự trắc ẩn đối với các hiện tượng tâm lý tích cực cũng như mối tương quan nghịch của nó đối với các hiện tượng tâm lý tiêu cực. Từ đó đặt ra việc phải luyện tập nâng cao lòng tự trắc ẩn của mỗi cá nhân và việc cần phải nghiên cứu lòng tự trắc ẩn cụ thể ở mỗi khu vực, mỗi thời điểm.

Trần Văn Toản

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________