Thống kê cho thấy cứ 10 người thì có đến 6 – 7 người đều bị áp lực đồng trang lứa, có thể gặp ở cả bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên đi học và những người đã đi làm. Áp lực vô hình này khiến mỗi chúng ta luôn cảm thấy kém cỏi, thất bại, khao khát được thành công như “người ta”. Việc định hướng “áp lực” này sai cách có thể biến chúng ta trở nên mệt mỏi và tiêu cực hơn.
Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) là gì? |
Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) là gì?
Áp lực đồng trang lứa hay Peer pressure là một thuật ngữ được dùng rất nhiều hiện nay trong chuyên ngành tâm lý và giáo dục. Hiểu một cách đơn giản nhất, áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở một cá nhân chịu tác động, ảnh hưởng từ những người đồng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội nhưng được cho là thành công hơn, hạnh phúc hơn. Các tác động này có thể xuất phát từ bên trong của cá nhân đó hoặc do các yếu tố xung quanh thúc đẩy và hình thành áp lực.
Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa
Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa cũng dễ có thể thấy nhưng tùy từng độ tuổi, tính cách, cách suy nghĩ và nhận thức mà các biểu hiện của áp lực đồng trang lứa được thể hiện theo các khác nhau. Tuy nhiên đa phần nó thường mang tính tiêu cực, đặc biệt mỗi khi nhìn thấy những người bạn cùng tuổi nhưng có xếp hạng hay đời sống tốt hơn mình, dù chỉ là một chút hoặc theo cách đánh giá của họ.
Mặc dù đa phần áp lực đồng trang lứa mang đến những biểu hiện tiêu cực nhưng vẫn có những mặt tích cực, nhất là trong việc thúc đẩy con người cố gắng làm việc hơn. Lấy áp lực đồng trang lứa làm động lực có thể là một cách tiếp cận tích cực trong cuộc sống, giúp người ta nỗ lực hơn và phát triển bản thân.
Để sử dụng áp lực đồng trang lứa một cách tích cực, người ta cần phải biết cách xử lý và kiểm soát căng thẳng. Việc tìm ra mục tiêu cá nhân và tập trung vào phát triển năng lực của bản thân có thể giúp người ta đạt được thành công trong cuộc sống. Đồng thời, tạo ra sự cổ vũ và hỗ trợ đối với những người xung quanh cũng là một cách để giảm bớt sự cạnh tranh và tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong đồng trang lứa.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng áp lực đồng trang lứa không phải là một phương pháp phù hợp cho mọi người. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng và stress không cần thiết. Chính vì vậy, việc sử dụng áp lực đồng trang lứa để thúc đẩy bản thân cần được cân nhắc và đánh giá một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính tích cực của nó trong cuộc sống.
Theo Chuyên viên Tâm lý Trần Văn Toản, áp lực đồng trang lứa ở các bạn trẻ có thể có tác động đa chiều và tùy thuộc vào cách cá nhân tiếp nhận và xử lý áp lực này. Một mặt, áp lực đồng trang lứa có thể tạo động lực cho một số người trẻ để nỗ lực và đạt được thành công. Sự cạnh tranh và so sánh với bạn bè có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân và đạt được kết quả tốt hơn trong một số trường hợp. Mặt khác, áp lực đồng trang lứa cũng có thể gây ra căng thẳng và stress, đặc biệt nếu các cá nhân cảm thấy không thể đáp ứng được sự kỳ vọng và áp lực từ nhóm bạn. Có thể dẫn đến tình trạng lo lắng, tự ti, hoặc cảm thấy bị cô lập.
Anh Toản cũng cho biết thêm: Áp lực đồng trang lứa có thể dẫn đến tư duy cạnh tranh không lành mạnh, khiến các bạn trẻ chú trọng quá nhiều vào việc so sánh và đối đầu với người khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Anh lưu ý, để áp lực đồng trang lứa trở thành động lực để thành công, quan trọng là các bạn trẻ phải có khả năng nhận biết và quản lý áp lực một cách lành mạnh. Tự nhận thức về giá trị bản thân, đặt mục tiêu dựa trên đam mê và khả năng cá nhân, và xây dựng một môi trường xã hội có tính hỗ trợ có thể giúp họ thích ứng tốt hơn với áp lực đồng trang lứa.