Đâu là lý do khiến trẻ em “buồn rầu”? - Câu chuyện về sức khỏe tâm thần tại học đường

Dù rằng trong các báo cáo, vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em tại Việt Nam chưa đáng báo động. Nhưng, với Unicef, vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên đều đang gia tăng ở Việt Nam.


Lý do trẻ em “buồn rầu” có rất nhiều điều cần phải nói đến.

Tưởng chừng là làm trẻ em thì dễ dàng, nhưng với cuộc sống hiện tại, trẻ em cũng đối mặt với những vấn đề riêng của lứa tuổi. Trẻ em phải trải qua nhiều áp lực khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt nhất vẫn là chốn học đường. Họ phải đối mặt với áp lực học tập, áp lực từ bạn bè và gia đình, cùng với sự khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội. Các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh có liên quan đáng kể đến áp lực học tập, lo lắng về điểm số, sự chán nản liên quan đến học lực, kỳ vọng của bản thân và khối lượng bài vở. 

Ở hiện tại, trẻ em không chỉ ở hai môi trường chính là nhà trường và gia đình mà mạng lưới mạng xã hội cũng chi phối đến sức khỏe tinh thần của trẻ em rất nhiều. Sự tăng tiếp xúc với Internet là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe tâm lý xã hội, dẫn đến tình trạng cô lập xã hội, lo lắng, buồn phiền, lo âu, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và trong một số trường hợp là tự tử (Unicef, 2015).


Và nếu không có sự hỗ trợ và chăm sóc đầy đủ, trẻ em có thể rơi vào tình trạng buồn rầu và lo lắng, và những vấn đề tâm lý này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của họ trong tương lai.
Vì vậy, nhà trường và gia đình đang phối hợp và cố gắng tạo cho các em một môi trường lành mạnh để có thể phát huy hết khả năng của các em.
Có thể kể đến như:
Chương trình giáo dục song hành với việc dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho sức khỏe tâm thần tích cực và sự phát triển toàn diện. Việc học được các kỹ năng xã hội và cảm xúc gắn liền với sự phát triển tích cực của thanh thiếu niên, thành tích học tập, hành vi lối sống lành mạnh và giảm trầm cảm và lo âu, bạo lực, bắt nạt, xung đột và giận dữ. 
Các chương trình kỹ năng sống cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy của nhà trường. Các kỹ năng cho các mối quan hệ tình cảm lành mạnh và tôn trọng (không bạo lực) và sức khỏe tình dục là cần thiết để tăng cường sức khỏe và khả năng phục hồi của trẻ vị thành niên. 
Các chương trình nên bao gồm thông tin toàn diện về khuynh hướng tình dục và bản dạng giới để giảm sự phân biệt đối xử với học sinh LGBTQ và cải thiện sức khỏe tâm thần cho học sinh LGBTQ.
Không chỉ là các chương trình, trong nhà trường phải xây dựng các phòng tham vấn học đường. Các trường học hiện nay đang cố gắng cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh bằng cách tạo ra môi trường học tập tích cực, hỗ trợ tâm lý và xây dựng các chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần. Một số trường còn thành lập phòng tham vấn học đường, nơi học sinh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý và xã hội.


Để giúp trẻ em vượt qua những vấn đề tâm lý, gia đình và giáo viên cần tạo ra một môi trường ủng hộ, khuyến khích các em chia sẻ, thể hiện cảm xúc và cung cấp sự giúp đỡ và hướng dẫn. Bên cạnh đó, cần giúp trẻ em phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tăng cường sự tự tin của các em, từ đó giúp chúng có thể đối mặt với những tình huống khó khăn và tự tin trong quá trình học tập và phát triển.

Theo Kim Kiên
tamlyhoc.org


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________