Ưu thế của vị thành niên thời đại ngày nay

Xét ở nhiều góc độ, ngày nay là thời điểm tốt đẹp nhất nhưng cũng là tệ hại nhất cho trẻ VTN. Thế giới của họ chứa đựng sức mạnh, triển vọng mà cách đây một thế kỷ không ai có thể tưởng tượng ra: máy tính, tuổi thọ cao, dễ dàng tiếp cận với cả hành tinh qua ti vi, qua vệ tinh nhân tạo và qua đường hàng không. 

Vị thành niên có nhiều ưu thế

Tuy nhiên, ngày nay những cám dỗ và bất trắc của thế giới người lớn ảnh hưởng tới trẻ nhỏ và trẻ VTN sớm đến nỗi chúng không kịp chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc và nhận thức để tiếp nhận một cách hữu hiệu. Chẳng hạn, thuốc Crack dễ gây nghiện hơn á phiện, ma túy của thế hệ trước. Những cảnh bạo lực kinh hồn và tình dục quái chiêu xuất hiện công khai, liên tục trên ti vi đã cấy chặt vào đầu óc giới trẻ. Những thông điệp luôn đậm đặc và mâu thuẫn nhau. Những băng video nhạc rock cổ động cho tình dục tự do trong khi những chuyên gia sức khỏe lại ra sức khuyên tình dục an toàn. Những buổi tọa đàm diễn ra liên miên với những đề tài giật gân kiểu nữ tu đồng tính luyến ái, phẫu thuật chuyển đổi giới tính, giết người hàng loạt, ma túy phiên bản mới. Truyền hình ào ạt oanh kích những phiên bản dị hợm của thực tế vào trí tưởng tượng của trẻ VTN.

Một xã hội ổn định luôn chuyển giao những giá trị từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó cũng là công việc của nền văn minh. Mối quan ngại lớn nhất trong thế giới ngày nay là những giá trị liên tục được “phát sóng” đến trẻ VTN. Cách đây nửa thế kỷ, cứ hai trong ba gia đình có cha đi kiếm cơm về nuôi vợ và các con tuổi nhỏ hoặc tuổi VTN. Ngày nay chưa tới một trong năm gia đình vừa khít với khuôn mẫu đó. Trong vốn từ vựng tiếng Mỹ đã xuất hiện cụm từ chất lượng thời gian (quality time). Thiếu thốn là một mô ấp trong cuộc sống của nhiều trẻ VTN – thiếu quyền lực, thiếu khả năng, thiếu được công nhận cảm xúc.

VTN ngày nay sống trong môi trường ít ổn định hơn

Xét về nhiều mặt, trẻ VTN ngày nay sống trong môi trường ít ổn định hơn trẻ VTN vài thập niên trước. Tỉ lệ ly dị cao, tỉ lệ trẻ VTN mang thai cao, các gia đình di chuyển nơi cư ngụ thường xuyên hơn do cuộc sống biến động. Dẫu sao thì lớn lên chẳng bao giờ là dễ dàng cả. Nhìn chung, sự phát triển của trẻ VTN ngày nay không khác gì với trẻ VTN thập niên 1950. Tuổi VTN không phải là giai đoạn để mà nổi loạn, khủng hoảng, xung đột, trụy lạc đối với đa số thanh thiếu niên; nhưng cũng không thể khẳng định đây là thời để định giá trị, ra quyết định, tận tụy hay củng cố một chỗ đứng trong thế giới.

Tham luận của chúng tôi nhấn mạnh đến một điểm quan trọng về trẻ VTN: họ không phải là một nhóm người đồng nhất. Hầu hết trẻ VTN đều thành công trong việc vạch ra một lộ trình dài về phía trở thành người lớn; nhưng một phần không nhỏ thì không. Những sự khác biệt về kinh tế–xã hội, chủng tộc, văn hóa, giới tính, tuổi tác, lối sống ảnh hưởng đến con đường phát triển của mỗi trẻ VTN.

Ngày nay các nghiên cứu đặc biệt thiên về sự tác động của môi trường đến sự phát triển của trẻ VTN. Môi trường là bối cảnh trong đó diễn ra sự phát triển, chịu ảnh hưởng của những yếu tố lịch sự, kinh tế–xã hội và văn hóa. Môi trường quan trọng đối với sự phát triển của trẻ VTN đến nỗi khi nghiên cứu “liệu trẻ VTN ngày nay có phải chịu đựng nhiều hơn cách đây một, hai thập niên hay không”, nếu không đề cập những yếu tố liên quan đến chủng tộc, xã hội, kinh tế, lịch sử sẽ không thể có kết quả. Sự phát triển của mỗi cá nhân trẻ VTN đều xảy ra dựa trên nền tảng bối cảnh lịch sử, văn hóa. Bối cảnh này bao gồm gia đình, bạn bè, trường học, nhà thờ, hàng xóm láng giềng, cộng đồng, trường đại học. Mỹ, Trung Quốc, Mexico, Ai Cập, Việt Nam… mỗi quốc gia đều có những di sản văn hóa, xã hội, kinh tế và lịch sử riêng biệt.

Toàn bộ phần Ba của quyển sách này sẽ tập trung nêu bật về môi trường đối với sự phát triển của trẻ VTN, với từng chương riêng về gia đình, bạn bè…

NHỮNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ VTN

Một khuynh hướng nữa khi nghiên cứu sự phát triển của trẻ VTN là tiến hành nghiên cứu những chính sách xã hội. Chính sách xã hội là đường lối hoạt động của chính phủ một nước liên quan đến những phúc lợi xã hội của công dân nước đó. Vì trẻ VTN chiếm hơn 20% dân số; vì tình trạng sử dụng ma túy tràn lan; vì nguy cơ lây nhiễm AIDS nên cần phải có những chính sách xã hội dành riêng cho họ. Theo Marian Wright Edelman, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Trẻ em, thì nhiệm vụ làm cha mẹ và nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp là chức năng quan trọng nhất và cần phải làm nghiêm túc nhất của xã hội. Những chính sách quốc gia về gia đình cần phản ảnh đúng “những giá trị gia đình” mà nền văn hóa đề ra. Cần có hệ thống chăm sóc sức khỏe gia đình; cần thiết lập trường học và những khu dân cư an toàn, những chương trình giáo dục cha mẹ và hỗ trợ gia đình hiệu quả.

Trong thế kỷ 21, sự an lành hạnh phúc của trẻ VTN phải là mối quan tâm hàng đầu. Tương lai của họ là tương lai của xã hội. Không được phát huy hết tiềm năng, trẻ VTN sẽ bị ấn định số mệnh đóng góp cho xã hội ít hơn lẽ ra họ đã đóng góp. Trẻ VTN ngày nay phải đối mặt với những rủi ro cho sức khỏe của họ hơn bao giờ hết. Nghiện ma túy, nghiện rượu, trầm uất, bạo động, mang thai, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, những vấn đề ở trường học… khiến họ khó phát huy hết tiềm năng của mình. Từ đó phát sinh nhu cầu cấp bách phải tạo cơ hội cho trẻ VTN nhằm cân bằng với những rủi ro. Các chuyên gia nhất trí không nên xé lẻ giải quyết từng vấn đề một, mà nên tập trung tuyên truyền và dạy những kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho trẻ VTN, khuyến khích họ tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho bản thân. Bên cạnh những mạng lưới gia đình, bạn đồng trang lứa (bạn ĐTL), tốt nhất những nhà hoạch định chính sách nên tạo cơ hội cải thiện kinh tế cho họ và cho gia đình họ.

Theo Toản Trần


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________