Kẻ bắt nạt trực tuyến có thể "nhởn nhơ" trước pháp luật không?

Hành vi bắt nạt trực tuyến có phải chịu trách nhiệm pháp lý không? Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, đặc biệt là học sinh và phụ huynh. Vì hiện nay bắt nạt trực tuyến đã trở thành một vấn nạn đáng quan tâm của xã hội.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngày càng nhiều các đạo luật và các chính sách pháp luật được xây dựng và hoàn thiện để làm giảm thiểu và ngăn chặn vấn nạn bắt nạt trực tuyến.

Tại Việt Nam, cùng với sự ra đời của Luật An ninh mạng năm 2018, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2019 đã chứng tỏ rằng Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này và có những cách giải quyết đối với vấn nạn trên. Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.


Các cá nhân, tổ chức có các hành vi quy định tại Luật này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật An ninh mạng đã có quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, có quy định chống các thông tin mạng có nội dung làm nhục, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đó là những động thái rất cần thiết để tạo ra một môi trường mạng an toàn hơn cho mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý... tránh được những rủi ro kiểu như bị bắt nạt trên mạng.

Trước đó, Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 cũng quy định rõ "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" (Điều 54). Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định của pháp luật, người xâm phạm quyền riêng tư của người khác, tuỳ vào từng tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả và đối tượng bị xâm phạm mà người vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt khác nhau, cụ thể như sau:

  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Dùng ảnh người khác trên mạng xã hội mà không được cho phép (theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
  • Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng: Khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác (Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
  • Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng: đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân trên môi trường mạng (theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
  • Người có hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác có mức độ nguy hiểm cao thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
  • Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, thì bị phạt từ 03 tháng - 02 năm.
  • Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt từ 03 tháng - 02 năm.
  • Tội vu khống nêu tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù khi vu khống vì động cơ đê hèn hoặc khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc khiến nạn nhân tự sát.

Những cách thức liên lạc khi cần sự giúp đỡ

Nếu bạn cho rằng mình đang bị bắt nạt, bước đầu tiên là tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng như cha mẹ, một thành viên thân thiết trong gia đình hoặc một người lớn đáng tin cậy khác.

Và nếu bạn không thoải mái khi nói chuyện với người quen, hãy tìm kiếm đường dây trợ giúp ở quốc gia tại Việt Nam là tổng đài 111 để nói chuyện với một cố vấn chuyên nghiệp. Đây là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thường trực 24/24, hoàn toàn miễn phí. Khi các bạn cần tư vấn hoặc thấy các nguy cơ, hành vi xâm hại: bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc... trẻ em, hãy gọi 111.

Ngoài ra, khi gặp các tình huống liên quan đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn xã hội, cướp giật, đánh nhau, bạo hành và gặp phải những tình huống nguy hiểm khác, bạn có thể liên hệ với lực lượng cảnh sát thông qua số điện thoại 113.

Bạn cũng có thể gọi đến số 115 - đây là số tổng đài cứu nạn về y tế. Một số trường hợp bạn cần liên hệ tới số này ngay là: bị chấn thương nặng  hay các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Theo Tấn Phát
tamlyhoc.org


Tham khảo

  • Hoàng Linh (2018). Trẻ em được bảo vệ thế nào trên không gian mạng?. Truy xuất từ https://baotintuc.vn/thoi-su/tre-em-duoc-bao-ve-the-nao-tren-khong-gian-mang-20180712223605290.htm
  • Nguyễn Hương (2023). Xâm phạm quyền riêng tư bị xử lý thế nào?. Truy xuất từ https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/xam-pham-quyen-rieng-tu-570-94057-article.html
  • Nguyễn Hương (2023). Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào?. Truy xuất từ https://luatvietnam.vn/hinh-su/boi-nho-danh-du-nhan-pham-nguoi-khac-569-27124-article.html#demuc271243
  • Nguyễn Thúy (2022). Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được quy định thế nào?. Truy xuất từ https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-duoc-quy-dinh-the-nao-1075558.ldo
  • UNICEF Việt Nam (2020). Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng. Truy xuất từ https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-c%E1%BA%A7n-bi%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%83-to%C3%A0n-trong-kh%C3%B4ng-gian-m%E1%BA%A1ng

Theo ##

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________