Giấc ngủ của loài người tiến hoá như thế nào qua 1,8 triệu năm ?

Cách đây khoảng 130.000 năm người tiền sử đã sáng chế ra chiếc giường bằng loài tảo giạt (varech) phơi khô và da thú. Họ ngủ thành từng nhóm để giữ độ ấm cho thân thể, đồng thời để tự vệ trước kẻ thù và những loài thú hoang dã. Trải qua hàng ngàn năm, giấc ngủ dần trở thành một hoạt động của cặp vợ chồng hay người độc thân. Như Pascal Dibie chứng minh trong cuốn "Ethnologie de la chambre à coucher" (khảo cứu dân tộc học về phòng ngủ), chiếc giường vợ chồng xuất hiện ở người La Mã, và phòng ngủ trẻ em phổ biến vào thời trung cổ.

Con người đã từng có khả năng "ngủ đông" trong quá khứ

Người Nhật Bản, vốn sợ bóng tối, tiếp tục ngủ chung cho đến thế kỉ XX. Lúc đó ánh điện đã khiến họ yên tâm ngủ một mình trong nhà. Còn bây giờ? Tại các nước phương Tây, phòng ngủ dành cho các hoạt động khác hơn giấc ngủ và tình yêu: người ta gọi điện thoại, xem TY, bấm nút trên máy vi tính v.v... Có cả tỉ lí do chính đáng để người ta ngủ ít đi so với tổ tiên! 

Tại sao giấc ngủ của con người phát triển trong quá trình tiến hoá trong khi giấc ngủ của loài vật đặt chúng vào tình trạng dễ bị tổn thương do sự tấn công của kẻ thù? Theo lrene Toble ở Viện dược học Đại học Zurich (Thụy Sĩ), giấc ngủ khi thì được coi như một tập tính do bản năng, khi thì được đánh giá như một cách biểu hiện quá trình phục hồi". Nhưng tại sao phải là bản năng này, mà không là những cách ngơi nghỉ khác? Một điều xác thực: giấc ngủ là một quy luật, hầu như phổ biến. Nhưng chỉ có virus và vi khuẩn do quá đỗi "nguyên thuỷ" là thoát khỏi quy luật này và do một nguyên nhân bí ẩn, cá nhám góc (squale) cũng không có giấc ngủ. 

Ngủ là một quy luật

Tuy nhiên, nếu hầu hết mọi loài thú đều ngủ, thì duy chỉ có loài chim và động vật có vú là biết đến giấc ngủ nghịch, tức là giấc ngủ có mơ. Theo Michel Jouvet, giáo sư ở Trường Đại học Lyon 1 (Pháp), một trong các chuyên gia thế giới về giấc ngủ, thì điều đó có thể do con cái của chúng ra đời với một hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh. Giấc ngủ nghịch cho phép chúng hoàn thiện sự phát triển của mình thông qua một sự "tái lập chương trình gen", tức là sự phục hoạt những nối kết não nằm trong các tập tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lí thuyết này của giáo sư Jouvet chưa được kiểm tra; nhưng tầm quan trọng của giấc ngủ nghịch ở em bé (50 đến 70% thời gian được dùng để ngủ, so với 25% ở người lớn) đã xác định vai trò của giấc mơ trong quá trình phát triển của não.


Một giả thuyết đáng quan tâm khác: giấc ngủ hay đúng hơn là sự tự vệ cần thiết trong khi ngủ - là một trong những nguồn gốc của xã hội loài người. "Từ thời đồ đá cũ, cách đây hàng mấy chục ngàn năm, nhu cầu cảnh giác kéo theo sự hình thành các nhóm người", nhà tâm lí học và phân tâm học Catherine Muller giải thích. "Họ phải thay phiên nhau đến tuần phòng. Đó cũng là lí do khiến con người nuôi chó trong nhà".


Tính chất nghiệt ngã của cuộc sống thời tiền sử cũng giải thích được các nhịp điệu giấc ngủ hiện nay của chúng ta. "Vào thời đồ đá mới. Khoảng 4000 năm trước Công nguyên, con người hầu như luôn ngủ vào buổi trưa và giữa đêm", giáo sư Christian Guilleminault ở Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ thuộc Trường Đại học Stanford (Mĩ), xác định. Đúng như thị dân ngày nay! Ngược lại, lúc hoàng hôn và lúc rạng đông, giấc ngủ là một hoạt động có nguy cơ cao, do thú vật hay kẻ thù tấn công.


Dù sao chúng ta cũng ngủ ít hơn tổ tiên của chúng ta. Vào thời Trung cổ, "nửa đêm" có nghĩa là khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng. Ngày nay, theo một nghiên cứu về cách dùng thời gian của người Pháp, do Ghislaine Grimler ở INSEE (Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế) thực hiện, hầu như không ai đi ngủ lúc 10 giờ, gần 10% người Pháp hãy còn thức dậy lúc 4 giờ sáng, nguyên nhân là đời sống thành thị có đầy đủ tiện nghi như điện, TV. Đến 1 giờ sáng còn hơn 1 triệu người Pháp ngồi dán mắt vào TV! Như thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta nghe các bác sĩ thông báo rằng ngày càng có nhiều người mất ngủ, nhất là giới trẻ. Tóm lại, trong tương lai con người sẽ ngủ ít vào ban đêm, nhưng giấc ngủ sẽ diễn ra vào ban ngày!

Theo Toản Trần (ST)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________