Cuộc sống càng phát triển thì stress càng dễ xảy ra đối với bất kỳ ai khi chúng ta luôn đứng trước nguy cơ quá tải trong công việc, học tập cũng như các mối quan hệ xã hội.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Trường Cán bộ TPHCM, thì: “Stress xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống mà chúng ta không thể trốn tránh được. Vấn đề là mỗi cá nhân phải làm gì để giải tỏa stress và không để stress biến thành trở ngại trong cuộc sống”
Báo động về sự quá tải
Nguyễn Văn H. là một sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhưng H. đã phải tìm đến các nhà tư vấn khi một ngày kỹ sư tương lai H. không còn biết cách làm thế nào để tắt màn hình vi tính. Thì ra, H. không làm chủ được bản thân vì bạn đã tự tạo áp lực quá lớn cho mình, muốn khẳng định sự giỏi giang của mình bằng cách chọn đề tài hóc búa, cũng như không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong suốt quá trình thực hiện… H. luôn trong trạng thái lo sợ, thất vọng, căng thẳng, dễ cáu gắt và không thể hoàn thành được đồ án khi hạn nộp bài đến gần.
Những nhân viên mới bắt đầu đi làm cũng dễ rơi vào trạng thái stress khi phải đối mặt với áp lực công việc quá nặng nề. Như trường hợp của Thủy T., thư ký giám đốc của một xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Khu Công nghiệp Linh Trung, Thủ Đức. Tuy nhiên chỉ được vài ngày đảm nhận công việc mới, T. tỏ ra mệt mỏi, chán nản do guồng quay công việc quá sức đối với T. Sáng T. phải đi làm từ 6 giờ, 21 giờ cô mới về đến nhà và tiếp tục mở máy tính làm báo cáo. Không có thời gian thư giãn, vui chơi với bạn bè như trước kia, T. lúc nào cũng lo lắng vì sợ không vừa lòng “sếp”. Càng ngày T. càng khép kín, trầm lặng, không muốn tiếp xúc với ai.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, những dấu hiệu mà H., T. mắc phải là điển hình cho các biểu hiện của stress. “Khi có các biểu hiện đó, bạn cần được san sẻ, giải tỏa, không để nỗi lo vào mình nhiều thêm. Nếu không giải tỏa được, cần phải trị liệu tâm lý để tránh xảy ra những hành vi tiêu cực khó kiểm soát và dự đoán”, thạc sĩ Linh Trang cho biết. Nếu không kịp thời tìm ra lối thoát, stress có thể dẫn tới hành động tiêu cực đó là tự tử và để lại những hậu quả đáng tiếc.
Đừng trốn tránh stress
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Linh Trang, trạng thái căng thẳng đôi khi lại có hiệu ứng tích cực trong hành động, nó giúp con người có động lực để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, một học sinh đi thi, có thể suốt cả tiếng đồng hồ không làm bài được, nhưng 20 phút cuối, bạn lại hoàn thành được bài thi. Như vậy, stress không phải là điều đáng sợ và thay vì trốn tránh stress, chúng ta nên học cách đối phó và sống chung với nó.
Cách xả stress
Tạm dừng công việc, học tập nếu có thể; uống ngụm nước, rửa mặt; soi gương chính mình; giải tỏa cảm xúc trên giấy; im lặng để tìm sự cân bằng; so sánh với chuẩn thấp hơn; tạo động cơ từ việc đơn giản nhất; vui chơi an toàn hoặc tìm sự chia sẻ
Khi bị stress, bạn nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Những thay đổi, phiền toái hay thảm họa nào ảnh hưởng đến bạn? Bạn gặp mâu thuẫn, hụt hẫng hay sang chấn nào không?… Từ đó, bạn có thể nhận ra dấu hiệu cảnh báo để có hướng giải quyết. Điều quan trọng giúp bạn vượt qua stress lúc này là thay đổi nhận thức của bản thân.
Bạn Kim Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM, kể về những biểu hiện khác thường của V. – người bạn học chung. Bình thường V. rất hiền lành, chăm ngoan và học giỏi. Nhưng gần đây, V. đập bể hai cửa kính ở trường, rồi đánh một người bị thương khi người đó không may va xe vào V. Tìm hiểu mới biết, bố mẹ V. vừa ly dị, về nhà, V. thường đóng cửa không chịu giao tiếp với ai, có lần V. than phiền: “Sao chẳng ai quan tâm đến mình?”… Trong trường hợp này, V. có thể vượt qua stress bằng cách thay đổi nhận thức bản thân khi tự đặt câu hỏi: Mình có đòi hỏi nhiều quá không? Mình đã quan tâm đến người khác chưa? Liệu mình có ích kỷ quá không?… Bạn cũng có thể so sánh với những trường hợp tồi tệ hơn để nhận ra: “Chẳng có gì đáng phải thế cả!”. Chính sự thức tỉnh với những ý nghĩ lạc quan, tích cực và thực tế hơn sẽ giúp bạn vượt qua được sự căng thẳng nhất thời.
Trước khó khăn, bạn đừng nên quan trọng hóa vấn đề bằng cách tự hỏi: “Tôi còn đủ không khí để thở không? Tôi còn gì để ăn không?…”. Nếu bạn trả lời “có” thì chứng tỏ những điều quan trọng nhất của đời bạn đã được đáp ứng, không có gì để bạn phải bi quan. Nếu 5 phút trôi qua vẫn thấy tồi tệ, bạn hãy đi rửa bát, check mail…, 5 phút nữa trôi qua không khả quan hơn, bạn hãy gọi một cuộc điện thoại cho ai đó. Nên nhớ, nếu mở lòng mình với người khác, bạn dễ dàng vượt qua trạng thái stress để đón nhận những điều tốt đẹp hơn.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn