Học sinh hỏi 'Phòng tư vấn tâm lý học đường ở đâu ạ ?'

 “Phòng tư vấn tâm lý học đường ở đâu ạ?”. Câu hỏi của mấy cô cậu học sinh (HS) lớp 8 khiến tôi ngỡ ngàng đôi chút vì ngay sau đó tôi nhận ra rằng những căn phòng gắn bảng “Tư vấn tâm lý học đường” thường cửa đóng im ỉm.

“Phòng tư vấn tâm lý học đường ở đâu ạ?”. Câu hỏi của mấy cô cậu học sinh (HS) lớp 8 khiến tôi ngỡ ngàng đôi chút vì ngay sau đó tôi nhận ra rằng những căn phòng gắn bảng “Tư vấn tâm lý học đường” thường cửa đóng im ỉm.

Phòng Tâm lý học đường tại THCS Hai Bà Trưng Quận 3 - Tp. HCM

Tích hợp giáo dục, uốn nắn các em tránh xa bạo lực học đường, tôi yêu cầu các em bàn luận về vấn nạn bắt nạt, đánh đấm trong HS bùng lên trong thời gian gần đây và đề xuất giải pháp tích cực. Sau một hồi thảo luận sôi nổi, một HS đề cập đến phòng tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp các em giải tỏa những vướng mắc trong học tập, cuộc sống cũng như định hướng việc cần làm, điều nên làm.

Thế rồi HS nhao nhao hỏi nhau về phòng tư vấn tâm lý học đường “ở đâu”, “trường mình có không”, “sao tớ không biết”…

Căn phòng ấy vốn vẫn đang hiện diện ở nhiều trường phổ thông với những giáo viên thiếu tiết kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn tâm lý HS.

Học sinh luôn có nhu cầu tư vấn tâm lý học đường

Tôi được biết ở các thành phố lớn, sự đầu tư ít nhiều cho hoạt động của phòng tư vấn tâm lý đã tạo ra hiệu ứng tích cực khi HS tìm được địa chỉ tin cậy để chia sẻ, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng. Nhưng hầu hết ở nhiều trường học hiện nay, tổ tư vấn tâm lý học đường được thành lập theo Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT vẫn còn mang tính hình thức, đối phó hoặc là hoạt động cầm chừng.

Những vướng mắc về cơ chế khiến giáo viên tâm lý không được tuyển dụng, đa phần những người đứng tên trong tổ tư vấn tâm lý học đường vẫn là giáo viên thiếu tiết, không có chuyên môn tâm lý và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý theo kinh nghiệm.

Trong khi đó, bối cảnh của cuộc sống hiện đại đang dồn dập quá nhiều áp lực bủa vây bọn trẻ. Những trục trặc trong gia đình do khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái; áp lực học hành, thi cử và thành tích; những khủng hoảng tâm sinh lý lứa tuổi mới lớn; vướng mắc trong tình bạn, tình yêu, giới tính; ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội theo hướng tích cực lẫn tiêu cực… Tất cả những điều này đều đang tác động và để lại vô vàn những dấu vết trong tâm hồn, ứng xử và hành động của trẻ.

Những vụ bạo lực học đường bùng phát ngày càng dữ dội dóng lên hồi chuông cảnh báo inh ỏi. Nhiều cái chết trẻ, rất trẻ rơi vào lứa tuổi HS gia tăng thời gian gần đây khiến dư luận nghi ngại vô cùng trước căn bệnh trầm cảm đang âm thầm gặm nhấm sức sống và ý chí của HS.

Giữa lúc HS đang chơi vơi, hốt hoảng với áp lực bủa vây như thế, phòng tư vấn tâm lý học đường với giáo viên giàu chuyên môn, giàu tâm huyết sẽ là chỗ dựa tin cậy giúp trẻ gỡ rối và tìm lối thoát cho những khủng hoảng đầu đời!

Chỉ tiếc là công tác tư vấn tâm lý học đường lại đang có những khoảng trống khó lấp đầy. Thế rồi bọn trẻ ngơ ngác hỏi “Phòng tư vấn tâm lý học đường ở đâu ạ?”.

Trang Hiếu

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________