Hội Tâm lý học Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà Tâm lý học Việt Nam. Được thành lập vào tháng 5/2013 với tên gọi ban đầu là Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam. Đến tháng 11/2019 Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam được đổi tên thành Hội Tâm lý học Việt Nam.
Ngày 19 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1015/QĐ-BNV cho phép đổi tên hội Tâm lý học xã hội Việt Nam thành Hội Tâm lý học Việt Nam và phê duyệt Điều lệ Hội Tâm lý học Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện đặc biệt có tính lịch sử đối với Tâm lý học Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ hành thành và phát triển, Tâm lý học ở Việt Nam đã có một Hội nghề nghiệp đầy đủ. Những người nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng Tâm lý học ở Việt Nam đã một không gian đủ cho các phân ngành Tâm lý học hoạt động và phát triển. Với sự kiện này, Tâm lý học Việt Nam đã đầy đủ tư cách, điều kiện để tham gia các tổ chức và hội nhập với Tâm lý học thế giới.
Việc đổi tên hội Tâm lý học xã hội Việt Nam thành hội Tâm lý học Việt Nam cũng là điều kiện tốt để những người nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng Tâm lý học ở Việt Nam hoạt động nghề theo qui chuẩn đạo đức – Một vấn đề mà từ trước đến nay ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Khi những người làm Tâm lý học ở Việt Nam hoạt động theo các qui chuẩn đạo đức nghề thì hoạt động nghề Tâm lý học sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, đảm bảo tính khoa học và nhân văn hơn, tạo điều kiện để chúng ta tiếp cận tốt hơn với Tâm lý học thế giới.
Việc đổi tên hội Tâm lý học xã hội Việt Nam thành Hội Tâm lý học Việt Nam sẽ góp phần để Hội Tâm lý học Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn với Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, với Hội Tâm lý học lâm sàng trong các hoạt động nghề nghiệp. Hội Tâm lý học Việt Nam luôn trân trọng và học tập kinh nghiệm xây dựng hội của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Trong thời gian tới, Hội Tâm lý học Việt Nam sẽ cùng với Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, với Hội Tâm lý học lâm sàng tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế, sẽ cũng giải quyết những vấn đề tâm lý của xã hội đặt ra, cùng nhau xây dựng một nền Tâm lý học Việt Nam – Một nền tâm lý phản ánh tâm lý của con người và xã hội Việt Nam, phản ánh những khía cạnh tâm lý của thực tiễn cuộc sống của một đất nước đang biến đổi trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tư tưởng chỉ đạo và khẩu hiệu hành động của Hội Tâm lý học Việt Nam là “Liên kết, Hợp tác và Phát triển”. Với tinh thần này chúng tôi mong muốn Hội Tâm lý học Việt Nam và Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Hội Tâm lý học lâm sàng sẽ phối hợp với nhau tốt hơn vì mục tiêu phát triển Tâm lý học Việt Nam.
Tôn chỉ hoạt động của hội
(1) Phát triển nền tâm lý học ở Việt Nam.
(2) Đưa ngành Tâm lý học Việt Nam hòa nhập với nền tâm lý học khu vực, quốc tế.
(3) Tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động chuyên môn
Hiện đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ngành Tâm lý học và Quản lý giáo dục, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn về tâm lý học và quản lý giáo dục.
Đến năm 2022, Hội Tâm lý học Việt Nam đã thực hiện được trên dưới 50 hội thảo trong nước và quốc tế về Tâm lý học. Phối hợp với các Viện, Học viện, Trường Đại học trong và ngoài nước thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các nhà tâm lý học, cấp chứng chỉ nghề nghiệp. Cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho các trường, bệnh viện và xã hội...
Quy mô hoạt động
Có 7 Giáo sư, hơn 100 Phó Giáo sư, hơn 300 Tiến sĩ và hơn 500 Thạc sĩ.
Tạp chí Tâm lý học Việt Nam
Tạp chí là diễn đàn khoa học của các nhà tâm lý học Việt Nam đã và đang thực hiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống ở các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, cá cơ sở ứng dung tâm lý học tại Việt nam. Tạp chí Tâm lý họcViệt Nam giới thiệu những kết quả nghiên cứu lý luận và nghiên cứu ứng dụng của các nhà tâm lý học trong và ngoài nước. Phổ biến các tri thức tâm lý học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm tích cực hóa hoạt động của con người phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong 10 năm hoạt động, Tạp chí Tâm lý học Việt Nam luôn thực hiện tốt Luật Báo chí; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí; thực hiện đúng quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tạp chí được xuất bản theo đúng định kỳ, nộp lưu chiểu theo quy định. Cán bộ làm công tác tạp chí được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp.
Tạp chí đã đạt được nhiều thành tựu trong việc công bố những kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng. Chất lượng chuyên môn của các bài viết được đăng trên Tạp chí ngày càng được nâng cao do tạp chí yêu cầu cao hơn đối với bài viết, đồng thời phản biện, biên tập viên luôn làm việc tận tình, góp ý chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả chỉnh sửa. Các bài viết đăng trên Tạp chí được thực hiện theo quy chuẩn của bái tạp chí quốc tế về bố cực và yêu cầu chất lượng. Hàng năm tạp chí có 1 số tiếng Anh (thường vào tháng 12 của năm).
Tạp chí được các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ngành tâm lý học đánh giá cao về chất lượng khoa học, tính nghiêm túc trong biên tập và phản biện; cho đó là tài liệu tham khảo bổ ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và tích lũy tri thức. Tạp chí Tâm lý học thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của Viện Tâm lý học, là diễn đàn khoa học của ngành Tâm lý học và của bạn đọc quan tâm đến khoa học tâm lý.
Tạp chí Tâm lý học Việt Nam được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước ngành Tâm lý học tính điểm tối đa là 1 điểm và là một trong số ít những tạp chí được Quỹ Khoa học và Công nghệ công nhận các bài công bố của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ ngành Tâm lý để đủ điều kiện thành lập Hội đồng nghiệm thu.
Mô hình hoạt động, cách thức xuất bản, phát hành
- Tên gọi: Tạp chí Tâm lý học Việt Nam
- Ngôn ngữ thể hiện: Tiếng Việt và tiếng Anh (1 số)
- Kỳ hạn xuất bản: 01 tháng/kỳ;
- Khuôn khổ: 19 x 27 cm;
- Số trang: 180 trang;
- Số lượng: 1.500 bản/kỳ.
Nguồn: Facebook Hội Tâm lý học Việt Nam - VAP
và tapchitamlyhocvietnam.com