Giận dữ là một cảm xúc rất bình thường, lành mạnh mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng mình để cơn giận chi phối bản thân rồi trút những bực dọc đó lên mọi người xung quanh thì nó không còn lành mạnh nữa. Để không vô tình biến mình thành "quả boom nổ chậm", chúng ta nên làm gì khi “cơn giận bùng nổ”?
Tại sao chúng mình cần quản lý cơn giận?
Tránh những tổn thương thể chất
Khi tức giận, chúng mình có một số phản ứng thể chất như: máu dồn lên đầu, mắt mở to ra, cơ thể nóng lên và hơi thở trở nên gấp gáp. Những phản ứng này thể hiện rằng trước khi tâm trí chúng mình kịp suy nghĩ sẽ phải làm gì thì cơ thể đã tự ý chuẩn bị “chiến đấu” với đối phương.
Vì thế, nếu như phó mặc cho cảm xúc, chúng mình sẽ có xu hướng “nâng âm lượng” lên, cự cãi, đáp trả hay tệ hơn là lao vào một cuộc ẩu đả.
Tránh làm tổn thương mối quan hệ
“Bạn bè gì mà đối xử với nhau như thế chứ?” Khi cãi vã, bạo lực xảy ra, chúng không những để lại tổn thương về thể chất mà còn để lại những “vết sẹo” trong mối quan hệ bạn bè. Trong cơn bực dọc đó, ai cũng cảm thấy mình mới là người có lý. Chúng mình sẽ không hiểu được tâm trạng của nhau và có nguy cơ “say bye” luôn mối quan hệ bạn bè.