Jack trong tiểu thuyết “Room - Căn phòng khoá” - Phân tích, đánh giá sự hình thành và phát triển nền móng nhân cách

Không chỉ qua sự việc MV “There's no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng bị gỡ khỏi Youtube vào những ngày cuối tháng 4, mà trong khoảng thời gian chưa tới một năm gần đây những sự vụ liên quan đến trẻ em xảy ra ở nước ta cũng cho chúng ta thấy được rằng vấn đề áp lực học tập, căng thẳng trong cuộc sống và các khó khăn tâm lý khác ở trẻ em rất cần được quan tâm. Trẻ em không chỉ là là nhóm đối tương yếu thế cần quan tâm bình thường mà còn là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ và nâng đỡ, chăm sóc tinh thần đặc biệt trong xã hội. Các nghiên cứu về tâm lý trẻ em, nâng đỡ và hỗ trợ tâm lý trẻ em, phát triển các phẩm chất, các nét nhân cách trẻ em lành mạnh,... có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, đề xuất và tư vấn giải pháp chiến lược phát triển thanh thiếu niên ở Việt Nam trước khi các vấn đề trở nên trầm trọng.

Cách đây một thời gian ngắn tôi có dịp đọc một quyển tiểu thuyết tựa là “Room – Căn phòng khoá” của tác giả Emma Donoghue – Một tác gia nỗi tiếng người Canada – Kể về một đứa trẻ cùng mẹ sống trong một căn phòng bị khoá kín và kết hoạch đàu tẩu của họ. Cuốn tiểu thuyết được trình làng năm 2010 và đã lọt vào vòng chung kết của giải Man Booker, đồng thời là quyển sách bán chạy nhất quốc tế. Quyển tiểu thuyết dày 500 trang này đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ, và bản tôi đọc là Tiếng Việt (bản dịch của Lê Quang Toàn). Emma Donoghue đã đưa tôi vào một hành trình hấp dẫn, li kì và hồi hộp đến nghẹt thở. Toàn bộ tiểu thuyết được miêu tả tinh tế bằng ngôn ngữ của trẻ thơ, dưới góc nhìn của trẻ giúp tôi hiểu hơn, cảm phục hơn những tố chất tốt đẹp, hồn nhiên của những đứa trẻ.

Ảnh: Bìa tiểu thuyết Room – Căn phòng khoá

1. Jack là ai?

Jack là tên của một cậu bé – người dẫn chuyện – Cậu bé 5 tuổi được sinh ra và lớn lên trong một căn phòng bị khóa kín cùng với mẹ. Những trang sách đầu tiên cho thấy Jack nhỏ bé, tinh nghịch nhưng rất thông minh. Ở trong căn phòng không lối thoát, Jack vẫn luôn nhận được sự bảo vệ an toàn của người mẹ, một người phải đối mặt với bạo hành, cưỡng hiếp, tra tấn tinh thần,... từng ngày.

Trong mắt của Jack cả thế giới của cậu là ở trong căn phòng – giới hạn – bên ngoài ô cửa sổ nhỏ trên trần nhà là người ngoài hành tinh. Tất cả hoạt động xung quanh trong không gian kín – căn phòng, nhưng không thiếu đi các hoạt động của người bình thường như tập thể dục và giải trí.  Đêm là một “con quái vật” đến – kẻ bạo hành - lão Jack già, Jack phải trốn trong tủ quần áo.

Jack chỉ nghe mô tả thế giới ngoài kia qua những câu chuyện cổ tích của mẹ, và đó là thế giới ảo đối với cậu. Và sau đó là những ngày thiếu lương thực, thiếu điện, nước,... Sự khốn khổ đối với Jack chỉ là những điều rất thường nhật và nhỏ nhoi, vì cơ bản ở trong nhận thức của Jack không có khái niệm “khốn khổ”.


Ảnh: Căn phòng - Thế giới của Jack

Tiểu thuyết đặt nhân vật chính Jack vào một hoàn cảnh đầy thử thách, khi phải chọn giữa việc ở lại căn phòng mà cậu đã coi là cả thế giới và việc thoát ra bên ngoài để sống cuộc sống thực sự mà cậu chưa từng biết – chỉ mới nghe lời kể của mẹ  –  những lời kể đã thay đổi ngoạn mục của mẹ so với trước. Đó là khi người mẹ lo rằng hai mẹ con có thể bị giết, bị chết đói do tên Jack già đang thất nghiệp, người mẹ quyết tâm thoát ra ngoài. Khi kế hoạch tẩu thoát đã hoàn thành, Jack lại phải đối mặt với những thử thách hoàn toàn mới – thử thách gia nhập vào xã hội.

Như vậy có thể nói, Jack là một đứa trẻ với sự hình thành và phát triển về các đặc điểm tâm lý từ nhận thức, giao tiếp, trí tuệ, tình cảm đều không giống những đứa trẻ sống ngoài xã hội. Tuy nhiên, đó không được xem xét như một trường hợp rối nhiễu nhân cách hay một nhân cách lệch lạc, mà chính sự thiếu vắng của môi trường xã hội tạo nên một nhân cách đặc biệt. Khi trở về với xã hội vốn có, nhưng thực ra là gia nhập vào một xã hội mới, đứa trẻ thích ứng nhanh và dễ dàng biến đổi các đặc điểm tâm lý đã có để hình thành các nét nhân cách mới.

Jack dưới quan điểm về nhân cách theo Albert Bandura

Môi trường xã hội đã quy định hành vi và nhân cách của Jack

Môi trường sống của nhân vật Jack chính là căn phòng. “Xã hội” của cậu là một thế giới chỉ có “đồ vật có thật” và “đồ vật trong truyền hình”.
Mọi hành động và việc làm của Jack đều học tập từ mẹ. Từ việc tắm rửa, đánh răng, tập thể dục, nấu ăn,... Jack đều hoàn thành rất tốt khi thấy mẹ làm mẫu và thực hiện theo.

Hành vi của Jack với môi trường

Một cậu bé 5 tuổi vẫn, không thể ra ngoài trời để chơi với tuyết, một danh sách đầy ắp những thứ phải xin – mà chỉ có thể xin vào ngày Chủ nhật, và một kẻ bí hiểm chỉ đến vào ban đêm,... là môi trường xã hội của Jack và hành vi của Jack cũng chỉ tác động đến môi trường đó, còn môi trường ngoài kia – phía sau cái ô kính trên trần nhà là “không có thật”.
Một người bình thường có thể nhận ra những điểm bất ổn khi chúng ta so những giới hạn cơ bản mà cuộc sống của họ cũng không có. Nhưng Jack chưa từng biết một cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống trong căn phòng. Căn phòng là đủ với cậu, quen thuộc và dễ chịu. Jack thậm chí còn không đồng ý trước đề nghị kê lại đồ đạc trong phòng của mẹ cậu, cậu không muốn có bất kỳ thay đổi nào.

Đời sống tâm lý cá nhân của Jack

- Động cơ của cậu bé 5 tuổi chỉ sống trong một căn phòng là niềm vui mỗi ngày với mẹ, là hứng thú từ sự tương tác với những đồ vật trong phòng và những thói quen tốt cho sức khoẻ cùng với mẹ.
- Tự kiểm soát ở một đứa bé như thế là rất khó, tuy nhiên Jack đã làm được vào những đêm có sự xuất hiện của Jack già. Jack trốn trong tủ, nằm yên và kiểm soát hành vi không hề phát ra tiếng động nào, dù bất kể hoàn cảnh nào.
- Hệ thống cái tôi của Jack là một cái gì đó rất mơ hồ, có những tình huống không nằm trong kinh nghiệm của cậu, nên cậu hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện của mẹ. Jack cũng tự biết mình mới 5 tuổi, nên khi cùng mẹ thực hiện kế hoạch tẩu thoát Jack từ chối “Con không thể giải cứu được, con chỉ mới năm tuổi thôi”. Đối với người bình thường, việc lựa chọn một hành động theo một sự thật không hề chắc chắn, thì không hề dễ chịu và cũng không phải một việc đơn giản. Nhưng với sự động viên từ mẹ, Jack cũng dễ dàng vượt qua những rào cản tâm lý này.

Quá trình học tập thông qua quan sát của Jack

Quá trình học tập thông qua quan sát của Jack được thể hiện rõ nhất khi hai mẹ con quyết tâm lên kế hoạch và tập luyện cho việc tẩu thoát:
- Mẹ thực hiện mẫu tư thế nằm, nít thở, bất động và Jack nhanh chóng học theo, tuy nhiên từ những lần đầu từ chối phối hợp, Jack đã thực hiện được và thành công.
- Lúc nằm trong tủ quần áo, Jack còn tự tưởng tượng và ôn lại những hành động mà hai mẹ con đã tập luyện lúc sáng.
- Mặc dù bán tính, bán nghi với lời của mẹ. Tuy nhiên, sau những phút bất ngờ trước thế giới mà cậu xem là ảo khi thực hiện kế hoạch giả chết và được lão Jack già mang ra ngoài phòng, Jack vẫn thực hiện theo những lời chỉ dẫn của mẹ: Ghi nhớ những lần lăn người qua trái, lăn người qua phải, trời tối và sáng lên,...
- Khi tham gia vào xã hội bình thường, Jack cũng rất nhanh trong việc bắt chước và hoạt động vui chơi theo những đứa trẻ khác, trong khi mẹ của Jack thì không nhanh như thế.

Tóm lại, dưới góc nhìn của Albert Bandura nhân cách được cấu thành từ 03 yếu tố: Môi trường, hành vi và đời sống tâm lý cá nhân. Đối với Jack cả 03 yếu tố này đều không giống với bất kỳ đứa trẻ bình thường nào, vì chính môi trường của căn phòng không như môi trường xã hội mà chúng ta biết, nên hành vi và đời sống tâm lý cá nhân của Jack có những điểm đặc biệt đã nêu.


Ảnh: Người mẹ trước quyết định cho con rời khỏi căn phòng


Phân tích theo quan điểm của Aleksei Nikolaevich Leontiev

Nhân cách của Jack theo quan điểm của A. N. Leontiev

A.N.Leontiev coi nhân cách như một cấu tạo tâm lý mới, được hình thành trong các quan hệ sống của cá nhân, do kết quả hoạt động cải tạo của người đó (Sinh, 2008). Do đó, với những gì tiểu thuyết mô tả về Jack, không thể xem Jack là một nhân cách hoàn chỉnh. Mà ở Jack chỉ mới hình thành được “nền móng nhân cách” – chiều hướng của sự phát triển nhân cách sau này.

Sự hình thành nền móng nhân cách của Jack

- Về cơ sở sinh lý: Jack được sinh ra bởi một người mẹ 19 tuổi bị bắt cóc và hãm hiếp. Qua lời tác giả mô tả Jack là một đứa trẻ hiếu động, thông minh, thực hiện được nhiều hoạt động phụ giúp mẹ chứng tỏ Jack có các hoạt động thể chất bình thường.
- Về môi trường sống: Thế giới duy nhất và tác động duy nhất trong suốt 5 năm đầu đời của Jack chính là căn phòng. Nên các điều kiện vật chất có ở căn phòng quyết định đến hình thức và nội dung các hoạt động thể chất và tâm lý của Jack.
- Về mối quan hệ: Jack có mối quan hệ người – người duy nhất đối với mẹ của mình, tuy trong truyện có nhân vật Jack già nhưng vì mỗi lần có sự xuất hiện của nhân vật này, Jack đều phải trốn trong tủ quần áo nên lần duy nhất tiếp xúc của họ là khi Jack tẩu thoát thành công.

Các đặc điểm phát triển nền móng nhân cách của Jack

Đặc điểm tâm lý trong hoạt động của Jack
- Hoạt động chủ đạo của trẻ em bình thường ở độ tuổi của Jack là vui chơi mà trò chơi đóng vai theo chủ đề là hoạt động trung tâm (Tuyết,1998). Ở Jack, biểu hiện của hoạt động chủ đạo rất rõ nét khi trẻ sắm vai những gì nhìn thấy trên truyền hình và sắm vai lại những tình huống giao tiếp. Tuy nhiên, đối tượng sắm vai của Jack không phải là người mà là những đồ vật có thật trong phòng, được Jack nhân hoá. Vì vậy, các hoạt động trong trò chơi sắm vai theo chủ đề của Jack cũng hạn chế dựa trên những gì trong nhận thức mà Jack quan sát được.
- Động cơ và mục đích trong hoạt động hằng ngày của Jack là được vui đùa cùng mẹ, tham gia các hoạt động với đồ vật và sinh hoạt với mẹ trong căn phòng.
- Thao tác hành động của Jack được học tập từ việc quan sát, hướng dẫn của mẹ và dần thuần thục qua nhiều lần tập luyện dưới sự chỉ dẫn của mẹ.

Đặc điểm phát triển về trí tuệ của Jack
- Nhận thức: Nhận thức của Jack có được ngoài hoạt động với mẹ và những thứ trong phòng thì là qua chiếc truyền hình nhỏ bé. Chủ yếu là thông qua tư duy hình ảnh trực quan từ những gì mà Jack quan sát thấy, tuy nhiên cũng thấy có sự xuất hiện của tư duy trừu tượng khi Jack phân biệt được những thứ không tồn tại trong căn phòng mà Jack chỉ được thấy qua truyền hình thì với cậu chúng không thể là thật. Ví dụ: Thỏ là ảo chỉ có trong tuyền hình, nhưng cà rốt là có thật. Jack có khả năng ghi nhớ hành động tốt khi rất nhiều lần chỉ cần quan sát hành động của mẹ là có thể thực hiện ngay được.
- Tưởng tượng: Jack có trí tưởng tượng khá phong phú khi xem xét thế giới tĩnh trong căn phòng trở thành thế giới động trong tâm trí. Căn phòng chỉ 10 mét vuông nhưng là cả một thế giới phong phú với những đồ vật quen thuộc mà Jack coi như bạn mình: Chị Tủ áo, chị Giường, anh Cửa, bà Bàn ăn, cô Bếp lò, chị Thảm,… Cậu bé biết rất rõ đâu là vật sống (cô Cây, chị Nhện, bé Chuột nhắt), đâu là người (Jack và Mẹ), và “những người ở trong truyền hình thì chỉ là màu sắc”. 
- Ngôn ngữ: Tiểu thuyết không cho thấy các khiếm khuyết về khả năng ngôn ngữ của nhân vật Jack, tuy nhiên qua những câu thoại với mẹ, có thể nhận định Jack có khả năng ngôn ngữ phát triển bình thường.

Đặc điểm phát triển về tình cảm
- Lứa tuổi của Jack cần rất nhiều tình thương từ người lớn. Tiểu thuyết cho ta thấy Jack nhận được một sự yêu thương dào dạt, che chở từ mẹ, tình mẫu tử đó giúp cho Jack có những điều kiện phát triển tâm lý ổn định.
- Tình yêu với thế giới khách quan ở Jack vừa thể hiện kết quả của sự hiểu biết giới hạn về thế giới nhưng cũng vừa thể hiện tình cảm thẩm mỹ, tình cảm đạo đức trong những hành động của trẻ với đồ vật thật trong phòng.

Có thể thấy, dưới góc nhìn Tâm lý học hoạt động Jack hoàn toàn có khả năng thích nghi cao và phát triển nhân cách bình thường với sự mềm dẻo trong sự thích nghi vốn có của trẻ em. Ở cuối truyện, khi đã trốn thoát khỏi phòng. Chuyện thích nghi với Jack có vẻ dễ dàng hơn mẹ của cậu, cậu bé dần tiếp nhận thế giới có nhiều mối quan hệ hơn là chỉ với mẹ, làm quen với con người, đồ vật, cảnh vật xung quanh, làm quen với thế giới bên ngoài căn phòng. 

Bài học về tính quyết định của yếu tố môi trường (theo Albert Bandura)

- Khi thực hiện bất cứ điều gì, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động học tập cần chú trọng hơn đến yếu tố môi trường: Các yếu tố động và các yếu tố tĩnh. 
- Chấp nhận rằng việc học tập là quan trọng, cần coi trọng việc ôn luyện trong các môi trường học tập phù hợp, chắt lọc kinh nghiệm, sáng tạo ra các hoạt động mới, giải pháp mới bằng cách tổ chức lại hành vi thông qua học tập quan sát.
- Tích cực học tập các kỹ năng, hoạt động hằng ngày thông qua quan sát và bắt chước những đồng nghiệp có chuyên môn làm việc hiệu quả. Không nhất thiết đòi hỏi phải có người huấn luyện trực tiếp hoặc học tập bài bản trên trường lớp. 
- Nên có một chế độ tự thưởng nếu như bản thân thực hiện nghiêm túc và đạt được phần nào đó kế hoạch mình đã đề ra. Đồng thời tự kỹ luật bản thân thực hiện đúng các công việc về tiến độ, năng suất và hiệu quả.

Bài học khi tiếp cận và nghiên cứu các vấn đề về trẻ em (theo A. N. Leontiev)

Khi xây dựng các công cụ nghiên cứu nhân cách: Cần thiết kế hoạt động quan sát qua hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Ghi rõ quan điểm phương pháp luận: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ xét về mọi góc độ, bởi trẻ em là một cơ thể đang lớn, đang trưởng thành (Tuyết,1998). Trẻ em luôn có một thế giới của chúng, thế giới nội tâm và thế giới khách quan dưới sự nhận thức của trẻ.
Khi thành lập khái niệm “nhân cách” ở trẻ là chưa phù hợp bởi các em chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực nên cần phải có người bảo hộ và chăm sóc đặc biệt, các em cần phải được dạy học và giáo dục để trưởng thành (Tiên & Tứ, 2012). Những đặc điểm tâm lý của trẻ hiện tại đang được làm giàu thêm là “nền móng” của nhân cách trong tương lai của trẻ, nó quyết định đến sự hình thành một nhân cách lành mạnh hay lệch lạc, một nhân cách ổn định hay đầy rối nhiễu. 
Trẻ có thể có những nét cá tính, hành động, suy nghĩ và giao tiếp hiện tại chưa phù hợp, không có nghĩa là trẻ có nhân cách đang rối nhiễu hoặc lệch lạc và ngược lại.

Bài học về sự chấp nhận nghịch cảnh và đối mặt với tình huống trong cuộc sống

Qua nhân vật Jack, với cái nhìn chấp nhận cả thế giới là căn phòng mọi vấn đề khó khăn, thiếu thốn, khổ sở đều không hề tồn tại. Bản thân nhận thấy, những nghịch cảnh xảy ra gây đau khổ là do chúng ta có sự so sánh đối chiếu về các hoàn cảnh sướng – khổ, giàu – nghèo, đẹp – xấu, sang – hèn,... còn khi bỏ qua các hình ảnh so sánh thì sẽ không còn nghịch cảnh nữa. Bản thân sẽ không so sánh mình với những người có điều kiện hơn về kinh tế, tài chính, mối quan hệ hoặc địa vị mà hạ thấp bản thân hoặc đau khổ vì sự thua kém.
Với các tình huống mới trong cuộc sống, trước hết cần chấp nhận sự tồn tại của khó khăn, không chối bỏ khó khăn mà bình tĩnh tìm giải pháp để thích ứng với nó.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Thúy Ngọc. “Quan điểm của A.N. Leontiev về nhân cách và sự hình thành và phát triển nhân cách”. Tạp chí Giáo dục và Xã hội. Tháng 1/2021
Đào Thị Oanh (2007). Vấn đề Nhân cách trong Tâm lý học ngày nay. NXB Giáo dục.
Nguyễn Thơ Sinh (2008). Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách. NXB Lao động.
ThS. Lý Minh Tiên - TS. Nguyễn Thị Tứ (2012). Giáo trình Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm. NXB ĐHSP Tp. HCM.
Nguyễn Ánh Tuyết (1998).Tâm lý học trẻ em. NXB Giáo Dục
Bandura A. Exercise of personal agency through the self-efficacy mechanisms. In R. Schwarzer (Ed.), Self-efficacy: Thought control of action. Washington, DC: Hemisphere: Taylor & Francis; 1992







Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________