Những lớp học thêm kéo dài từ sáng đến tối, những kì thi, bài kiểm tra dồn dập cuối kì, những biến động tâm lý tuổi mới lớn,... khiến tụi mình có lúc thấy kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể chất. Cũng từ đây, stress học đường bắt đầu xuất hiện. Vậy Stress học đường là gì? Làm thế nào để nhận ra tụi mình có đang bị những cơn Stress học đường “bao vây”? Cùng Psygital tìm hiểu nhé!!
Stress học đường là gì?
Stress học đường là phản ứng của cơ thể học sinh, trước áp lực quá tải tác động vào bản thân. Đó có thể là áp lực học tập, áp lực từ kỳ vọng gia đình, từ bạn bè và những người thân yêu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự sa sút trong học tập và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần của các bạn học sinh.
7 Dấu hiệu thường gặp của Stress học đường?
Dưới đây là 7 biểu hiện của Stress học đường mà tụi mình cần lưu ý
Bất ổn về thể chất
Những cơn đau bụng, đau đầu, khó ngủ,... thường xuyên xuất hiện không rõ nguyên nhân.
Cảm thấy buồn chán không rõ lý do
Suy nghĩ nhiều, buồn phiền không rõ lý do, tức giận, không làm chủ được cảm xúc,... dù đôi khi chỉ những chuyện rất bình thường.
Mất hứng thú với những sở thích/ sinh hoạt thường ngày
Không còn hứng thú đối với những hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh, thậm chí đó là những việc đã từng rất yêu thích.
Thích ở một mình
Ít tiếp xúc với bạn bè, thích ở trong phòng một mình, tách mình khỏi bạn bè người thân và xã hội.
Học tập sa sút
Kết quả học tập có chiều hướng đi xuống, chán học, không thích làm bài.
Có các hành vi chống đối
Xuất hiện các hành vi chống đối như nói dối, trộm cắp, từ chối học bài, tỏ ra bất cần,...
Có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống
Xuất hiện những suy nghĩ như "mình kém cỏi tệ hại", "gia đình không yêu thương mình" hay suy nghĩ về cái chết.
Tác giả: Giang Thiên Vũ
NCS Tâm lý học