Thích ứng với hoạt động học tập trực tuyến

 Bắt đầu từ những ngày cuối năm 2019, trong khi thế giới đang chưa vui mừng đón chào năm mới thì phải đón nhận một thảm kịch với quy mô toàn nhân loại – đại dịch Covid-19( ). Sau gần 2 năm, đến nay dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 220 triệu ca nhiễm và gần 4,5 triệu người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 195 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và 105.454 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Đối mặt trực diện với những khó khăn trong bối cảnh “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. (Nguyễn Phú Trọng, 2020)

Từ những tháng đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiếp cận rồi quen dần với hình thức học tập, sinh hoạt mới trong tình hình mới – Trực tuyến. 

Ngày 12/3/2020, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. (Bộ GDĐT, 2020) Theo đó, nhiều địa phương trên cả nước tiêu biểu là Tp.HCM đã thực hiện thay đổi hình thức dạy học từ dạy học trực tiếp trên internet sang dạy học trực tuyến thông qua các nền tảng internet. Sở GDĐT Tp.HCM cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mới, vừa đảm bảo theo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, vừa đảm bảo chất lượng khi các điều kiện tổ chức dạy học qua internet có giới hạn. Sở GDĐT thành phố cũng  khẳng định việc giáo dục trực tuyến nhằm mục tiêu hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại các trường trung học, giúp các đơn vị linh động trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của đơn vị. Việc tổ chức dạy học trực tuyến là phương án thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không thể đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin và internet trong dạy và học, phát triển năng lực hướng dẫn tự học, tự đào tạo của giáo viên và khả năng tự học của học sinh (Sở GDĐT, 2021). 

Sau đó hơn 01 năm, tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài làm cho học sinh, sinh viên vẫn chưa trở lại trường học. Ngày 10/9/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công điện số 905/CĐ-BGDĐT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19. Công điện nêu rõ: Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có ngành Giáo dục, hàng triệu học sinh, giáo viên đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới 2021-2022. Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ GDĐT.

Như vậy có thể thấy sau gần 02 năm dịch bệnh kéo dài, rất nhiều vấn đề về việc lựa chọn phương án học tập tối ưu được đưa ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại, học tập online vẫn là một phương án được áp dụng rộng rãi hầu hết các địa phương trên cả nước.

Mặc dù đây không phải là lần đầu các trường đại học trên địa bàn Tp. HCM nói chung và trường Đại học Sư phạm Tp. HCM nói riêng thực hiện chuyển đổi hình thức dạy học, sinh hoạt cộng đồng từ trực tiếp sang trực tuyến. Nhưng sau gần 01 năm triển khai, từ khi được hướng dẫn, làm quen đến triển khai, hình thức này cũng bộc lộ nhiều khó khăn và thử thách đòi hỏi các lực lượng giáo dục từ cán bộ quản lý nhà trường đến giảng viên và các tổ chức Đoàn thể phải rèn luyện và tích cực thay đổi để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ mới được đặt ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Nắm bắt trước những diễn biến còn lâu dài của dịch bệnh, từ những ngày đầu tháng 02 năm 2021. Hình thức tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng trực tuyến là một phương án được chú trọng triển khai của các cơ quan Đoàn – Hội( ) tại trường Đại học Sư phạm Tp. HCM. Đó là những chuỗi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến trang bị phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên; những cuộc thi học thuật, nghệ thuật trực tuyến; các hội thảo tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;… được triển khai một cách có hệ thống. Mặc dù đối với các cấp Đoàn – Hội cơ sở việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt cho Đoàn viên, Hội viên còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ - kỹ thuật, phương pháp và đội ngũ tổ chức nhưng nhìn chung các hoạt động Đoàn – Hội ở trường Đại học Sư phạm Tp. HCM tổ chức trong thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu về chất lượng nhất định.

Song với việc tổ chức, mức độ và chất lượng tham gia của sinh viên trường Đại học Sư phạm Tp. HCM đóng vai trò quyết định đến sự thành công của các hoạt động trực tuyến. Vậy nên vấn đề làm sao để các tổ chức Đoàn – Hội, nhất là các tổ chức Đoàn – Hội cấp cơ sở vừa quan tâm đến các điều kiện sinh hoạt vật chất của sinh viên, vừa đảm bảo môi trường để sinh viên sinh hoạt cộng đồng lành mạnh đã được đặt ra. Có thể điểm qua những điểm tiêu biểu trong khó khăn của sinh viên khi tham gia các hoạt động trực tuyến như sau: Việc tổ chức hoạt động trực tuyến xem các thiết bị công nghệ (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng…) là những công cụ quan trọng. Đòi hỏi sinh viên phải có một trình độ công nghệ nhất định, ít nhất là phải sử dụng thành thạo các thiết bị phần cứng lẫn phần mềm. Hoạt động trực tuyến đòi hỏi sinh viên phải nâng cao tính tích cực chủ động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của hoạt động,… Sinh viên phải tích cực học hỏi, rèn luyện và thay đổi phương pháp thích ứng sáng tạo để phù hợp với các hoạt động thông qua nhiều hình thức tương tác khác nhau.

Trước tình hình Việt Nam trong giai đoạn mới, ngành Giáo dục xác định việc dạy học và tổ chức hoạt động cộng đồng cho học sinh, sinh viên bằng hình thức trực tuyến là việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số. Trường hợp học sinh, sinh viên có thể tới trường, việc tổ chức các hoạt động học tập và sinh hoạt cộng đồng trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt. (VnExpress, 02/9/2021). Do đó, có thể khẳng định rằng dù muốn hay không muốn sinh viên cũng phải đương đầu với những thử thách mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội. Đó là nhiệm vụ học tập của sinh viên, nhiệm vụ kiến tạo xã hội của thanh niên. Không phải là ngày một, ngày hai mà là một quá trình thích ứng lâu dài để vừa phát triển bản thân, vừa phát triển tổ chức, góp phần đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ vào các hoạt động Đoàn – Hội.

Toản Trần

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________