Tạo thiện cảm bằng các giác quan trong giao tiếp

Chắc chắn bạn đã được nghe rằng: Trong môi trường công sở thì việc giao tiếp khéo léo và chiếm được thiện cảm của đồng nghiệp là một vấn đề rất quan trọng. Bởi lẽ bạn không thể một mình tạo nên thành công mà cần phải có sự giúp đỡ, ủng hộ từ sếp, đồng nghiệp, bạn bè hoặc những ai có liên quan đến công việc của bạn.

Và chắc chắn rằng bạn cũng được nghe về những "bí kíp" tạo thiện cảm trong mắt người khác, nhưng đâu đó những giải pháp kia thường là lý luận, lý thuyết suôn hoặc khó thực hiện.

Hôm nay, Toản sẽ giới thiệu với bạn một số cách cơ bản để Tạo thiện cảm trong giao tiếp đặc biệt là tạo được Ấn tượng ban đầu một cách hiệu quả nhất từ góc độ Tâm lý.

Khi giao tiếp tất cả giác quan đều tham gia

Hầu hết giác quan của ta đều tham gia vào quá trình giao tiếp. Hoạt động nhiều nhất là mắt và tai, ít hơn là mũi, da và lưỡi. Cụ thể:

- Mắt: Chúng ta thường đánh giá người khác thông qua những cái nhìn ban đầu. Đó là quan sát bề ngoài (mặt mũi, tóc tai, quần áo, phụ kiện,...) đến những biểu hiện của đời sống tâm lý (tác phong, các cảm xúc, thái độ,...). Sơ bộ trong lần gặp đầu tiên, chúng ta có thể nhìn nhận một ai đó là: Lịch lãm, cá tính, phong độ hay bần hàn, bê bối,...

"Con mắt là cửa sổ tâm hồn" nên khi giao tiếp, chinh phục người khác  qua ánh mắt của họ là làm đẹp về vẻ bề ngoài. Gồm: Tóc, mặt, dáng, trang phục, phụ kiện, dáng đứng, tướng đi, nụ cười, ánh nhìn,... Sự chỉn chu về ngoại hình, phong cách trong giao tiếp luôn tạo được thiện cảm.


"Lúa tốt vì phân - Người đẹp vì lụa", Nếu bạn không có một ngoại hình ưa nhìn, thì hãy chú ý đến trang phục và phụ kiện để cải thiện khuyết điểm.

- Tai: Chúng ta sử dụng tai của mình để nghe mọi thứ và lắng nghe những lời hay ý đẹp. Việc lắng nghe trong giao tiếp là vô cùng quan trọng, nó quyết định đến sự thành công của quá trình giao tiếp. Nếu bạn chỉ nghe mà không lắng nghe người khác trong giao tiếp, thì khả năng cao cuộc trò chuyện của bạn sẽ thất bại.

"Chúng ta cần nghe những điều mình nói nói trước khi khi nghe những điều người khác nói" bởi ngoài chức năng nghe và nhận thông tin từ người khác, tai của bạn cũng nghe nhận và giúp bạn tự điều chỉnh những lời lẽ, câu chữ, ý tứ, văn phong phát ra từ miệng của bạn. Nên việc tập luyện các câu nói có ý nghĩa, lược bỏ từ đệm thừa, thô tục,... vừa giữ gìn sự trong sáng trong câu nói, là góp phần tạo thiện cảm giao tiếp.

Khác với các giác quan còn lại, tai không có chế độ "on/off". Tức là chúng ta không thể chủ động dừng việc nghe bằng các điều khiển cơ thể. Cho nên dù là lời hay ý đẹp, hay những lời nói chua chát đắng cay chúng ta đều phải nghe. Vậy khi đặt mình vào người khác, chúng ta ta cần phải phải hiểu được người khác thực sự muốn nghe điều gì? Điều bạn em nói có thực sự hứng thú với họ?...

- Mũi: Cũng giống như tai, chúng ta còn thở là còn ngửi. Mũi giúp chúng ta thu thập thông tin về mùi hương của thế giới xung quanh trong khi giao tiếp.

Một căn phòng có mùi hương dễ chịu có thể kích thích mọi người trò chuyện và chia sẻ nhiều thông tin hơn một căn phòng sặc mùi khói thuốc.

Mỗi người chúng ta đều sở hữu một mùi hương tổng hợp, là sự kết hợp giữa mùi cơ thể và mùi nhân tạo.

   + Mùi cơ thể của mỗi người là một đặc trưng có thể phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Do vậy, việc giữ gìn vệ sinh trước những tác động tiêu cực của mùi cơ thể là một yếu tố thuận lợi để hỗ trợ việc giao tiếp trực tiếp.

   + Mùi nhân tạo là mùi hương đến từ mỹ phẩm, nước hoa, lăn xịt khử mùi, dầu gội, nước xả quần áo,... Mùi này thường thơm na ná nhau vì tính chất thương mại. Lựa chọn một mùi hương nhân tạo phù hợp với mùi cơ thể để tạo ra một mùi hương tổng hợp hài hoà sẽ là một điểm tích cực giúp bạn cải thiện các ấn tượng và thiện cảm trong giao tiếp.

- Da: Xúc giác đóng vai trò quan trọng ảnh trong mối liên hệ giữa con người với môi trường. Thường ít trò chuyện trong những căn phòng nóng nực hơn là những căn phòng thoáng mát, sạch sẽ.

Cái bắt tay không chỉ thay cho lời chào thân thiện, thể hiện tình hữu nghị mà còn mang đến những cảm giác xúc giác trực tiếp và trung thực trong giao tiếp. Nên một cái bắt tay với lực vừa phải sẽ luôn tốt hơn một cái bắt tay siết chặt hay tải một cái bắt tay hững hờ. Kiêng kỵ lòng bàn tay ẩm ướt hoặc quá thô ráp. Người đưa tay bắt trước thường thể hiện tính chủ động trong giao tiếp.

Do vậy, học cách chỉn chu trong cái bắt tay và các đụng chạm an toàn, tinh tế khác sẽ giúp bạn giao tiếp tốt.

- Lưỡi: Đây là bộ phận cảm thụ vị giác, giúp tạo điều kiện để quá trình giao tiếp diễn ra thuận lợi.

Một vài món ăn nhẹ có vị ngọt sẽ giúp tinh thần thư thái, kích thích sự sáng tạo và tính tự nhiên trong phong cách giao tiếp. Những món ăn cay nóng thường không tạo điều kiện hỗ trợ giao tiếp đặc biệt là tạo dựng mối quan hệ mới.

Ngoài ra, lưỡi còn giúp bạn phát âm được tròn vành rõ chữ. Trong khi nói lưỡi điều tiết âm vực và tạo độ ẩm để nuôi dưỡng giọng nói. Người có một vòm họng khô khan, khó chịu thì họ sẽ ít bắt chuyện nói hơn.

Vậy nên uống nhiều nước mỗi ngày để dưỡng ẩm môi miệng lưỡi, tập nói để lưỡi linh hoạt, vệ sinh lưỡi để các nụ vị giác nhạy bén hơn,... Sẽ là điều kiện không thừa cho việc giao tiếp tốt.

Một số lưu ý mang tính thời đại

Tuy nhiên, thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Việc giao tiếp trực tiếp ngày càng diễn ra ít hơn, thay vào đó là giao tiếp gián tiếp qua mạng internet.

Các hình thức giao tiếp qua mạng xã hội, nhắn tin, bình luận, video call,... Chỉ có sự tham gia của 02 giác quan (thị giác và thính giác). Đó là sự thiếu thốn và là căn nguyên của nhiều mâu thuẫn giao tiếp.

Bởi giao tiếp qua mạng, yếu tố cảm xúc không được truyền đi một cách chính xác. Mặt khác năng lực giải mã cảm xúc dựa trên ý nghĩa chữ viết của mỗi người là không giống nhau.

Nên, hãy thêm vào tin nhắn, email các từ xưng hô rõ ràng, và các từ như: Ạ, dạ, vâng, nhé, nha,... Đóng vai trò định hướng giải mã cảm xúc cho người đọc. Phần nào sẽ giảm bớt các mâu thuẫn trong giao tiếp không đáng có.


TÓM LẠI, khi giao tiếp dù ít hay nhiều các giác quan đều có sự tham gia. Để ý và phát huy giác quan của mình cũng như để ý và quan tâm cảm nhận của người khác là yếu tố quan trọng để đạt được sự thành công trong giao tiếp.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________