Nhu cầu của sinh viên về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

 Trần Văn Toản, Lâm Thanh Nghĩa

TÓM TẮT

Nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu cua sinh viên khi các cơ sở Đoàn – Hội tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHSP Tp. HCM) thay đổi đồng bộ từ nội dung, hình thức đến các điều kiện tổ chức, khi chuyển đổi hoạt động từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Nghiên cứu lý luận đề xuất 03 thành tố để đo đạt nhu cầu về hoạt động trực tuyến là: Hình thức, nội dung và các yếu tố ảnh hưởng. Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên có nhu cầu rất cao về hoạt động trực tuyến. Trong đó, có nhu cầu cao nhất về các điều kiện hỗ trợ và hình thức tổ chức, nhu cầu thấp hơn về nội dung. Từ kết quả đó, có cơ sở đề xuất cải thiện các yếu tố về chất lượng HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội.

Từ khóa: Chất lượng, trực tuyến, hoạt động trực tuyến, Đoàn – Hội.

Bài viết được đăng tại kỷ yếu hội thảo Khoa học dành cho cán bộ Đoàn – Hội các trường ĐH Sư phạm toàn quốc lần III - 2022.

1. MỞ ĐẦU

1.1. Đặt vấn đề

Dịch Covid-19 kéo dài, làm xuất hiện một xu hướng tất yếu trong việc chuyển đổi phương thức tổ chức hoạt động của các tổ chức Đoàn – Hội (gọi chung tên hai tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam) tại trường Đại học nói chung và Đoàn – Hội trường ĐHSP Tp. HCM nói riêng. Đó là việc chuyển từ phương thức tổ chức trực tiếp sang phương thức tổ chức trực tuyến (gián tiếp). Trở thành một phương án được chú trọng triển khai của các cơ quan Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM từ đầu năm học. Những chuỗi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến trang bị phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên (SV); những cuộc thi học thuật, nghệ thuật trực tuyến; các hội thảo tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;… được triển khai một cách có hệ thống.

Mặc dù đối với các cấp Đoàn – Hội cơ sở việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt cho Đoàn viên, Hội viên còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ - kỹ thuật, phương pháp và đội ngũ tổ chức nhưng nhìn chung các hoạt động Đoàn – Hội ở trường ĐHSP Tp. HCM tổ chức trong thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu về chất lượng nhất định. Song với việc tổ chức, mức độ và chất lượng tham gia của SV trường ĐHSP Tp. HCM đóng vai trò quyết định đến sự thành công của các hoạt động trực tuyến. Vậy nên vấn đề làm sao để các tổ chức Đoàn – Hội, nhất là các tổ chức Đoàn – Hội cấp cơ sở vừa quan tâm đến các điều kiện sinh hoạt vật chất của SV, vừa đảm bảo môi trường để SV sinh hoạt cộng đồng lành mạnh đã được đặt ra.

Trong những vấn đề đáng lưu ý khi nghiên cứu về HĐTT, Wong S and Hanafi A (2007) cho thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ trong quyết định tham gia HĐTT. Nghiên cứu của Sameer Dutta và Olu Omolayole (2016) cũng ủng hộ quan điểm này khi mức độ hứng thú lựa chọn tham gia HĐTT có sự khác nhau giữa hai giới. Ngoài ra các nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới có liên quan đến HĐTT đều chỉ ra rằng có sự khác nhau về các yếu tố: giới tính, độ tuổi, năm học của SV. [5][6][7]

Tìm hiểu về nhu cầu của SV về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM có ý nghĩa quan trọng trong tất cả các hoạt động của công tác tổ chức: Xây dựng ý tưởng; Lập kế hoạch; Tổ chức hoạt động trực tuyến; Hỗ trợ người tham gia hoạt động trực tuyến; Đánh giá và rút kinh nghiệm. Kết quả của nghiên cứu “Nhu cầu của SV về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM” là cơ sở quan trọng để nhìn nhận, đánh giá và nâng cao chất lượng hoạt động cho đơn vị.

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.1. Hoạt động trực tuyến

“Trực tuyến” hay “ngoại tuyến” vốn là những thuật ngữ của khoa học máy tính. Theo đó, trực tuyến (từ tiếng Anh: Online) là trạng thái một thiết bị điện tử có kết nối với mạng (internet hoặc mạng cục bộ). Nếu một thiết bị không thực hiện kết nối, được gọi là ngoại tuyến và hoạt động độc lập mà không cần liên kết với những thiết bị khác.

Trong những năm gần đây, việc tổ chức sự kiện giao lưu, tương tác với nhau thông qua mạng internet được quan tâm và đầu tư thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức công lập và doanh nghiệp tư thục. Việc này được gọi là tổ chức hoạt động trực tuyến.

Như vậy, trong khuông khổ của đề tài chúng tôi lựa chọn khái niệm: Hoạt động trực tuyến là các sự kiện được tổ chức thông qua kết nối internet.

1.2.2. Nhu cầu của sinh viên về hoạt động trực tuyến

Từ những lý luận về nhu cầu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả chọn khái niệm: “Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần được thoả mãn để tồn tại và phát triển”. [2] [3] [4]

Từ đó, có thể hiểu rằng: “Nhu cầu của sinh viên về hoạt động trực tuyến là sự đòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần được thoả mãn khi tham gia hoạt động trực tuyến”.

Dựa trên lý thuyết về nhu cầu của Tâm lý học Hoạt động và lý luận của các công trình nghiên cứu có liên quan [1] [3] [4]. Căn cứ vào các yêu cầu thực tế về tổ chức hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội, có thể nêu ra 03 phương diện biểu hiện của nhu cầu của sinh viên về hoạt động trực tuyến:

- Về hình thức: Tên hoạt động, lịch tổ chức, cách thức đăng ký, tính chất các hoạt động, chất lượng âm thanh, hình ảnh, kết nối internet,…

- Về nội dung: Tính chuyên môn, tính thời sự, tính chính trị, hoạt động giao lưu gắng kết, phát triển kỹ năng,…

- Về các điều kiện hỗ trợ: Khả năng CNTT, không gian, chất lượng thiết bị, hỗ trợ xử lý sự cố, hình thức khích lệ,…

1.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thiết kế theo phương pháp điều tra bằng bảng hỏi với sự kết hợp của khảo sát định lượng bằng bảng hỏi và phân tích định tính dữ liệu phỏng vấn. Bảng hỏi được thiết kế gồm các nội dung chính: Hướng dẫn thực hiện và thông tin cá nhân; Hệ thống câu hỏi tìm hiểu nhu cầu của SV đối với HĐTT của các tổ chức Đoàn - Hội tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Cấu trúc của bảng hỏi gồm 25 câu. Với phương pháp phỏng vấn, khách thể chính là cán bộ Đoàn – Hội tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Về xử lí và phân tích kết quả, khách thể được yêu cầu đánh giá mức độ tổ chức hoạt động trực tuyến dựa trên thang điểm Likert 5 mức độ: 1 - Không cần thiết, 2 - Ít cần thiết, 3 - Trung bình, 4 - Khá cần thiết, 5 - Rất cần thiết.  Phần mềm thống kê toán học SPSS được dùng để tìm ra các giá trị trung bình và độ lệch chuẩn. Hệ số tin cậy của Cronchbach’s Alpha là 0,90 và của các chỉ báo từ 0,9 đến 0,95. Điều này cho thấy, thang đo có độ tin cậy rất cao, phù hợp để sử dụng trong nghiên cứu.

2. NỘI DUNG

2.1. Kết quả nghiên cứu nhu cầu của SV về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

2.1.1. Đánh giá chung nhu cầu của SV về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

Để đánh giá nhu cầu SV về HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM, chúng tôi tiến hành khảo sát trên 300 SV ngẫu nhiên về giới tính, độ tuổi và ngành học tại trường ĐHSP Tp. HCM. Sau khi loại bỏ các phiếu không đạt yêu cầu, cơ sở dữ liệu dùng để phân tích gồm 236 SV trường ĐHSP Tp. HCM. Kết quả đánh giá chung nhu cầu SV về HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM được xếp loại theo 5 mức độ:


- Rất thấp: ĐTB từ 1.00 đến 1.80,

- Thấp: ĐTB từ 1.81 đến 2.60,

- Trung bình: ĐTB từ 2.61 đến 3.40,

- Cao: ĐTB từ 3.41 đến 4.20,

- Rất cao: ĐTB từ 4.21 đến 5.00.


 

Bảng 2.1.1. Đánh giá chung nhu cầu SV về HĐTT

Nội dung

ĐTB

Hạng

ĐLC

Nhu cầu về hình thức

4.24

2

0.516

Nhu cầu về nội dung

4.19

3

0.572

Nhu cầu về điều kiện hỗ trợ

4.38

1

0.542

 

ĐTB chung = 4.27

*Chú thích: ĐTB – Điểm trung bình, ĐLC – Độ lệch chuẩn

Từ bảng số liệu, có thể thấy sinh viên có nhu cầu rất cao (ĐTB=4.27), trong đó cao nhất là nhu cầu về các điều kiện hỗ trợ (ĐTB=4.38), tiếp đến là nhu cầu về hình thức (ĐTB=3.24) và thấp nhất là nhu cầu về nội dung (ĐTB=4.19). Như vậy có thể rút ra kết luận sơ bộ rằng: SV trường ĐHSP Tp. HCM có nhu cầu rất cao về hoạt động trực tuyến. Trong đó, đặt các yêu cầu cao về điều kiện hỗ trợ và hình thức tổ chức hơn là yêu cầu về nội dung.

2.1.2. Nhu cầu của SV về hình thức tổ chức hoạt động trực tuyến các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

Để tìm hiểu về đặc điểm nhu cầu của SV về hình thức tổ chức HĐTT chúng tôi cụ thể hóa thành các biến quan sát và khảo sát bằng hình thức đánh giá trên thang điểm: 1 - Không cần thiết, 2 - Ít cần thiết, 3 - Trung bình, 4 - Khá cần thiết, 5 - Rất cần thiết. Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.1.2. Nhu cầu của SV về hình thức tổ chức HĐTT

TT

Biến quan sát nhu cầu về hình thức HĐTT

ĐTB

Hạng

ĐLC

1

Tên đề tài hay, thú vị và có sự thu hút

4.30

7

0.775

2

Lịch tổ chức HĐTT rõ ràng và thông báo từ trước

4.49

2

0.642

3

Có hướng dẫn cách thức đăng ký tham gia

4.40

5

0.692

4

Có hoạt động giao tiếp giữa những người tham gia

4.08

9

0.808

5

Có hoạt động giải trí, tạo không khí

4.25

8

0.821

6

Có sự tham gia đông SV

3.98

10

0.804

7

Có hoạt động thi đua cá nhân/nhóm

3.82

11

0.896

8

Có tổ chức hoạt động theo nhóm

3.71

12

0.960

9

Có thời lượng vừa phải

4.38

6

0.754

10

Đảm bảo âm thanh chất lượng

4.55

1

0.667

11

Đảm bảo video call chất lượng

4.47

3

0.769

12

Công khai danh tính khi tham gia

4.44

4

0.800

ĐTB chung = 4.24

*Chú thích: ĐTB – Điểm trung bình, ĐLC – Độ lệch chuẩn

Bảng 2.1.2 minh họa các yêu cầu thực tế cụ thể trong nhu cầu về hình thức HĐTT của SV. Tất cả các biến quan sát nhu cầu SV về hình thức tổ chức HĐTT đều ở mức cao (trên 3.41 điểm) trở lên. Như vậy, tóp yếu tố có ĐTB ở mức rất cao (ĐTB trên 4.21) đáng chú ý nhất trong nhu cầu của SV về hình thức HĐTT là:

- Đảm bảo âm thanh chất lượng, ĐTB=4.55;

- Lịch tổ chức HĐTT rõ ràng và thông báo từ trước, ĐTB= 4.49;

- Đảm bảo video call chất lượng, ĐTB=4.47;

- Công khai danh tính khi tham gia, ĐTB=4.44;

- Có hướng dẫn cách thức đăng ký tham gia, ĐTB=4.40;

- Có thời lượng vừa phải, ĐTB=4.38;

- Tên đề tài hay, thú vị và có sự thu hút, ĐTB=4.30;

- Có hoạt động giải trí, tạo không khí, ĐTB=4.25.

Ngoài ra các yếu tố nhu cầu về hình thức được SV đánh giá thấp hơn (ĐTB dưới 4.20) cũng đáng được chú ý: Có tổ chức hoạt động theo nhóm (ĐTB=3.71), Có hoạt động thi đua cá nhân/nhóm (ĐTB=3.82), Có sự tham gia đông SV (3.98).

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để đề xuất các yếu tố về hình thức cần chú trọng cải thiện hoặc duy trì khi xây dựng và triển khai một HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội.

2.1.3. Nhu cầu của SV về nội dung hoạt động trực tuyến các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

Để tìm hiểu về đặc điểm nhu cầu của SV về hình thức tổ chức HĐTT chúng tôi cụ thể hóa thành các biến quan sát và khảo sát bằng hình thức đánh giá trên thang điểm: 1 - Không cần thiết, 2 - Ít cần thiết, 3 - Trung bình, 4 - Khá cần thiết, 5 - Rất cần thiết. Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.1.3. Nhu cầu của SV về nội dung HĐTT

TT

Biến quan sát nhu cầu về nội dung HĐTT

ĐTB

Hạng

ĐLC

1

Gắng với chuyên ngành của SV

4.30

2

0.753

2

Nội dung cập nhật thời sự

4.22

3

0.744

3

Nội dung có tính giáo dục tư tưởng, lối sống

4.16

6

0.781

4

Có nội dung về cảm xúc, các giá trị tình cảm

4.18

5

0.770

5

Nội dung có tính giáo dục chính trị, pháp luật

3.92

7

0.871

6

Nội dung được xây dựng theo khảo sát ý kiến của SV

4.22

3

0.764

7

Có nội dung giáo dục và phát triển kỹ năng mềm

4.37

1

0.769

8

Có tổ chức hoạt động giao lưu, tạo mối quan hệ

4.19

4

0.830

ĐTB chung = 4.19

*Chú thích: ĐTB – Điểm trung bình, ĐLC – Độ lệch chuẩn

Kết quả thống kê ở bảng trên cho thấy, nhu cầu nội dung được SV lựa chọn nhiều nhất là “Có nội dung giáo dục và phát triển kỹ năng mềm”. Điều này cho thấy bên cạnh những nội dung mang tính chuyên môn, thì những nội dung mang tính giáo dục và kỹ năng mềm cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định tham gia HĐTT của SV. Giải thích cho lựa chọn này, bạn H.N.H (cán bộ Đoàn – Hội, SV năm 2) chia sẻ: “Vì em thường thì những nội dung chuyên môn thì thầy cô trên lớp đã dạy quá nhiều rồi, nên trong các HĐTT bản thân em cũng muốn được học những nội dung để phát triển những kỹ năng mềm cần thiết mà có thể em chưa được học”. Bên cạnh đó thì ngoài những nội dung “Có nội dung giáo dục và phát triển kỹ năng mềm” thì nội dung “Gắng với chuyên ngành của SV” (ĐTB = 4.30) và “Nội dung được xây dựng theo khảo sát ý kiến của SV” (ĐTB = 4.22) đều có giá trị trung bình ở mức độ rất cao (ĐTB trên 4.21) lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Bởi lẽ, trên giảng đường, thầy cô đã giúp SV có kiến thức chuyên ngành, việc tham gia các HĐTT với nội dung gắng với chuyên ngành của các tổ chức Đoàn - Hội chính là nơi SV được trải nghiệm thực tế, được vận dụng kiến thức và chia sẻ nó cùng cộng đồng, khắc sâu kiến thức của mình nhiều hơn. Đồng thời, những “Nội dung được xây dựng theo khảo sát ý kiến của SV” thể hiện mức độ “có nhu cầu” của các bạn sinh viên đối với các HĐTT, thì sẽ thu hút được đông đảo các bạn SV tham gia.

Đa số các giá trị trung bình còn lại ở kết quả đều ở mức độ cao (đều lớn hơn 3.41). Trong đó “Nội dung có tính giáo dục chính trị, pháp luật” (ĐTB = 3.92) và “Nội dung có tính giáo dục tư tưởng, lối sống” (ĐTB = 4.16) có nhu cầu thấp nhất so với các nội dung còn lại. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để đề xuất các yếu tố về nội dung cần chú trọng cải thiện hoặc duy trì khi xây dựng và triển khai một HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội.

2.1.4. Nhu cầu của SV về các điều kiện hỗ trợ hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

Để tìm hiểu về đặc điểm nhu cầu của SV về các điều kiện hỗ trợ HĐTT chúng tôi cụ thể hóa thành các biến quan sát và khảo sát bằng hình thức đánh giá trên thang điểm: 1 - Không cần thiết, 2 - Ít cần thiết, 3 - Trung bình, 4 - Khá cần thiết, 5 - Rất cần thiết. Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.1.4. Nhu cầu của SV về các điều kiện hỗ trợ HĐTT

TT

Biến quan sát nhu cầu về điều kiện hỗ trợ HĐTT

ĐTB

Hạng

ĐLC

1

người nổi tiếng để thu hút SV

3.75

9

0.910

2

Nâng cao khả năng sử dụng thiết bị công nghệ

4.34

8

0.705

3

Đảm bảo kết nối mạng internet ổn định

4.61

1

0.660

4

Phần mềm/ứng dụng/nền tảng trực tuyến dễ sử dụng

4.53

2

0.711

5

Không gian xung quanh yên tĩnh

4.41

5

0.693

6

Thời gian HĐTT phù hợp với lịch sinh hoạt cá nhân

4.50

3

0.675

7

Thiết bị (máy tính/máy tính bản/điện thoại) hoạt động ổn định

4.50

3

0.718

8

Mức thu phí người tham gia hợp lý

4.38

7

0.844

9

Được hỗ trợ xử lý sự cố kịp thời từ ban tổ chức

4.46

4

0.705

10

Có các hình thức khích lệ (Giấy chứng nhận, quà tặng, điểm rèn luyện, danh hiệu,…) sau khi tham gia hoạt động

4.39

6

0.855

ĐTB chung = 4.38

*Chú thích: ĐTB – Điểm trung bình, ĐLC – Độ lệch chuẩn

Kết quả ở bảng trên cho thấy, “Đảm bảo kết nối mạng internet ổn định” (ĐTB = 4.61) thể hiện nhu cầu về các điều kiện hỗ trợ HĐTT. Về phía SV bạn N.D.K (SV năm 4) chia sẻ: “Khi học online hay tham gia các HĐTT thì điều em quan tâm nhất là kết nối mạng internet, tại nhiều lúc mà đường truyền mạng không ổn định, em thường xuyên bị thoát ra, có khi thì không thể tương tác được với lớp, có khi thì không thấy rõ và nghe rõ nội dung, nên việc đảm bảo kết nối mạng ổn định vẫn là điều kiện hỗ trợ mà em quan tâm nhất”. Như vậy, có thể thấy rõ về các điều kiện hỗ trợ HĐTT thì đa số SV quan tâm đến đường truyền kết nối mạng internet để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả khi tham các HĐTT.

Đa số các giá trị trung bình ở kết quả đều ở mức độ rất cao (ĐTB > 4.21), chỉ trừ “Có người nổi tiếng để thu hút SV” (ĐTB = 3.75) là điều kiện hỗ trợ có nhu cầu thấp hơn các điều kiện hỗ trợ còn lại. Từ số liệu trên cho thấy SV quan tâm đến các điều kiện về không gian, thời gian và các điều kiện hỗ trợ trực tiếp khác có tác động trực tiếp đến quá trình tham gia các HĐTT hơn là những điều kiện về hiệu ứng hình ảnh bên ngoài.

2.2. Thực trạng các yếu tố khác trong nhu cầu của SV đối với HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

2.2.1. Nhu cầu về thời gian tổ chức HĐTT

Để tìm hiểu thêm về nhu cầu của SV đối với thời gian hợp lý trong ngày để tổ chức HĐTT chúng tôi khảo sát bằng dạng câu hỏi một lựa chọn: 1- Buổi sáng (7h00 – 12h00), 2 - Buổi chiều (13h00 – 17h00), 3 - Buổi tối (18h00 – 23h00). Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.2.1. Nhu cầu của SV đối với thời gian hợp lý trong ngày để tổ chức HĐTT

Thời gian đề xuất

Tần số

Phần trăm (%)

Buổi sáng (7h00 – 12h00)

74

31.4

Buổi chiều (13h00 – 17h00)

43

18.2

Buổi tối (18h00 – 23h00)

119

50.4

Tổng

236

100

Từ bảng 2.2.1 có thể thấy, SV đề xuất khung giờ vào buổi tối (18h00 – 23h00) với 119 lựa chọn chiếm 50.4% là hợp lý nhất để tổ chức HĐTT. Ngoài ra, khung giờ buổi sáng (7h00 – 12h00) với 74 lựa chọn chiếm 31.4% cũng là một đề xuất. Khung giờ vào buổi chiều (13h00 – 17h00) với 43 lựa chọn chỉ chiếm 18.2% là một ý kiến được ít đề xuất nhất.

2.2.2. Nhu cầu về thời lượng tối đa của một HĐTT

Để tìm hiểu thêm về nhu cầu của SV đối với thời lượng hợp lý của HĐTT chúng tôi cụ thể hóa thành các loại chương trình đã tổ chức tại trường ĐHSP Tp. HCM và khảo sát dưới dạng câu hỏi đánh giá mức độ tương ứng: 1 - Khoảng 2 giờ, 2 - Khoảng 3 giờ, 3 - Khoảng 1 buổi, 4 - Cả ngày, 5 – Liên tục nhiều ngày. Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.2.2. Nhu cầu của SV đối với thời lượng hợp lý trong ngày để tổ chức HĐTT

Các loại HĐTT

Khoảng
2 giờ

Khoảng
3 giờ

Khoảng
1 buổi

Cả ngày

Nhiều ngày

TS

%

TS

%

TS

%

TS

%

TS

%

1. Workshop, chuyên đề

157

67

53

22

19

8

2

1

5

2

2. Hội thi, cuộc thi

96

41

39

17

56

24

8

3

37

16

3. Gala, giao lưu văn nghệ

107

45

64

27

53

22

8

3

4

2

4. Đấu giá, bình chọn

104

44

35

15

55

23

13

6

29

12

5. Hội thảo, hỏi – đáp, giải đáp thắc mắc

92

39

60

25

63

27

13

6

8

3

6. Tuyên truyền bằng các sản phẩm truyền thông

138

58

28

12

24

10

3

1

43

18

7. Diễn đàn trực tuyến

88

37

47

20

48

20

18

8

35

15

*Chú thích: TS – Tần số, % - Phần trăm.

Như vậy có thể thấy, đa số SV có nhu cầu về thời lượng hợp lý để tổ chức HĐTT là khoảng 2 giờ, với tất cả các thể loại đều được lựa chọn trên 35% số lượng SV được khảo sát. Tuy nhiên, một số điểm đáng chú ý như: Đối với loại hình Hội thảo, hỏi – đáp, giải đáp thắc mắc có đến 27% sinh viên có nhu cầu về thời lượng khoảng 1 buổi và rất ít SV chọn cả ngày hoặc hơn cho workshop, chuyên đề.

2.2.3. Nhu cầu chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT

Để tìm hiểu thêm về nhu cầu của SV về chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT chúng tôi khảo sát bằng dạng câu hỏi một lựa chọn: 1 - Không cần thiết, 2 - Ít cần thiết, 3 - Trung bình, 4 - Khá cần thiết, 5 - Rất cần thiết. Kết quả được trình bày trong bảng sau:

Bảng 2.2.3. Nhu cầu của SV về chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT

Mức độ cần thiết chuyển đổi sang HĐTT

Tần số

Phần trăm (%)

Không cần thiết

0

0

Ít cần thiết

13

5.51

Trung bình

123

52.12

Khá cần thiết

100

42.37

Rất cần thiết

0

0

Tổng

236

100

Như vậy, có thể thấy được đa số SV có nhu cầu ở mức cần thiết trở lên đối với việc chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT. Cụ thể với 100 SV chiếm 42.37% cho rằng khá cần thiết chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT, 123 SV chiếm 52.12 cho rằng việc chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT có sự cần thiết ở mức trung bình. Không có SV nào cho rằng chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT là không cần thiết, chỉ có 13 SV chiếm 5.51% cho rằng ít cần thiết chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT.

Tiêu biểu một ý kiến đại diện cho số đông được phỏng vấn, bạn N.N.B (SV năm 3) cho rằng: “Theo cá nhân em cảm thấy hiện nay các chương trình, hoạt động đang bị cũ. Cứ theo 1 khuôn khổ, đường lối không kích thích sự tò mò của mọi người. Và vì là hoạt động trực tuyến nên các hoạt động phải sinh động nhưng phải đơn giản không dùng quá nhiều công nghệ để tất cả mọi ngưòi cùng tham gia.”

Vậy nên, bên cạnh sự cần thiết chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT, các cơ sở Đoàn – Hội cần phải quan tâm đến sự thay đổi các yếu tố từ hình thức, nội dung đến các điều kiện hỗ trợ.

2.2.4. Động cơ SV tham gia HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM

Để tìm hiểu về động cơ SV tham gia HĐTT, chúng tôi xây dựng câu hỏi tự luận: “Anh/chị thường tham gia HĐTT vì những lý do gì?” và thu được kết quả như bảng bên dưới:


 

Bảng 2.3. Tóm tắt các lý do chính để SV tham gia HĐTT

TT

Tóm tắt lý do

Số ý kiến

Tỷ lệ %

1

Nhằm trau dồi kiến thức, kinh nghiệm

82

34.75

2

Để rèn luyện và phát triển kỹ năng

28

11.86

3

Vì giấy chứng nhận và điểm rèn luyện

49

20.76

4

Để giao lưu, thiết lập mối quan hệ

11

4.66

5

Vì phần thưởng, phần quà

2

0.85

6

Do tình thế phải lựa chọn (dịch bệnh, bị ép buộc)

3

1.27

Như vậy có thể thấy được 03 động cơ chủ yếu của SV khi tham gia HĐTT chính là:

- Trau dồi kiến thức, kinh nghiệm;

- Rèn luyện và phát triển kỹ năng;

- Vì giấy chứng nhận và điểm rèn luyện.

Khi được hỏi về lý do tham gia HĐTT, bạn L.V.T (SV năm 4) cho rằng: “Phù hợp nhu cầu, không bắt ép, hay ra điều kiện như là trao đổi, phải tham gia thì mới được cái này cái kia, không tham gia sẽ bị đánh giá kém”. Điều này phù hợp để đại diện cho số đông các ý kiến về các động cơ tham gia HĐTT từ bên ngoài như phần thưởng, giấy chứng nhận hoặc sự ép buộc.

3. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

3.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy SV có nhu cầu rất cao (ĐTB=4.27) về HĐTT. Đa số SV cho rằng việc chuyển đổi hoạt động trực tiếp sang HĐTT là ở mức cần thiết đến rất cần thiết. Trong đó, SV có nhu cầu cao nhất về các điều kiện hỗ trợ (ĐTB=4.38) và hình thức tổ chức (ĐTB=4.24), có nhu cầu thấp hơn về nội dung (ĐTB=4.19). Cụ thể:

- SV có nhu cầu cao nhất về các điều kiện hỗ trợ HĐTT. Nhất là ở các điều kiện về kết nối mạng internet, phần mềm/ứng dụng/nền tảng trực tuyến, thời gian HĐTT phù hợp, hỗ trợ xử lý sự cố kịp thời và các hình thức khích lệ (Giấy chứng nhận, quà tặng, điểm rèn luyện, danh hiệu,…) sau khi tham gia hoạt động. SV có nhu cầu ít ở các điều kiện về người nổi tiếng thu hút SV, hỗ trợ nâng cao khả năng công nghệ và mức thu phí hợp lý.

- SV có nhu cầu cao thứ hai về hình thức tổ chức HĐTT. Nhất là việc đảm bảo âm thanh/video call chất lượng, lịch tổ chức rõ ràng, công khai danh tính, có thời lượng vừa phải, tên đề tài hay và có hoạt động giải trí, tạo không khí. SV có nhu cầu ít về các hoạt động theo nhóm, hoạt động thi đua và hoạt động đông SV tham gia.

- SV có nhu cầu ít hơn về nội dung HĐTT. SV chủ yếu quan tâm đến các nội dung giáo dục và phát triển kỹ năng mềm, nội dung chuyên ngành, nội dung có cập nhật thời sự và các hoạt động giao lưu, tạo mối quan hệ. SV có nhu cầu ít về các HĐTT có nội dung giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục tư tưởng, lối sống và về cảm xúc, các giá trị tình cảm.

Ngoài ra, thông qua phỏng vấn bổ sung có thể kết luận được SV ĐHSP Tp. HCM có nhiều động cơ khác nhau để tham gia HĐTT. Tiêu biểu là 03 động cơ: Trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; Rèn luyện và phát triển kỹ năng; Vì giấy chứng nhận và điểm rèn luyện. Đa số SV có nhu cầu về thời lượng hợp lý để tổ chức HĐTT là khoảng 2 giờ. Thời gian tổ chức HĐTT hợp lý nhất được SV đề xuất là vào buổi tối (18h00 – 23h00).

3.2. Đề xuất

Kết luận của nghiên cứu “Nhu cầu của sinh viên về hoạt động trực tuyến của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh” giúp chúng tôi có cơ sở để đề ra các ý kiến mang tính đóng góp về phía các cơ sở Đoàn – Hội (người tổ chức HĐTT). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, khi thiết kế HĐTT nên tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu SV về tất cả các yếu tố ở cả 03 mặt: Nội dung, hình thức và các điều kiện hỗ trợ. Trong đó, điều kiện hỗ trợ là yếu tố cơ bản nhất để đáp ứng nhu cầu của SV, sau đó đến hình thức và cuối cùng là nội dung. Cụ thể:

- Về các điều kiện hỗ trợ: Ban tổ chức (BTC) cần xây dựng HĐTT có sẵn hoạt động hoặc phương án hỗ trợ tức thì (kịp thời – ngay lập tức) về kỹ thuật – công nghệ (internet, thiết bị, chất lượng video, âm thanh,…), có các hình thức khích lệ (Giấy chứng nhận, quà tặng, điểm rèn luyện, danh hiệu,…) rõ ràng. Không cần tập trung nhiều về yếu tố “người nổi tiếng”, tập huấn công nghệ hay quá đắng đo về mức phí tổ chức. Một cuộc khảo sát nhỏ được lồng ghép([1]) trong phiếu hỏi của nghiên cứu cho thấy SV sẵn sàng trả mức phí giao động từ 100.000đ đến 250.000đ.

- Về hình thức tổ chức HĐTT: Bên cạnh việc đảm bảo âm thanh/video call chất lượng, BTC cần lịch tổ chức rõ ràng (thời gian tổ chức HĐTT hợp lý nhất được SV đề xuất là vào buổi tối, từ 18h00 – 23h00), với thời lượng vừa phải (khoảng 02 giờ cho các buổi chuyên đề và 01 buổi đối với diễn đàn, hội thảo), và đặt tên đề tài hay. Ngoài ra cần thiết kế hoạt động giải trí, tạo không khí và lưu ý tránh lạm dụng hoạt động theo nhóm, hoạt động thi đua và thu hút quá đông SV tham gia.

- Về nội dung HĐTT: BTC cần chú trọng xây dựng các HĐTT có nội dung giáo dục và phát triển kỹ năng mềm, nội dung gắng với chuyên ngành, nội dung có cập nhật thời sự và các hoạt động giao lưu, tạo mối quan hệ. Hạn chế hoặc lồng ghép tinh tế các HĐTT có nội dung giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục tư tưởng, lối sống và về cảm xúc, các giá trị tình cảm.

Thứ hai, để thu hút SV tham gia các HĐTT, các cơ sở Đoàn – Hội cần quan tâm tìm hiểu động cơ tham gia HĐTT của SV đơn vị mình. Cụ thể, thấy được 03 động cơ chủ yếu của SV khi tham gia HĐTT chính là: Trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; Rèn luyện và phát triển kỹ năng; Vì giấy chứng nhận và điểm rèn luyện.

Thứ ba, cần thay đổi tư duy tổ chức chương trình từ “xem HĐTT như là một phương án thay thế” sang “tư thế sẵn sàng tổ chức HĐTT là hoạt động chính” trong tất cả các đề án hoạt động đã, đang và sắp xây dựng của đơn vị.

Nghiên cứu này chỉ dừng ở mức ban đầu mô tả nhu cầu của SV khi tham gia các HĐTT của các tổ chức Đoàn – Hội tại trường ĐHSP Tp. HCM. Đóng góp vào các nghiên cứu tương tự về vấn đề HĐTT. Giúp các cơ sở Đoàn – Hội có căn cứ thực tiễn trong việc thiết kế và tổ chức HĐTT có hiệu quả.

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Leonchiev A.N (1989). Hoạt động – Ý thức – Nhân cách, NXB GD, Hà nội.

2. Bộ GD và ĐT (1995). Tâm Lý Học Đại Cương, Hà Nội

3. Huỳnh Văn Sơn (2008). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm Tp. HCM.

4. Nguyễn Quang Uẩn (1998). Tâm lý học đại cương. NXB ĐHQG Hà Nội.

Tiếng Anh

5. Coldwell, J., Craig, A., Paterson, T., & Mustard, J. (2008). Online students: Relationships between participation, demographics and academic performance. Electronic journal of e-learnin.

6. Dutta, S., & Omolayole, O. (2016). Are there differences between men and women in information technology innovation adoption behaviors: A theoretical study. Journal of Business Diversity.

7. Wong, S. L., & Hanafi, A. (2007). Gender differences in attitudes towards information technology among Malaysian student teachers: A case study at Universiti Putra Malaysia. Journal of Educational Technology & Society.



[1] Khảo sát với câu hỏi: “Anh/chị sẵn sàng chi trả phí tham gia HĐTT tối đa là bao nhiêu?”

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________