Hiểu đúng về Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) là một thuật ngữ không mới trong giới khoa học nói chung và y khoa nói riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin đại chúng mà thuật ngữ này dần được phổ cập đến phần đông của cộng đồng, đặc biệt là giới tri thức và người đi làm. 

Tuy nhiên, cách tiếp cận “dân dã” như thế sẽ dẫn đến những sai lệch về thuật ngữ khoa học cũng như sẽ ảnh hưởng đến các chuẩn đoán lâm sàng và thậm chí là hiệu quả của việc điều trị bệnh. Đơn cử như sự xuất hiện của nhiều “bác sĩ tự thân” – tự chẩn đoán bệnh án và kết luận tình hình sức khoẻ và tự thực hiện các phương pháp điều trị một cách vô tội vạ. Hiện tượng tự chẩn bệnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề tâm lý, thông thường họ sẽ cho rằng mình bị trầm cảm, stress, lo âu thậm chí là rối loạn sau sang chấn tâm lý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,...



Một điều ít ai biết, hội chứng gần giống và nhẹ hơn của trầm cảm sau sinh được gọi là “baby blues”. Hiểu ngắn gọn, đây là một loạt những cơn buồn bã, căng thẳng, lo lắng, thay đổi tâm trạng thất thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn sau khi sinh và quan trọng hơn hết là nó sẽ tự biến mất. Khoảng 80% phụ nữ sau sinh mắc phải hội chứng này, song hầu hết không biết về tình trạng này hoặc nghĩ đây là trạng thái tinh thần bình thường phải trải qua, số khác lại đi đến các kết luận về “trầm cảm”. Điều này thực sự nguy hiểm khi bản thân người phụ nữ hoặc thân nhân của họ tự áp dụng những liệu pháp điều trị mà không hề biết là đúng hay sai.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân đứng thứ nhất về gánh nặng bệnh tật cho y tế toàn cầu. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp gần hai lần so với nam giới. Phụ nữ mang thai và sinh con có nguy cơ mắc trầm cảm cao. Trên thế giới, trầm cảm ở phụ nữ mang thai (PNMT) và sau sinh là khá phổ biến, tỷ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 12,0% và sau sinh là 13,0%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy trầm cảm trong mang thai có liên quan đến sinh non, sinh nhẹ cân. Trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh nếu không được phát hiện và điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần và ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và tính cách của trẻ trong tương lai. Bà mẹ bị trầm cảm thường có những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt. Nghiêm trọng hơn, họ có thể xuất hiện ý định tự tử, tự hủy hoại bản thân và con của họ. Một trong các nguyên nhân chính làm cho hậu quả của trầm cảm trở nên trầm trọng, đó là phụ nữ thường thiếu kiến thức để nhận biết triệu chứng của bệnh trầm cảm và không tìm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu trầm cảm (dẫn theo Trần Nơ Thị, 2018).

Trầm cảm sau sinh là gì?

Mang thai và sinh con là thiên chức và cũng là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Quá trình vượt cạn khiến các bà mẹ đã có những sự biến đổi lớn về sinh lý và tâm lý đặc biệt là sự biến đổi về tâm lý đòi hỏi người phụ nữ phải thích nghi dần dần về cả mặt cơ thể và tinh thần. Và văn hóa truyền thống cũng góp phần ảnh hưởng đến cuộc sống của những bà mẹ mới sinh. Phần lớn các bà mẹ dần dần thích nghi với những cái mới nên không có phản ứng nặng nề về cơ thể và tâm lý. Còn ở một số ít phụ nữ những thay đổi này có thể quá ngưỡng làm xuất hiện một số rối loạn tâm thần ở mức độ khác nhau trong đó có trầm cảm sau sinh.

Trước đây các nhà tâm thần học (khoa học nghiên cứu các vấn đề về tâm thần) mô tả trầm cảm như một giai đoạn bệnh điển hình với tình trạng u sầu (melancholia), biểu hiện ức chế nặng nề các mặt hoạt động tâm thần. Chủ yếu là các quá trình: (1) Cảm xúc ức chế, biểu hiện bằng khí sắc giảm, buồn rầu; (2) Các quá trình tư duy bị ức chế, dòng tư duy chậm lại; (3) Hoạt động bị ức chế thể hiện tình trạng chậm chạm cả lời nói và hành vi, nhiều khi nặng đến mức sững sờ, bất động (Kecbicop, 1980)

Hiện nay, theo mô tả trong bảng phân loại ICD 10 (Tổ chức Y tế Thế giới, Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan, gọi tắt là Phân loại quốc tế về bệnh tật cung cấp mã hóa các bệnh thành những mã ngắn gọn, làm chuẩn cho công tác nghiên cứu và thực hành y học. Sách, 1996) thì trầm cảm là một hội chứng bệnh lý biểu hiện đặc trưng bởi khí sắc trầm, mất mọi quan tâm thích thú, giảm năng lượng dễ mệt mỏi, phổ biến là tăng mệt mỏi rõ rệt nhiều khi chỉ sau một cố gắng nhỏ. Kèm theo là các triệu chứng phổ biến khác như: giảm sút tập trung chú ý, giảm sút lòng tự trọng và lòng tự tin; có ý tưởng bị tội và không xứng đáng; bi quan về tương lai; có ý tưởng và hành vi tự hủy hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ; giảm cảm giác ngon miệng. Ngoài ra còn các triệu chứng loạn thần. Các biểu hiện trên tồn tại trong một khoảng thời gian tối thiểu 2 tuần liên tục (DSM – V, 2013).

Như vậy, có thể hiểu: Trầm cảm sau sinh là một rối loạn khí sắc nặng nề (buồn rầu và chán nản), gặp tương đối phổ biến ở thời kỳ sau sinh, được đặc trưng bởi các triệu chứng của trầm cảm nhưng chỉ xảy ra khi sinh con.

Trầm cảm sau sinh là một hội chứng mà nhiều phụ nữ sau sinh gặp phải, là một dạng trong các rối loạn tâm thần xảy ra vào thời kỳ sinh đẻ. Có đến khoảng 50 đến 75% phụ nữ cảm thấy dễ bị tổn thương, tinh thần bất ổn hơn sau khi sinh con. Điều này vẫn thường xuyên xảy ra sau khi sinh con được 1 đến 3 tuần.

Trầm cảm sau sinh thường xảy ra trong giai đoạn hậu sản. Những thay đổi về sinh học cũng như tinh thần khiến cho các bà mẹ gặp phải các trở ngại về khả năng chăm sóc con. Tuy được coi là một triệu chứng thông thường nhưng lại có khác nhiều phụ nữ cảm thấy xấu hổ và ngại ngùng khi nói đến vấn đề này. Họ cảm thấy xấu hổ vì không thể làm mẹ một bình thường nhất. Thay vì khám hay nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh, họ lại giữ cho riêng mình và tự đưa mình vào trạng thái đau khổ hay tội lỗi mà không biết rằng đó chính là rối loạn tâm thần.

Phân biệt trầm cảm sau sinh với “Baby Blues” như thế nào?

Nếu diễn đạt một cách đơn giản điểm khác nhau giữa “postpartum depression” – trầm cảm sau sinh và “baby blues” chính là ở mức độ và sự nghiêm trọng của triệu chứng về mặt tâm lý. Cụ thể:

- Baby blues là trạng thái xuống tinh thần thường trực ở phụ nữ sau sinh xảy ra do những thay đổi và khó khăn (bên trong và bên ngoài cơ thể) trong vài tuần đầu sau sinh. Họ luôn trong trạng thái cảm xúc không ổn định, nhiều lo lắng, khó chịu, dễ khóc, mất tập trung và luôn căng thẳng mệt mỏi (UNICEF, 2020).

- Trầm cảm sau sinh thì nặng hơn thế, cho đến hơn 2 – 3 tuần tiếp theo tình trạng tương tự vẫn không hề giảm, mà tinh thần ngày càng kém đi và lao dốc: Rối loạn lo âu, suy nghĩ nhiều điều tiêu cực, khó ngủ, ăn không ngon miệng, mất kết nối với người thân và gia đình… Đi kèm với các triệu chứng về cơ thể như: Chán ăn, sụt cân, suy nhược cơ thể.  Và các triệu chứng của trầm cảm: Căng thẳng hay lo lắng và hoảng hốt, mất tập trung, cảm giác bị ám ảnh, có những suy nghĩ hoang tưởng về các hành vi nguy hiểm, gây hại cho bản thân hoặc cho con (Vinmec, 2022).


Bảng so sánh triệu chứng của Baby Blues và Trầm cảm sau sinh
(Tham khảo y khoa từ BSCKI. Vũ Thanh Tuấn - Bác sĩ khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC – Hà Nội)

Baby Blues

Trầm cảm sau sinh

- Thay đổi tâm trạng nhanh chóng: Sau khi sinh, mẹ vừa thấy tự hào về thiên chức làm mẹ nhưng ngay sau đó có thể khóc do lo lắng bản thân sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Cảm giác cáu kỉnh, lo lắng, quá sức chịu đựng.

- Không muốn ăn uống, không còn vị giác, kiệt sức vì chăm sóc bản thân.

- Không thể ăn, ngủ hoặc chăm sóc con vì tuyệt vọng.

- Luôn trong trạng thái tinh thần buồn bã, vô dụng, cô đơn, tuyệt vọng, hay khóc một mình.

- Cảm thấy bản thân không thực hiện tốt trách nghiệm và không có khả năng chăm sóc tốt cho con.

- Dễ bị hoảng sợ, lo lắng.


Baby Blues không quá nghiêm trọng, và đến hơn 80% phụ nữ sau sinh đều gặp phải. Nó được ví như “một đám sương mù dày đặc” kéo đến ngay sau khi mẹ sinh con ra và sẽ tự “tan biến” sau vài tuần, người phụ nữ nhanh chóng lấy lại sinh lực và tinh thần vui vẻ, tận hưởng thời gian bên con (Lisa Fields, 2021).


Tuy nhiên, có một điểm giống là tất cả mọi người trong gia đình, kể cả bố em bé và ông bà, đều phải điều chỉnh nếp sinh hoạt, thói quen hằng ngày sao cho vừa phù hợp với sự xuất hiện của một em bé vừa chào đời vừa phù hợp với những thay đổi tâm lý của người mẹ. Cả hai đều gây ra một sự xáo trộn không hề nhỏ, đặc biệt với những thay đổi ở chính bản thân người phụ nữ và những vất vả khi lần đầu có con (đối với người chồng) nên nhiều gia đình tìm đến bác sĩ trị liệu tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để nhận sự trợ giúp. Mà họ quên rằng, sự trợ giúp lớn nhất và hiệu quả nhất chính là từ bản thân họ - những thành viên trong gia đình.


Trầm cảm sau sinh có các mức độ nào?

Trầm cảm sau sinh là những cảm xúc mạnh mẽ hòa quyện vào nhau như phấn khích, vui sướng cho đến lo lắng và sợ hãi từ việc ra đời của một em bé. Nhưng trầm cảm sau sinh cũng có thể dẫn đến các triệu chứng nặng, đòi hỏi điều trị lâu dài và đây là điều không ai mong đợi. Trầm cảm sau sinh không phải do yếu đuối hay khiếm khuyết về tính cách, mà đôi khi triệu chứng xuất hiện đơn giản chỉ vì đây là một phần của việc sinh nở ở người phụ nữ.

Trầm cảm sau sinh được chia thành cách mức độ:

+ Trầm cảm nhẹ: Sau sinh khoảng 3 đến 4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém, các hoạt động khó khăn và vụng về. Họ thường lo lắng thái quá cho sức khỏe của con và bản thân, cảm thấy mình kém cỏi vì không có khả năng chăm sóc con được tốt, thương khóc lóc vô cớ, cho rằng mình bị bỏ rơi,...
+ Trầm cảm vừa: Người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích thích hay cáu giận vô cớ, biểu hiện cơn chảy nước mắt. cảm giác bất lực, buồn rầu, chán nản không muốn tiếp xúc với mọi người, người bệnh quá lo lắng về cách cho ăn, cách giữ vệ sinh, cách dạy dỗ con, hay cho con ăn rất cầu kỳ, tỷ mỉ,...
+ Trầm cảm nặng: Thường tiếp theo giai đoạn “buồn sau sinh” với các triệu chứng trầm cảm rõ nét. Biểu hiện như luôn cho mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, mình là người mẹ không biết cách chăm sóc con, kém cỏi, vô dụng, xấu xa, không xứng đáng,... Bệnh nhân thường lo âu sợ hãi, buồn rầu, hay khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian, thời gian, không làm chủ được bản thân, thậm chí có những lời nói và hành vi thô bạo xúc phạm tới những người xung quanh, khả năng chăm sóc con ngày càng kém, có khi không quan tâm đến con mình, bỏ mặc hoặc hành hạ con thậm chí giết hại con rồi tự sát.

Nguyên nhân nào gây ra trầm cảm sau sinh?

Nguyên nhân sinh học

Rối loạn trầm cảm sau sinh có liên quan đến việc thay đổi hormone đặc biệt là hormone sinh dục trong quá trình mang thai và đặc biệt là sau sinh (Sadock, 2000). Trong thời gian mang thai có sự gia tăng hàm lượng của các hormone sinh dục đặc biệt là estrogen và progesterone( ) trong huyết tương của người phụ nữ. Ngoài ra còn có sự gia tăng của cortizol và CRH. Các hormone buồng trứng dễ dàng xâm nhập vào não và có tác dụng như chất điều biến ngoại lai của hoạt động thần kinh. Các thụ thể hormone buồng trứng không chỉ được tìm thấy trong vùng não kiểm soát chức năng sinh sản mà còn thấy xuất hiện nhiều ở các vùng nào quan trọng của người quy định về cảm xúc, nhận thức và hành vi (Hanley, 2009).
Theo Meyer (2010), trong tuần lễ đầu sau sinh trong cơ thể người mẹ có sự gia tăng đáng kể các monoamine oxidase A (MAO – A) gắn vào khu vực quan trọng của não bộ tham gia vào điều chỉnh khí sắc. Trong đó “MAO - A chuyển hóa serotonin, norepinephrine và dopamine làm suy yếu các chất này là nguyên nhân dẫn đến giảm khí sắc”.

Nguyên nhân tâm lý, xã hội

- Thay đổi về tâm lý ở phụ nữ khi có thai:
Ngoài việc thay đổi về hình thể và sinh lý. Mang thai, còn là một hiện tượng phức tạp bao gồm thay đổi về tâm lý, xã hội. Mang thai, đặc biệt là lần đầu tiên thì biến đổi tâm lý rất mạnh mẽ. Trong khi có thai thì hormone được tăng tuyết rất nhiều và đây là nguyên nhân dẫn đến thay đổi cảm xúc của người mẹ. theo Finket, chính do nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi đột ngột và đặc biệt là estrogen đã làm cho cảm xúc của phụ nữ thay đổi thất thường, nhanh chóng. Nhiều khi họ trở nên khó tính, cố chấp hai phản ứng thái quá với những vấn đề nhỏ nhoi,... Họ cũng trở nên nhạy cảm hơn, dễ khóc hơn, tâm trạng buồn vui lẫn lộn. nồng độ progesteron tăng cao trong quý đầu tiên làm cho người phụ nữ mang thai rơi vào trạng thái buồn ngủ và khó cưỡng lại được (Hanley. 2009).
Thời gian mang thai của phụ nữ kéo dài từ 38 đến 42 tuần và được chia thành 3 quý. Trong mỗi quý người phụ nữ có những thay đổi về thể chất và tâm lý khác nhau (Hanley. 2009).
+ Quý I: Mang thai thường đi kèm với nhiều lo lắng, căng thẳng đặc biệt là mang thai lần đầu. Trong quý đầu người phụ nữ không nhìn thấy những thay đổi xảy ra trong cơ thể của họ nhưng giai đoạn này vô cùng quan trọng. Giai đoạn này nhiều phụ nữ lo lắng thai nhi cử động trong tử cung vì họ không biết đó là một dấu hiệu của thai nhi, khi trẻ ra đời có làm thay đổi cuộc sống, mối quan hệ xung quanh mình hay không. với phụ nữ mang thai lần đầu họ thường lo lắng bị sảy thai, thai chết lưu,... Mặc dù họ biết điều đó là không có căn cứ. Ngoài ra người phụ nữ mang thai còn có thể có các biểu hiện mệt mỏi, giảm trí nhớ, buồn nôn, đau, đau lưng, tiểu tiện rát, táo bón, tạo một số mùi hoặc một số thức ăn nhất định.
+ Quý II: Những mệt mỏi căng thẳng, lo âu trong quý I đã qua thì sự thay đổi cảm xúc của quý II lại bắt đầu. Mặc dù những cảm giác trong giai đoạn này thường mức độ nhẹ hơn so với trước đó nhưng cũng gây ra những vấn đề tương tự. Họ lo lắng về việc chuẩn bị cho sự ra đời của đứa trẻ, liệu đứa trẻ có phát triển bình thường, liệu mình có xanh đúng thời hạn hay không,... một số bà mẹ cảm thấy thiếu tự tin do sự tăng cân nhiều của cơ thể.
+ Quý III: Trong giai đoạn này người phụ nữ mong đợi đến kỳ sinh đẻ và họ phải đối mặt với sự thay đổi đáng kể về mặt cơ thể. một số phụ nữ cảm thấy chán nản về hình ảnh của cơ thể mình, họ cảm thấy mình không còn hấp dẫn nữa, thấy mình đang xấu đi,... cảm giác sợ mất đứa trẻ thường biến mất trong giai đoạn này nhưng lại xuất hiện những lo lắng vì sự xuất hiện của đứa trẻ, lo lắng về cuộc chuyển dạ sắp tới của bản thân.

- Thay đổi tâm lý ở phụ nữ sau sinh:
Sau sinh đời sống tinh thần của phụ nữ có nhiều biến đổi. nhiều phụ nữ thấy mệt mỏi, kiệt sức sau cuộc chuyển dạ kèm theo mất ngủ vì phải chăm sóc cho đứa bé vào ban đêm, thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi trong các mối quan hệ,... là những thách thức không nhỏ đối với phụ nữ nhất là đối với những phụ nữ sinh con lần đầu tiên. Tuy những thay đổi tâm lý của người phụ nữ sau sinh phụ thuộc nhiều vào thể chất, tình cảm và lối sống của họ. Như ba mẹ cảm thấy mệt mỏi, chán nản hoặc có cảm giác bị ràng buộc, cảm giác mất mát sự tự do, mất đi thói quen sinh hoạt hàng ngày, mất đi vẻ hấp dẫn.
+ Biểu hiện rõ nét nhất của sự biến đổi tâm lý của phụ nữ sau sinh dễ xúc động, dễ khóc, dễ tủi thân,...
+ Lo sợ là cảm giác gặp ở hầu hết các bà mẹ: Cho trẻ ăn chưa no, sợ trẻ bị ốm,có khi lo lắng không có cơ sở nhưng tại sao trẻ lại chậm biết lẫy, chậm mọc răng,...
+ Cáu gắt là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Do họ bị hạn chế các giao tiếp xã hội, bận rộn trong việc chăm sóc trẻ,... nên thường có cảm giác khó chịu, bức bối và dễ cáu gắt.

Nguyên nhân tâm lý

Mang thai và quá trình chuyển sang làm mẹ không chỉ mang lại niềm vui, niềm mong ước, sự thỏa mãn và hạnh phúc cho người mẹ mà còn hơi dài nhiều căng thẳng về tâm lý. Người mẹ phải đối diện về những thay đổi của hình dáng cơ thể, họ cảm thấy mình không còn hấp dẫn nữa, họ lo lắng về sự phát triển của thai nhi trong bụng, họ luôn lo lắng về chế độ ăn của mình như thế nào để con phát triển tốt nhất, họ cũng luôn lo lắng sợ sảy thai, sợ thai chết lưu, sợ trẻ đẻ ra bị dị tật cũng như lo việc chuyển dạ sắp tới,...
Hoặc có thể có một vài mâu thuẫn trong gia đình mà không được giải quyết triệt để gây ra áp lực dẫn đến mất cân bằng tâm lý( ). Vấn đề về giới tính của đứa trẻ cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh. Do họ phải chịu áp lực trong gia đình về giới tính đứa trẻ nên khi thấy đứa trẻ không như mong đợi người phụ nữ dễ có tâm lý chán nản, buồn bã. Nhiều bà mẹ không do chuẩn bị chu đáo khi sinh con cả về tâm lý và về kinh tế nên khi phải thay đổi làm mẹ lúng túng, lo lắng về chăm sóc con khiến người phụ nữ bị áp lực nặng nề. tình trạng này kéo dài khiến người phụ nữ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.

Các căng thẳng trong gia đình và xã hội

Trong thời kỳ mang thai đặc biệt là sau sinh cơ thể người phụ nữ có thay đổi lớn về mọi mặt như giải phẫu, sinh lý, nội tiết,... kèm thêm sự kiệt sức do quá trình chuyển dạ, việc phải chăm sóc con vào ban đêm,... làm cho họ thấy mệt mỏi, tính tình thay đổi thất thường, trở nên khó tính, tính cố chấp, cáu gắt, hai dễ tủi thân. Chính vì vậy trong giai đoạn này sự quan tâm chăm sóc của gia đình, của người thân đặc biệt là người trồng có vai trò rất quan trọng. nhiều nghiên cứu đã minh chứng là những bất ổn trong hôn nhân, tình khó khăn, các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống,... đặc biệt là các trang chứng đột ngột ở giai đoạn gần sinh hoạt sau sinh nếu thiếu sự hỗ trợ của xã hội thì cũng góp phần giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh. Việc nhận được sự hỗ trợ xã hội qua bạn bè, người thân trong thời kỳ mang thai đặc biệt là giai đoạn sau sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phụ nữ, là một yếu tố bảo vệ đối với trầm cảm sau sinh là một yếu tố liên quan có hiệu lực khá mạnh với trầm cảm sau sinh. Ngoài ra một số nghiên cứu cho thấy rằng những trường hợp có thai ngoài ý muốn, sau sảy thai, sau phá thai hoặc thai chết lưu hay sau một tai biến sản khoa như tiền sản giật, sản giật( ),... có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện trầm cảm sau sinh. Một số nghiên cứu phân tích tổng hợp của Beck năm 1996 trên 6 nghiên cứu bao gồm 1.200 người đối tượng cho kết quả: mang thai ngoài ý muốn có mối liên quan đến trầm cảm sau sinh, tuy nhiên mối liên quan này có hiệu lực nhỏ (Beck, 2013).

Các yếu tố liên quan đến trẻ

Giới tính của trẻ được cho là một yếu tố nguy cơ đến trầm cảm sau sinh. Các nghiên cứu gần đây của Patel và cộng sự (2002), Lee và cộng sự (1998) cho thấy vấn đề các cặp vợ chồng sinh con gái có mối liên quan đối với trầm cảm sau sinh, điều này không thấy ở các nước phát triển. Do đó phản ứng của cha mẹ đối với giới tính của trẻ có thể là nguy cơ tiềm tàng đối với trầm cảm sau sinh ở các nhóm văn hóa cụ thể (Patel, 2002). Theo phân tích tổng hợp một loạt các nghiên cứu gần đây của các nước châu Á, P. Klaininvà cộng sự (2008) cũng cho thấy sự lựa chọn giới tính có liên quan đến trầm cảm sau sinh (Klaininv, 2008).
Mặt khác, vấn đề sức khỏe của trẻ cũng như khó khăn trong việc chăm sóc trẻ cũng là yếu tố liên quan đến trầm cảm sau sinh. Nhận định của Beck (2002) khi nghiên cứu 789 bà mẹ sau sinh cho thấy trẻ hay quấy khóc, khó rõ ràng là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng cho bà mẹ và là một yếu tố liên quan chặt chẽ đến trầm cảm sau sinh. Theo Lượng Bạch Lan (2008) cho thấy những bà mẹ có con không được khỏe có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao gấp bốn lần so với các bà mẹ khác.

Các yếu tố văn hóa truyền thống

Theo báo cáo của Lee và các cộng sự (1998) cho thấy các nghi lễ truyền thống đối với các bà mẹ sau sinh là phải ở nhà và phải thực hiện chế độ ăn kiêng và hạn chế các hoạt động thể chất trong vòng 4 tuần sau sinh. Đồng thời các bà mẹ được hỗ trợ của người thân trong gia đình đối với việc chăm sóc trẻ và giúp các công việc trong gia đình. Chính việc thực hành các nghi thức truyền thống này đã giúp các bà mẹ cải thiện sức khỏe của mình (Lee, 1998).
Tuy nhiên theo báo cáo của Leung và các cộng sự (2005) nghiên cứu trên các bà mẹ Hồng Kông đã đưa ra các hạn chế môi trường sống, những khó khăn trong việc thực hiện các điều ngăn cấm của tập quán truyền thống và bản thân các bà mẹ đã tự đặt câu hỏi làm như thế nào người phụ nữ có thể thích nghi với các nghi thức hiện đại (Leung, 2005).



Có thể nói các nghi lễ truyền thống đặc biệt là ở các nước châu Á cũng là một trong những yếu tố liên quan đến trầm cảm sau sinh. ở một số nước thì nghi lễ truyền thống có ảnh hưởng xấu đến các bà mẹ bởi lẽ khi các bà mẹ thực hiện nghi lễ truyền thống này các bà mẹ cảm thấy khó khăn và không thoải mái nhưng vẫn phải thực hiện vì đó là văn hóa truyền thống từ xưa để lại. Dẫn đến các bà mẹ luôn cảm thấy khó chịu gượng ép, không thấy vui vẻ và thích thú dần dẫn đến những thay đổi cảm xúc, nhận thức và hành vi. Còn ở một số nước khác các nghi lễ truyền thống lại có những ảnh hưởng tích cực như các bà mẹ được kiêng cữ, được trợ giúp xã hội, được nghỉ ngơi,... giúp các bà mẹ giảm bớt những gánh nặng công việc, không cảm thấy mệt mỏi, lấy lại sức khỏe qua một quá trình vượt cạn.

Tóm lại, qua rất nhiều các nghiên cứu và báo cáo của các tác giả trong nước và nước ngoài đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến trầm cảm sau sinh như nguyên nhân sinh học do các hormone thay đổi do các yếu tố tâm lý xã hội, chấn thương tâm lý hay yếu tố văn hóa có liên quan đến trầm cảm sau sinh,... Hiện nay vấn đề này vẫn đang gây nhiều tranh luận và chưa xác định được yếu tố nào là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến trầm cảm sau sinh. cũng như chưa có nghiên cứu được tiến hành trên cộng đồng người Việt Nam dưới góc độ tâm lý. 

Tiêu chuẩn nào giúp chẩn đoán trầm cảm sau sinh?

Theo DSM 5 thì người trầm cảm xuất hiện ít nhất 5 trong những triệu chứng sau, xuất hiện cùng lúc, kéo dài 2 tuần làm thay đổi so với hoạt động trước đó; ít nhất một trong các triệu chứng phải là: (1) khí sắc trầm cảm, (2) mất hứng thú hoặc mất vui.

+  Khí sắc trầm cảm gần như suốt ngày, hầu như mỗi ngày được khai báo bởi bệnh nhân (ví dụ: cảm thấy buồn hay trống rỗng, tuyệt vọng) hoặc thông quan quan sát của người khác (ví dụ: khóc). Chú ý: ở trẻ em và thành thiếu niên có thể biểu lộ việc dễ bực tức.
+ Giảm sút rõ về thích thú hoặc thú vui trong tất cả, hầu như tất cả các hoạt động hầu như suốt ngày, gần như mỗi ngày (được nhận thấy bởi bệnh nhân hoặc thông qua quan sát của người khác)
+ Giảm cân đáng kể không phải do ăn kiêng hoặc tăng cân (ví dụ: thay đổi trọng lượng cơ thể quá 5% trong 1 tháng) hoặc tăng hay giảm cảm giác ngon miệng gần như mỗi ngày. Ghi chú: ở trẻ em có thể không đạt mức tăng cân như dự đoán.
+ Mất ngủ hay ngủ nhiều hầu như mỗi ngày.
+  Kích động hay chậm chạp tâm thần vận động hầu như mỗi ngày (được nhận thấy bởi người khác chứ không phải chỉ là cảm giác của bệnh nhân về việc bứt rứt hoặc chậm chạp bên trong cơ thể).
+  Mệt mỏi hoặc mất năng lượng hầu như mỗi ngày.
+ Cảm giác bị mất giá trị hoặc cảm giác tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp (có thể đạt đến mức hoang tưởng) hầu như mỗi ngày (không chỉ là việc tự trách móc hoặc có cảm giác tội lỗi do bị bệnh).
+  Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung chú ý hoặc thiếu quyết đoán hầu như mỗi ngày (do bệnh nhân khai báo hoặc được quan sát bởi người khác).
+  Ý nghĩ về cái chết tái diễn (không chỉ là sợ chết), các ý tưởng tự tử tái diễn nhưng không có kế hoạch tự tử, hoặc có mưu toan tự tử hoặc có kế hoạch tự tử cụ thể.
Tài liệu này cũng xác định mức độ nặng nhẹ của trầm cảm, cụ thể được xác định bằng: số lượng các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến các chức năng xã hội và nghề nghiệp.
+ Nhẹ: Nếu có rất ít triệu chứng của trầm cảm, các triệu chứng đảm bảo tiêu chuẩn chẩn đoán là: hiện diện, cường độ của các triệu chứng là đau buồn nhưng dễ quản lý, các triệu chứng trên dẫn đến sự suy giảm nhẹ trong hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp.
+ Trung bình: Số lượng triệu chứng, cường độ của các triệu chứng, sự suy giảm trong hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp nằm trong khoảng giữa của mức độ “nhẹ” và “nặng”.
+ Nặng: Số triệu chứng vượt quá mức yêu cầu để chẩn đoán, cường độ của các triệu chứng là đau buồn rất nhiều và khó quản lý.
+ Thuyên giảm một phần: các triệu chứng của trầm cảm trước đây có mặt nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, hoặc thời gian kéo dài chưa đến 2 tháng, và không có một triệu chứng nghiêm trọng nào của trầm cảm chủ yếu nào mất đi trong giai đoạn này.
+ Thuyên giảm hoàn toàn: Trong 2 tháng qua, không có dấu hiệu/triệu chứng nào nghiêm trọng của rối loạn có mặt.
+ Rối loạn Trầm cảm dai dẳng/Trầm cảm mạn tính: kéo dài 2 năm.

Các hệ quả của trầm cảm sau sinh tác động như thế nào?

Những nghiên cứu trong khoảng thời gian gần đây phát hiện ra rằng trong giai đoạn sau sinh thường dễ nhạy cảm với những thay đổi trong cuộc sống của người mẹ và đứa con mới chào đời thì rối loạn tâm lý thường có thể gặp nhất là trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có thể là nguy cơ dẫn đến sức khỏe tâm thần của người mẹ cũng như mối quan hệ giữa người mẹ và các thành viên khác trong gia đình đặc biệt là những đứa con mới sinh nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về cảm xúc, tâm lý, nhân cách và trí tuệ của trẻ sau này.

Một trong những hậu quả trầm trọng của trầm cảm sau sinh là người mẹ có thể xuất hiện những ý nghĩa hai hành vi tự sát và nguy hiểm hơn là bà mẹ có thể giết chết chính đứa con mà họ đã mang nặng đẻ đau. Trong cảm sau sinh thường xuất hiện ở những phụ nữ có tình trạng sức khỏe kém, tình trạng kinh tế xã hội thấp, quan hệ vợ chồng và với các người thân khá ít có sự gắn bó, sinh con không theo ý muốn, tình trạng hôn nhân không thỏa mãn, hai mẹ có lạm dụng chất kích thích, trình độ học vấn thấp, tuổi của mẹ quá cao hoặc thấp quá, can thiệp trong quá trình sinh nở và cả những văn hóa truyền thống,...

Không những vậy trầm cảm sau sinh đối với người phụ nữ còn ảnh hưởng lớn đối với bầu không khí tâm lý gia đình. Đó là tình trạng rạn nứt các mối quan hệ biểu hiện ở các mặt như giao tiếp, ứng xử, hành động, cảm xúc,... đối với các thành viên trong gia đình có sự thay đổi theo hướng tiêu cực. Nếu không có sự đồng thuận và thông cảm từ các thành viên trong gia đình, không những làm nặng thêm tình trạng trầm cảm ở người phụ nữ mà còn ảnh hưởng lớn đến các chức năng tâm lý của gia đình. Nếu gia đình có hiểu biết về trầm cảm sau sinh, có sự thông cảm, động viên, an ủi và ngăn cản kịp thời những hành vi tiêu cực từ những rối loạn hành vi do trầm cảm sau sinh, thì người phụ nữ sẽ có cơ hội thuyên giảm bệnh tình rất cao.

Cách nào để điều trị và hỗ trợ phụ nữ vượt qua trầm cảm sau sinh?

Điều trị bằng thuốc

Các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi về nồng độ hoocmon sau khi sinh đóng một vai trò trong việc phát triển trầm cảm. Bác sĩ có thể kê toa brexanolone (Zulresso), một phiên bản tổng hợp mới của hoocmon allopregnanolone.
Nồng độ hoocmon tuyến giáp giảm trong thời kỳ hậu sản sẽ gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm sau sinh. Các vấn đề về tuyến giáp cũng có thể được điều trị bằng thuốc.
Một loại hiện tượng thứ ba sau sinh cần xem xét là rối loạn tâm thần sau sinh, mặc dù ít phổ biến hơn, là một căn bệnh nghiêm trọng. Rối loạn tâm thần xảy ra trong vòng vài ngày đến 3 tuần sau khi sinh, miễn là ba tháng. Một người phụ nữ bị rối loạn tâm thần sau sinh cách xa thực tế, thường bị ảo giác hoặc hoang tưởng. May mắn thay, bệnh này cũng có thể được điều trị bằng thuốc.
 Tuy nhiên, mặc dù những thuốc được nêu hoặc chưa nêu được công nhận là có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng sẽ chỉ được dùng đến khi được cung cấp tư vấn tâm lý hoặc kê đơn thuốc chống trầm cảm từ bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng.

Điều trị tâm lý

Tư vấn tâm lý cũng là cách vượt qua trầm cảm sau sinh hiệu quả. Nếu trầm cảm dạng nhẹ thì chỉ cần tư vấn tâm lý thông thường cũng có thể vượt qua được bệnh. Trường hợp bệnh nặng, cần kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý. Về cơ bản sẽ tuân thủ các nguyên tắc chính:
Một là, người phụ nữ cần nhận thức rõ vai trò của bản thân, luôn tin tưởng bản thân sẽ tốt hơn. Đặc biệt, cần kiên trì áp dụng các cách khắc phục trầm cảm sau sinh trong thời gian dài mới mang lại kết quả tích cực .
Hai là, nghỉ ngơi, thư giãn, giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái sẽ giúp giảm tình trạng bệnh. Ngoài ra, người mẹ cần tránh thức khuya, ăn uống khoa học, đủ chất để duy trì sức khỏe tốt nhất. Không cố ép bản thân làm những điều không thích hoặc gây khó chịu cho bản thân. Học cách thư giãn sẽ giúp cải thiện tinh thần và tình trạng bệnh
Ba là, thay vì tranh thủ con ngủ, người mẹ sẽ đi làm việc nhà thì người mẹ cũng nên ngủ khi con đã ngủ, đây là lời khuyên của các chuyên gia. Sinh hoạt cùng giờ giấc với con sẽ giúp mẹ tránh nguy cơ bị trầm cảm. Đây cũng là một trong những nguyên tắc khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Bốn là, các bài tập thể dục sẽ giúp người mẹ cải thiện sức khỏe và tạo hưng phấn tinh thần sau sinh đồng thời đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Năm là, sự động viên của bạn bè, người thân và đặc biệt là người chồng sẽ tác động rất lớn đến tình trạng bệnh. Thay vì giữ các thói quen cũ, cố gắng làm mọi thứ “đúng giờ” như trước khi sinh con thì gia đình hãy linh động làm mọi thứ dựa theo điều kiện của mẹ, như vậy người mẹ sẽ không cảm thấy không quá áp lực và mệt mỏi khi có con cũng như phòng ngừa hội chứng trầm cảm sau sinh.

Nguyên tắc điều trị chính

- Phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu trong đó người bệnh tập trung cải thiện mối quan hệ với người khác chủ yếu với chồng và con.
- Điều trị tâm lý được ưu tiên bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích đem lại là cao hơn các yếu tố có hại.
- Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo hướng dẫn, hoạt động này giúp cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản, nhận thức tốt sẽ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh. 


KẾT LUẬN

Thông qua việc tổng hợp những lý luận, nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn trong và ngoài nước cũng như phân tích tình huống thực tế. Trong bài viết này, đã làm rõ nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh những ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh. Cụ thể, điểm qua mấy ý quan trọng:

+ Trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh ở phụ nữ nói riêng có thiên hướng xảy ra nhiều ở các nước đang phát triển và chưa phát triển. Trong đó, ở Việt Nam ngày càng đông xu hướng của trầm cảm sau sinh là ở các phụ nữ sinh con lần đầu, phụ nữ có vấn đề về sức khỏe.
+ Trầm cảm sau sinh không chỉ có một sức ảnh hưởng mạnh làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người bệnh mà còn làm rạng nứt các mối quan hệ, ảnh hưởng lớn đến bầu không khí và việc thực hiện các chức năng tâm lý của gia đình.
+ Các thành viên trong gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phụ nữ trầm cảm sau sinh. Từng thành viên, với những vị thế khác nhau sẽ có những vai trò khác nhau, hướng tiếp cận và cách thức tác động khác nhau.

Tờ Statnews trích lời trong nhật ký của một người mẹ bỉm sữa rằng: “Sinh con gây ra những nỗi đau đớn, vượt ra khỏi những nỗi đau thể xác trong những giờ, hoặc những ngày vượt cạn. Vậy mà nhiều người phụ nữ vẫn bị bỏ lại với những vết sẹo trên cơ thể và cả trong tinh thần của họ, cũng như những lo lắng và niềm vui đi kèm với thiên chức làm mẹ”. Để chúng ta thấy rằng, người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu cũng là “phái yếu” trong xã hội, họ cũng đáng được quan tâm, cần được chăm sóc. Và hơn hết, khi bước qua “cánh cửa sinh tử” – sinh nở. Vai trò của các thành viên trong gia đình là cực kỳ quan trọng để không trở thành nguyên nhân, không trở thành nơi biểu hiện và cũng không phải là nơi gánh chịu hệ quả nặng nề từ trầm cảm sau sinh.


Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

Báo Tuổi Trẻ Online (08/02/2022). Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Đau lòng những vụ mẹ giết con, tự tử sau sinh.Truy cập tại: https://tuoitre.vn/tram-cam-va-nhung-he-luy-khon-luong-dau-long-nhung-vu-me-giet-con-tu-tu-sau-sinh-20220207100307661.htm 13/08/2022.

Báo Đại Đoàn Kết (09/07/2022). Trầm cảm sau sinh: Cần sự đồng hành của gia đình. Truy cập tại: http://daidoanket.vn/tram-cam-sau-sinh-can-su-dong-hanh-cua-gia-dinh-5690862.html. Ngày 12/08/2022.

Lê Thị Thu Huỳnh.Mối quan hệ giữa yếu tố văn hóa, chấn thương tâm lý với trầm cảm

Quốc Nam (2002). Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm sau sinh ở các sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học năm 2002. Bệnh viện tâm thần TP. HCM.

Trần Nơ Thị (2018). Thực trạng trầm cảmvà hành vi tìm kiếm hỗ trợ ở phụ nữ mang thai, sau sinh tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Luận văn Tiến sĩ Y Tế Cộng đồng. Trường ĐH Y Hà Nội.

Nguyễn Bích Thủy (2013). Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở phụ nữ sau sinh tại hai phường của quận Hà Đông - Hà Nội năm 2013, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Y tế công cộng.

Tiếng Anh

Beck, CT and R.K. Gable (2002). Revision of the Postpartum depression Predictorrs Inventory. Journal of Psychosomatic Research.

Berner A et al (2011). A study of postpartum depression in a fast developing country:

DSM-V (2013). Dianostic and statistical Manual of Mental disorders DSM - V - 2013 TRTM, Postpartum onset Specifier.

Davey H.L., Tough S.C., Adair C.E., et al. (2011). Risk Factors for Sub-Clinical and Major Postpartum Depression Among a Community Cohort of Canadian Women. Matern Child Health J.

Kecbicop O.V. et al (1980). Bệnh loạn thần hưng – trầm cảm. Tâm thần học, NXB Hà Nội, tài liệu dịch.

Klainin P (2008). Postpartum depression in Asian cultures: a literature review. Int J Nurs stud.

K.H. Sharifi, Z. Sooky, Z. Tagharrobi và H. Akbari (2020). The assessment of postpartum depression and “satisfaction from husband”. Cambridge University.

Lee et al (1998). A psychiatric epidemiological study of postpartum Chinese women. American Journal of psychiatry.

Hanley J (2009). Postnatal depression and bipolar disorder. Perinatal Mental Health.

Sadock (2000). Postpartum psychiatric syndromes. Kaplan; Sadock. Comprehensive

O’Hara M.W. and Swain A.M. (1996). Rates and risk of postpartum depression-a metaanalysis. Int Rev Psychiatry.

Weijing Qi, Yến Lưu, Huicong Lv (2022). Effects of family relationship and social support on the mental health of Chinese postpartum women. BMC Pregnancy Childbirth. doi: 10.1186/s12884-022-04392-w.

Yue-Yun Wang, Hui Li, You-Jie Wang (2017). Living with parents or with parents-in-law and postpartum depression: A preliminary investigation in China. J Affect Disord. doi: 10.1016/j.jad.2017.04.052

WebMD - Mayo Clinic Staff (2020). Is It Postpartum Depression or ‘Baby Blues’?. Truy cập tại: https://www.webmd.com/depression/postpartum-depression/postpartum-depression-baby-blues. Ngày 12/08/2022.


Trần Quốc Toản



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
__________