1. Giai đoạn bào thai
Sự phát triển giới tính được bắt đầu từ lúc phôi thai được hình thành khi tinh trùng gặp trứng và thụ tinh. Giới tính của trẻ phụ thuộc vào sự thụ tinh giữa tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hoặc Y từ người cha với tế bào trứng (chỉ mang nhiễm sắc thể X), cặp nhiễm sắc thể giới tính XX là nữ, XY là nam. Sau khi thụ tinh tạo ra hợp tử, hợp tử phát triển thành phôi thai. Nếu có điều gì bất thường xảy ra trong quá trình phát triển có thể ảnh hưởng đến cảm giác trở thành nam hay nữ của một người nào đó.a. Đặc điểm sinh lý
Sự phát triển giới tính về mặt sinh lý chỉ quan sát được khi thai nhi bắt đầu vào tuần thứ 4 đến thứ 6 của thai kỳ. Mô đầu tiên phát triển thành tuyến sinh dục của phôi thai. Sự khác biệt về giới tính biểu hiện rõ nét ở tuần thứ 7,8 của thai kỳ.
(1) Bộ phận sinh dục trong: Trong vài tuần đầu tiên phát triển, phôi thai XX (nữ) XY (nam) được xác định. Từ tuần 5 – 6 hình dạng tuyến sinh dục ban đầu có khả năng phát triển thành 1 trong 2 tinh hoàn hoặc buồng trứng.
• Nam: tinh hoàn bắt đầu phát triển từ tuyến sinh dục từ tuần 7 – 8.
• Nữ: tuyến sinh dục bắt đầu tiến triển trong buồng trứng từ tuần thứ 10 – 11.
(2) Bộ phận sinh dục ngoài: Cơ quan sinh dục nam và nữ bắt đầu từ một mô trước khi sinh giống nhau (mô tương ứng - homologous). Tuần thứ 8, mô sẽ phát triển như một ụ da nhỏ hoặc nốt sần, ở bên dưới dây rốn.
• Ở nữ, nốt sần cơ quan sinh dục phát triển do ảnh hưởng của hormone nữ tạo ra âm vật, môi bé, tiền đình và môi lớn.
• Ở nam, tuần thứ 8 – 9, tinh hoàn bắt đầu bài tiết chất androgens làm kích thích phát triển bộ phận sinh dục nam. Nốt sần sinh dục kéo dài để hình thành dương vật, nằm thành niệu đạo, cuối cùng là lỗ niệu đạo. Một phần của nốt sần trở thành bìu dái.
(3) Sự phát triển của các hoocmon: testosterone trong phôi chứa nhiễm sắc thể Y quy định sự phát triển cấu trúc của cơ quan sinh dục nam. Nếu testosterone vắng mặt, bộ phận sinh dục nữ sẽ phát triển.
(4) Não bộ phát triển có tính chất quyết định tới việc định hướng giới tính.
b. Đặc điểm tâm lý
Chưa có những nghiên cứu về sự phát triển tâm lý điển hình giới tính của thai nhi trong suốt chu kỳ mang thai. Chỉ có những nghiên cứu về những tác động của môi trường bên ngoài (âm thanh, cảm giác cơ thể, cảm xúc người mẹ) tác động đến việc hình thành những tư chất ban đầu cho trẻ. Ảnh hưởng gián tiếp đến việc hoàn thiện xu hướng giới tính sau này của trẻ.
c. Kết luận sư phạm
- Tinh trùng người cha quyết định giới tính của trẻ
- Sự phát triển giới tính của trẻ bắt đầu sớm từ tuần thứ 4 đến thứ 6 của thai kỳ
- Có sự tác động gián tiếp từ môi trường đến quá trình hình thành xu hướng giới tính của thai nhi.
2. Giai đoạn lọt lòng đến 6 – 7 tuổi
a. Đặc điểm sinh lýChưa có sự khác biệt rõ ràng về đặc điểm cơ thể do hoạt động của tuyến sinh dục nam và nữ chưa phát triển mạnh về chức năng sinh lí giới tính.
b. Đặc điểm tâm lý
Ở giai đoạn này, biểu hiện giới tính chưa thực sự rõ rệt mặc dù có những biểu hiện khác nhau giữa các em trai và em gái trong hoạt động chủ đạo. Trong giao tiếp, mối quan hệ rất tự nhiên, chưa bị chi phối bởi các cảm xúc giới tính.
Các đặc điểm tâm lý của giai đoạn này gắn liền với đặc trưng của 3 giai đoạn tâm tính dục của phân tâm học: Giai đoạn hậu môn, giai đoạn môi miệng, giai đoạn dương vật tượng trưng.
Tiêu biểu ở lứa tuổi này, trẻ rất tò mò về chính cơ thể của chúng và khám phá ra rằng, việc sờ vào bộ phận sinh dục của chính bản thân làm cho trẻ thích thú và dễ chịu. Tuy nhiên ở tuổi này, trẻ không những tò mò về cơ thể của chúng mà còn tò mò về sự khác nhau giữa con trai và con gái, vì thế những năm ở nhà trẻ hay ở tuổi trước khi đi học, thỉnh thoảng trẻ khám phá cơ thể của nhau, kể cả bộ phận sinh dục.
Từ 18 tháng tuổi đến 3 tuổi, người ta có thể khẳng định một đứa trẻ chắc chắn là nam hay nữ. Điều này có được nhờ đứa trẻ được củng cố ý thức về sự khác biệt về các cơ quan sinh sản và các xúc cảm nhục dục kết hợp vào đó. Những vai trò của giới tính nam hay nữ được áp đặt cho trẻ thông qua các bức thông điệp và sự mong đợi của cha mẹ: những ngôn từ mà họ sử dụng như tên hay tên đệm mà họ gọi một cách âu yếm, cách thức đối xử với trẻ, cách trang phục, ăn mặc, những món đồ chơi mà họ mua cho bé, những trò chơi mà họ khuyến khích trẻ tham gia, những quy định buộc chúng phải tuân theo...
c. Kết luận sư phạm
- Giáo dục nhận biết những bộ phận trên cơ thể, bộ phận an toàn và bộ phận không an toàn.
- Rèn cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bộ phận sinh dục.
- Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh hơn là trò chơi tĩnh (với laptop, ipad,…)
3. Giai đoạn từ 7 đến 12 tuổi
Một đứa trẻ từ 7 đến 12 tuổi là khá độc lập khi tham gia các hoạt động thể lực, tiếp tục cải thiện theo thời gian. Cũng trải qua rất nhiều thay đổi thể chất và tâm lý khi chuẩn bị vào tuổi thanh thiếu niên.Giới tính đã bắt đầu hình thành rõ rệt và sự phát triển của các em nam và nữ có sự khác nhau cả về sinh lí và tâm lí.
a. Đặc điểm sinh lý
Tốc độ sinh trưởng của các em nữ nhanh hơn các em nam nên ở thời kì này các em nữ thường cao hơn các em nam.
Về thể chất thì các giai đoạn và đối với cả nam và nữ đều có một số điểm chung như: lớn phổng lên nhanh chóng, tim to dần ra, hệ cơ xương dài ra.
(1) Ở trẻ gái thì xương chậu to và rộng ra để phục vụ cho việc sinh đẻ sau này, lớp mỡ dưới da phát triển dày lên, vú to dần, núm vú lồi lên và mỗi ngày một to (để có thể tiết sữa nuôi con sau này), khiến cơ thể thiếu nữ có những đường cong duyên dáng.
(2) Ở trẻ trai thì hệ cơ phát triển mạnh khiến thân hình vạm vỡ, giọng nói ồm ồm, không trong trẻo như trước (do lộ hầu vì thanh quản nở to), hệ thống lông phát triển nhiều và rậm hơn ở nữ.
b. Đặc điểm tâm lý
Từ khoảng 6, 7 tuổi, giới tính bắt đầu rõ rệt, biểu hiện ở sự phân hoá các hoạt động và định hướng giá trị. Các em trai và các em gái chơi trò chơi khác nhau theo góc độ giới tính (nữ chơi nhảy dây, banh đũa, búp bê,...; nam chơi siêu nhân, xe cộ, đá banh,...) Vai trò giới được đo lường bởi bạn bè. Đứa trẻ nào xâm phạm trò chơi mẫu hình giới thường bị bạn bè tẩy chay. Bé trai hay bị tẩy chay khi xâm phạm mẫu hình giới hơn bé gái. Bạn cùng lớp có thể gia cố mạnh mẽ những hành vi khuôn mẫu giới. Sự khác biệt giới tính này càng ngày càng rõ rệt hơn. “Đứa trẻ bắt đầu biết xử sự theo những dấu hiệu mà nó nhận thấy là nó thuộc về giới nào, đồng thời ngược lại nó thấy thẹn thùng trước các dấu hiệu mà theo nó thuộc về giới kia”. Đứa trẻ sẽ lựa chọn những dạng nào đó trong số các khuôn mẫu hành vi được chấp nhận ở môi trường xung quanh nó.
Trẻ dần có những biểu hiện của người lớn và cảm thấy giữa mình và bố mẹ có những khác biệt. (1) Với nữ giới: Biết làm đẹp, quan tâm đến vóc dáng, trang phục,…
(2) Với nam giới: Thích chơi các trò mạnh và bạo lực, chọc phá,…
Có sự “xác định khoảng cách” giữa nam và nữ. Các em nam ít thân mật hoặc là chơi chung với các em nữ. Sự giao tiếp giữa hai giới đã có sự giữ kẽ hơn do các rung cảm giới tính đã bắt đầu xuất hiện dù các em chưa ý thức được.
Bắt đầu có sự tò mò về giới tính. Trong thời điểm này của cuộc đời, những thắc mắc cơ bản của trẻ là nguồn gốc những hiếu kỳ về sau và sự muốn biết của trẻ: “Đâu là sự khác biệt giữa tôi và những người có giới tính đối lập?”. Bản thân mình tồn tại với tư cách là trai hay là gái?
Trẻ phát triển ý thức về bản sắc giới và vai trò của giới thông qua trò chơi sắm vai cô dâu, chú rể, vợ chồng... Các trò chơi như người lớn nhưng phân rõ nam, nữ, nghề nghiệp.
Nhiều trẻ có thử nghiệm giới tính hay gặp nhất là nhìn ngắm và vuốt ve cơ quan sinh dục của mình. Sự phát hiện những hứng thú tính dục này thường là khám phá tình cờ của trẻ và chúng kéo theo ý định quả quyết của trẻ là đi tìm kiếm những hứng thú đó.
Trẻ có thể đã có những hiểu biết cơ bản về giới tính.
Ở cuối giai đoạn này (đầu giai đoạn dậy thì) ở trẻ xuất hiện những thay đổi ban đầu về mặt tâm sinh lý của giai đoạn dậy thì.
c. Kết luận sư phạm
- Bắt đầu chuẩn bị cho trẻ những kiến thức về những thay đổi tâm sinh lý trong thời kì dậy thì và cách thích ứng với những thay đổi đó.
- Cung cấp cho trẻ những kiến thức đúng đắn và phù hợp về giới tính và vai trò của giới tính.
- Điều chỉnh nhẹ nhàng và khoa học các hành vi khám phá giới tính của trẻ.
- Dạy trẻ cách phát hiện và tránh cũng như đối phó với các tình huống nguy hiểm như lạm dụng tình dục...
- Dạy cho trẻ như thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Tránh trẻ có các hành vi không phù hợp với lứa tuổi.
4. Giai đoạn dậy thì – Giai đoạn từ 12 đến 15 tuổi
Từ 12 đến 15 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các quá trình sinh dục, trong đó có hiện tượng dậy thì. Có những thay đổi nhanh, mạnh về cả sinh lý lẫn tâm lý trẻ ở giai đoạn này.- Độ tuổi dậy thì của giới Nữ: từ 10,12 - 14,15 tuổi
- Độ tuổi dậy thì của giới Nam: từ 11,12 - 16,17 tuổi
a. Đặc điểm sinh lý
Những thay đổi về cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục ở nam và nữ diễn ra nhanh, mạnh.
(1) Cơ thể đạt đến sự trưởng thành về sinh dục và bắt đầu có khả năng sinh sản
(2) Sự thay đổi nội tiết tố gây nên những biến đổi bề ngoài (mụn trứng cá, vỡ tiếng,…)
(3) Ở Nam:
+ Các chức năng tính dục hoạt động: Mộng tinh.
+ Tuyến sinh dục hoạt động mạnh, sản sinh ra các hoóc môn sinh dục nam (Testosterone).
+ Trẻ trai đã có đường nét của người đàn ông trưởng thành, có râu, lông chân, lông nách, thân hình cao lớn, vai rộng và cơ bắp.
+ Cơ quan sinh dục cũng phát triển.
(3) Ở nữ:
+ Tốc độ sinh trưởng tăng nhanh hơn nam.
+ Cơ thể to lớn và khỏe mạnh hơn nam.
+ Các chức năng tính dục hoạt động: Kinh nguyệt.
+ Trong thời gian có kinh, thiếu nữ có thể có những triệu chứng như đau bụng, bụng đầy hơi, hai vú hơi đau hoặc sưng lên, nhức đầu.
+ Sự tích cực tính dục ở nữ được quy định bởi số lượng hoóc môn sinh dục nữ (Estrogene và Prosestorone).
+ Trẻ gái đã mềm mại hơn, ngực và mông to lên tạo thành những đường cong quyến rũ.
b. Đặc điểm tâm lý
*Sự trỗi dậy các xung năng tính dục:
Các nội tiết tố giới tính tiết ra nhiều ở lứa tuổi dậy thì khiến cho các em xuất hiện những nhu cầu tình dục nhất định, đồng thời, cũng xuất hiện những rung cảm yêu đương.
Bắt đầu chú ý đến vẻ đẹp cơ thể và có những thích thú hay kích thích tình dục khi nhìn thân thể người khác phái (hoặc cùng phái).
Sự vô tình đụng chạm thân thể người khác phái (hoặc cùng phái) tạo nên cảm giác tình dục rạo rực, thích thú nhưng cũng bối rối và xấu hổ.
Các em trở nên băn khoăn về các vấn đề giới tính, tính dục, tình yêu ở người lớn.
Những cảm xúc ham muốn (rung cảm tình dục) biểu hiện ở những hành vi như: âu yếm, vuốt ve, ôm ấp, hôn…
Nhiều trường hợp, nếu các em không được giáo dục giới tính kỹ càng, thiếu kiến thức cũng như khả năng kiểm soát những cảm xúc rạo rực thì có thể dẫn tới việc quan hệ tình dục sớm và có nguy cơ mang thai trong độ tuổi tâm lý chưa trưởng thành và mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Xuất hiện những khủng hoảng trên sự biến đổi to lớn về cơ thể và tâm lý. Nếu thiếu sự chỉ bảo của người lớn thì các em sẽ tự tìm hiểu và trải nghiệm những thông tin như sách báo, tivi, Internet. Tiếp xúc với những sách báo không phù hợp lứa tuổi, do xem những phim ảnh dành cho người lớn.
Hiện tượng thủ dâm là biểu hiện khá phổ biến ở giai đoạn này.
*Tình bạn tuổi dậy thì:
- Nhu cầu kết bạn triển rất mạnh.
- Các đặc điểm cơ bản của tình bạn:
+ Tình bạn trở nên sâu sắc, gắn bó với nhau hơn, hình thành những nhóm bạn thân.
+ Trò chuyện tâm tình, trao đổi tâm tư nguyện vọng giữ một vị trí quan trọng trong giao tiếp.
+ Quan hệ với bạn của thiếu niên được xây dựng trên cơ sở của “bộ luật tình bạn”.
- Tình bạn thường mạnh mẽ và thiên về cảm xúc.
*Mối quan hệ với bạn khác giới:
- Cảm giác về sự trưởng thành khiến các em quan tâm nhiều hơn đến bản thân và những mối quan hệ xúc cảm - tình cảm mới giữa người - người, đặc biệt là mối quan hệ nam - nữ.
- Các em gái kết bạn khác giới nhiều hơn các em trai, càng lớn càng rõ rệt.
- Tình bạn khác giới của các em nữ có tiêu chuẩn tinh tế hơn, mang nhiều động cơ tâm lý hơn ở các em nam.
- Thận trọng, ý tứ, tế nhị, e ngại, mắc cỡ khi giao tiếp.
- Các giai đoạn phát triển của tình bạn khác giới:
• Lớp 6 - 7:
+ Thể hiện sự quan tâm đến bạn khác giới một cách trong sáng, hồn nhiên.
+ Các em gái có thái độ quan tâm đến bạn thường thể hiện khá thụ động và kín đáo (làm dáng hơn trước, chú ý đến hình thức của mình hơn...), các em thường che giấu tình cảm của mình bằng cách tỏ vẻ thờ ơ, lãnh đạm với bạn trai.
+ Các em trai thể hiện thái độ này một cách công khai, vụng về dưới hình thức gây sự tràn lan (xô đẩy, giật tóc, giấu dép, giấu cặp, trêu chọc, ghép đôi, đụng chạm,...).
+ Các em gái nhiều khi rất bực, không hài lòng về những hành vi như thế của các em trai, nhưng khi các em gái ý thức được vấn đề thì không còn bực tức, giận dỗi nữa.
• Lớp 7 - 8:
+ Quan hệ thay đổi, xuất hiện tính ngượng ngùng, e thẹn, nhút nhát.
+ Các em quan tâm đến nhau một cách e dè, kín đáo, chứ không thô thiển như trước.
+ Một số em vẫn còn bộc lộ một cách trực tiếp, còn lại đa số các em ra sức che đậy tình cảm của mình bằng thái độ dửng dưng, thờ ơ giả tạo, ra vẻ “chê bai” đối với người khác giới.
• Lớp 8 - 9:
+ Xuất hiện những nhóm bạn hỗn hợp, chơi chung cả trai lẫn gái.
+ Một số em đã xuất hiện tình bạn thân thiết giữa nam và nữ, những rung cảm giới tính đầu đời, nhưng các em cố gắng che giấu để không ai biết.
+ Xuất hiện kiểu quan hệ “yêu đương - bạn bè” ở mức độ thấp.
+ Nhìn chung, các em có những xúc cảm giới tính với tính chất trong sáng.
+ Một số em bị cuốn hút vào con đường “yêu đương sớm”. Nhiều khi các em cũng không hiểu rõ tình cảm của mình và để nó chi phối đến kết quả học tập.
*Đời sống cảm xúc – tình cảm:
- Các tuyến nội tiết hoạt động mạnh, nhưng chưa ổn định làm ảnh hưởng hoạt động của hệ thần kinh, hệ tim mạch. Do đó, các em dễ xúc động, bực tức, nổi khùng.
- Các biểu hiện của đời sống xúc cảm - tình cảm đầy tính mâu thuẫn, đa dạng, chưa ổn định, dễ thay đổi:
+ Vui vẻ, tự hào, lo lắng, thẹn thùng, xấu hổ. Đôi khi buồn vui lẫn lộn và có mong muốn được hiểu.
+ Cảm xúc thất thường: Chợt vui, chợt buồn, đôi lúc khó chịu.
*Thể hiện giới:
- Các em đã có khả năng nhận biết nhân dạng giới tính của mình và lựa chọn các hình thức thể hiện giới tính một cách khá phù hợp. Từ cách ăn mặc đến các phẩm chất giới tính, chẳng hạn:
+ Con gái ăn mặc phải khác con trai. Con gái thì phải dễ thương, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng nhẹ nhàng, “yểu điệu thục nữ”
+ Con trai thì phải mạnh mẽ, ngổ ngáo, can đảm.
- Sự nhận thức và thể hiện bản sắc giới tính chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: sinh học, cha mẹ, thầy cô, truyền thông, bạn bè và sự tích cực của bản thân các em. Bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và thái độ giới tính của các em.
- Những hành vi không phù hợp với giới tính thường ít được bạn bè chấp nhận và hay bị đem ra chế giễu.
Trong cảm giác người lớn và các thay đổi trong mối quan hệ giao tiếp, có thể kể đến những thay đổi cơ bản trong sự phát triển tâm lý trẻ giai đoạn này như sau:
(1) Thay đổi về cảm xúc: Vui vẻ, tự hào, lo lắng, thẹn thùng, xấu hổ. Đôi khi buồn vui lẫn lộn và có mong muốn được hiểu.
(2) Tính khí thất thường: Chợt vui, chợt buồn, đôi lúc khó chịu.
(3) Phức tạp hóa vấn đề: Lúc nào cũng nghĩ là mọi người đang quan sát, dò xét mình từng li từng tí.
(4) Suy nghĩ chủ quan: Hay nghĩ “Chuyện đó không thể xảy ra với mình”, “Không ngã được đâu”, “Không thể nào nghiện được”, “Một lần thì không thể có thai”.
(5) Tự lập: Muốn tự lập, tách dần ra khỏi “sự quản lý của cha mẹ”. Có những hành động để chứng tỏ mình là một người lớn thực thụ như: chỉ làm những việc mình thích, lười học, thích đi chơi, hút thuốc lá, uống rượu bia, chơi cờ bạc, đua xe máy, sử dụng ma túy, tụ tập, đàn đúm, đua đòi, ăn diện, yêu đương và có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
(6) Đặt câu hỏi về bản thân: Trẻ bắt đầu tự ý thức về bản thân nhiều hơn. Mong muốn tìm hiểu về các khả năng, điểm mạnh, điểm yếu, về hình dáng bên ngoài của mình.
c. Kết luận sư phạm
- Giáo dục giới tính sớm cho các em trên nhiều khía cạnh (Về sự khác biệt sinh dục giữa nam và nữ, cách vệ sinh và bảo vệ vùng bikini, giáo dục về tình yêu tuổi dậy thì, tác hại của quan hệ tình dục sớm và các biện pháp tránh thai,…)
- Gia đình và nhà trường cần hiểu và tôn trọng đặc điểm tâm lý giới tính tuổi dậy thì của trẻ. Từ đó, có cách giúp đỡ trẻ giải quyết các mẫu thuẫn nội tại hay các mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội của mình thông qua các buổi hội thảo, chuyên đề, các cuộc trò chuyện cá nhân.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm người lớn.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể trẻ bằng các thực phẩm bổ dưỡng, chăm chỉ tập thể dục để tăng cường sức khỏe.