Người dạy thiếu chuyên môn, đạo đức, lớp học lại quá đông, kết quả sinh viên học kỹ năng nhưng nội dung không gắn với nhu cầu của bản thân nên không hình thành được kỹ năng phù hợp với đặc điểm ngành nghề.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học 'Các giải pháp và mô hình tiêu chuẩn của việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM'.
Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 24-1, nằm trong khuôn khổ đề tài cấp thành phố do nhà trường chủ trì.
Dạy kỹ năng mềm để... bán hàng đa cấp
Đánh giá về thực trạng đào tạo kỹ năng hiện nay, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết có trường đại học mở bộ môn kỹ năng mềm nhưng không hề có trưởng bộ môn có chuyên môn sâu về lĩnh vực này; có nơi một buổi tổ chức 5-7 kỹ năng và cấp chứng nhận cho sinh viên, bài giảng có mục tiêu là: khóc, cười, vỗ tay mới thành công...
Cũng theo ông Sơn, thực tế không ít trường hợp lừa sinh viên học kỹ năng mềm để xin data của họ, có trường hợp lấy kỹ năng mềm nói chuyện miễn phí để bán hàng đa cấp.
Về phía người dạy, mỗi khi đi dạy kỹ năng mềm họ đều chụp ảnh đăng Facebook để quảng bá hình ảnh bản thân và có nhiều "sô".
Bên cạnh đó, nhiều giảng viên nghĩ môn kỹ năng mềm vui mà không quan tâm đến chuẩn. Có người không dạy chuyên ngành mình được đào tạo mà chuyển sang dạy kỹ năng mềm.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng nêu trường hợp một người liên tục thiếu kỹ năng mềm, từng bị đuổi việc 12 lần nhưng trở thành một chuyên gia dạy kỹ năng mềm - ứng dụng để thành công.
Một trường hợp khác kỹ năng nào cũng dạy, kỹ năng nào cũng có thể nói chuyên sâu. Bộ kỹ năng mềm của Bộ Lao động - thương binh và xã hội chỉ có 5-10 kỹ năng, nhưng giảng viên đi dạy 10 kỹ năng...
Sinh viên đang học những kỹ năng không cần thiết
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Trang Nhung - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nêu thực tế hiện nay tại một số trường đại học, sĩ số sinh viên đông từ 50-100 sinh viên/lớp; giảng viên không có sự hỗ trợ về phương pháp, công cụ thăm dò khi tổ chức lớp học, quỹ thời gian quá ít hoặc giảng viên mời ngoài nên không có cơ hội tiếp xúc sinh viên.
"Do vậy, dẫn đến tình trạng sinh viên học kỹ năng nhưng nội dung không gắn với nhu cầu của bản thân nên không hình thành được kỹ năng phù hợp với đặc điểm ngành nghề. Việc dạy kỹ năng mềm như vậy dễ bị ‘khơi khơi’ và khó đảm bảo tính ‘mềm’ như ứng dụng về mặt bản chất hay đặc trưng của chúng", bà Nhung nói.
Bà Nhung đề nghị để việc dạy kỹ năng mềm hiệu quả, các đơn vị giáo dục cần quan tâm đến chất lượng giảng viên, năng lực tổ chức quá trình giáo dục kỹ năng mềm.
ThS Trần Chí Vĩnh Long - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng giảng viên từ các trường, khoa khác nhau cần được huấn luyện, đào tạo liên tục về phương pháp, kỹ thuật giảng dạy để được trang bị và tăng cường những kỹ năng giảng dạy kỹ năng mềm phù hợp.
PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM chia sẻ: “Vai trò của người giảng viên vô cùng quan trọng trong công tác hướng dẫn sinh viên thực hiện, rèn luyện kỹ năng mềm. Nhà trường muốn thay đổi phải thực sự chú trọng nhiều hơn nữa công tác giáo dục, đặc biệt trong việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên, mà trước hết cần phải quan tâm đến chất lượng của đội ngũ trực tiếp giảng dạy – người giảng viên. Mô hình rèn luyện kỹ năng mềm và đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo hay chương trình chi tiết học phần kỹ năng mềm là những tiêu điểm cần xem xét nghiêm túc và thay đổi một cách nhanh chóng, cấp thiết”.
Theo Tuổi Trẻ Online
tamlyhoc.org
Tham khảo
- https://ytuongviet.org.vn/tin-tuc-chuyen-gia/bao-dong-tinh-trang-thieu-ky-nang-mem-nhung-van-dung-lop-day-sinh-vien.html
- https://tuoitre.vn/bat-nhao-day-ky-nang-sinh-vien-phai-hoc-cai-khong-can-20190124125901978.htm